LÁ MƠ
Folium Paederiae
Dược liệu là lá tươi của cây lá mơ – Paederia foetida L. Họ Cà phê – Rubiaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố:
Dây leo bằng thân quấn. Lá mọc đối hình trứng, nếu mặt dưới lá màu tím đỏ thì gọi là mơ tam thể. Hoa màu tím nhạt, mọc thành xim ở kẽ lá. Quả dẹt. Toàn cây có lông mềm và có mùi khó ngửi. Cây mọc hoang ở những bờ bụi. Có thể trồng bằng dây.
Loài P.scandens (Lour) Merr.cũng có hình dạng như loài trên chỉ khác là quả hình cầu và thân cành nhẵn, mọc hoang dại.
Thành phần hoá học:
Loài P.scandens đã được nghiên cứu từ năm 1968. Thành phần của lá có asperulosid và 4 glucosid: paederosid, scandosid, acid paederosidic và desacetyl asperulosid trong đó 2 chất sau cùng rất có thể không có trong tự nhiên mà là tạo ra do quá trình chiết xuất (công thức xem phần đại cương). Loài P.foetida được nghiên cứu năm 1976 và cũng thấy có 3 glucosid: asperulosid, paederosid và scandosid (công thức xem phần đại cương).
Ngoài ra thành phần có mùi hôi của lá mơ là chất methyl mer tan.
Công dụng:
Nhân dân ta dùng lá để chữa lỵ.
Cách làm: lá mơ 50gam, thái nhỏ trộn với lòng đỏ trứng gà, bọc lá chuối, nướng hoặc đặt trên chảo (không dùng mỡ) nóng đến khi chín thơm. Ngày ăn 2-3 lần. Lá mơ còn dùng để chữa chứng sôi bụng, ăn không tiêu, viêm dạ dày ruột, làm thuốc thông tiểu, chữa trĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.