Tên khác: Khương giới – Bạch tô – Giả tô
Tên khoa học: Elsholtzia ciliata (Thumb.) Hyland.
Họ: Hoa môi
1. Mô tả, phân bố
Kinh giới thuộc loài cây thảo cao 0,3 – 0,45m: Thân vuông, mọc thẳng. Lá mọc đối, phiến lá thuôn, nhọn, mép có răng cưa, cuống dài 2 – 3cm. Hoa tự có lá bắc to, mọc thành bông ở đầu cành hoa nhỏ có màu tím nhạt. Quả hạch, nhẵn. Kinh giới được trồng làm rau thơm và làm thuốc ở khắp nước ta.
Cần chú ý phân biệt với Kinh giớiTrung Quốc và các cây cùng tên khác như: Kinh giới nam, Kinh giới bắc, Kinh giới dại, Kinh giới đất… .
2. Bộ phận dùng, thu hái
– Bộ phận dùng: là phần cành ngọn có mang lá và hoa.
– Thu hái vào mùa thu (tháng 7 – 9) khi thời.tiết khô ráo; cắt lấycành có nhiều lá và hoa đúng quy định (dài không quá 30cm); đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ Ở 40 – 50 0C cho đến khô. Dược liệu Kinh giới đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Dược liệu Kinh giới có thành phần chính là tinh dầu thơm, còn các chất khác thì chưa rõ. Trong tinh dầu Kinh giới chủ yếu là d-menthol, menthol racemic và một ít d-limonen.
4. Công dụng, cách dùng
Dược liệu Kinh giới có tác dụng làm ra mồ hôi, trừ phong, chữa ho, lưu thông huyết mạch. Được dùng để chữa các chứng bệnh như: sốt do cúm, cảm mạo, cảm lạnh nhức đầu, họng sưng đau… Kinh giới sao đen (Thán kinh giới) có tác dụng cầm máu, dùng cho phụ nữ băng huyết và các trường hợp chảy máu khác như: chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiện ra máu…
Cách dùng: Uống 5 – 10g, dạng thuốc sắc.