CAO SU


Tên khoa học: Hevea brasiliensis (Willd. ex A.Juss.) Müll.Arg.; thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả: Cây to, cao tới vài chục mét. Lá mọc so le, có cuống dài, với 3 lá chét hình bầu dục, nhọn mũi và nhẵn. Hoa nhỏ, họp thành chuỳ xim hai lần ngắn hơn lá. Quả nang có 3 mảnh vỏ, với vỏ quả ngoài gần như nạc, và vỏ quả trong hoá gỗ. Hạt gần hình cầu, dài 2,5-3cm, có vân, không có màng, có nhiều nội nhũ nạc. Hoa nở tháng 2-4.
Bộ phận dùng: Nhựa mủ và dầu hạt (Latexet Oleum Heveae).
Phân bố sinh thái: Cây có xuất xứ từ thung lũng sông Amazon (Brazin) được nhập vào trồng ở các nước nam Á châu và ở nước ta. Việc nhập giống trồng đầu tiên vào năm 1877 ở Thảo cầm viên Sài Gòn bị thất bại; sau đó vào năm 1897 người ta mới lấy hạt giống từ Java vào trồng thí nghiệm và thành công ở Suối Dầu tỉnh Khánh Hoà. Các hạt giống từ Java lại được tiếp tục nhập vào tạo ra những giống hạt cung cấp cho tất cả các đồn điền Nam Bộ Việt Nam và Campuchia từ ngày đó đến nay. Ta thường trồng để lấy nhựa cao su rất quen thuộc trong đời sống.
Thành phần hóa học: Nhựa mủ chứa 70% nước và 20-30% cao su. Nhũ tương chứa các chất khoáng (0,50%), các glucid (1-2%), các protid (aminoacid), các men (oxydase) Cao su là một polymer của isopren (polypren), các dãy polyisorenic có cấu trúc cao đối với các nối kép và trọng lượng phân tử có thể vượt quá 1 triệu. Quả chứa một tinh dầu lỏng (20-34% ở hạt, 38-53% ở nhân) màu vàng rơm, mùi dầu lanh, dính. Hạt chứa một glycosid cyanogenetic độc.
Công dụng: Cao su được dùng ỏ trạng thái nguyên để làm thuốc dán, thuốc cao lá. Nó cũng được sử dụng làm các

đồ phụ tùng (núm vú giả, ống dò thương tích). Dầu hạt cao su dùng trong hội hoạ, dùng chế vaccin và để làm xà phòng rất thông dụng ở Hoa Kỳ và Achentina. Khô dầu hạt là thức ăn có giá trị cho gia súc, nhưng nếu ép từ hạt tươi thì lượng HCN lên tới 30mg% còn ở hạt khô là 4mg%. Nếu ép nóng thì độc tố biến mất. Khi ta dùng khô dầu ép lạnh đun nóng lên thì cũng không còn độc chất nữa; khô dầu cũng đồng thời được dùng làm phân.

0/50 ratings
Bình luận đóng