Cải rừng bò
Cây mọc ở vùng rừng Lào Cai (Sapa, Mông Sến), Hoà Bình (Vụ Bản) trên đất ẩm. Thu hái toàn cây vào cuối mùa xuân, hè và thu, phơi khô hay dùng tươi.
Cải rừng bò, Hoa tím tràn lan – Viola diffusa Ging. ex DC., thuộc họ Hoa tím – Violaceae.
Mô tả: Cây thảo có lông mềm ngắn. Thân bồ dạng thảo hay gần hoá gỗ, nom như những thân thật. Lá phần nhiều thành túm, hình bầu dục xoan, tù hay gần nhọn; các lá đầu tiên hình tim ở gốc, các lá khác hình tim hay cụt hoặc thót nhọn, hơi khía lượn; cuống lá dài, có cánh; lá kèm rời, hẹp, có răng rõ. Hoa màu tím, trăng trắng hay màu tía nhạt; lá đài gần nhọn; cựa ngắn, gần hình cầu; vòi mảnh. Quả nang tù, không lông. Cây ra hoa tháng 2-4.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Violae Diffusae.
Nơi sống và thu hái. Cây mọc ở vùng rừng Lào Cai (Sapa, Mông Sến), Hoà Bình (Vụ Bản) trên đất ẩm. Thu hái toàn cây vào cuối mùa xuân, hè và thu, phơi khô hay dùng tươi.
Tính vị tác dụng: Vị nhạt, cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu sưng, rút mủ lên da, làm trong phổi, khỏi ho.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Viêm gan; 2. Viêm màng tiếp hợp cấp; 3. Ho gà, trẻ em ho khan, ho có đờm do phong nhiệt. Dùng ngoài trị viêm vú cấp, zona, mụn nhọt sâu quảng, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, gẫy xương. Liều dùng 15-30g, có thể dùng đến 40g, sắc uống. Dùng ngoài lấy lượng vừa đủ, giã tươi cho nát đắp hoặc dùng cây khô tán bột rắc, bôi xoa.
Đơn thuốc: – Chữa viêm màng tiếp hợp, dùng Cải rừng bò tươi, giã nát đắp vào thái dương về phía mắt đau. Thay đổi vài lần trong ngày. Đồng thời dùng 30g nấu nước uống.
Cải rừng bò lan
Cải rừng bò lan, Hoa tím lông – Viola serpens Wall ex Ging (V. pilosa Blume), thuộc họ Hoa tím
Mô tả: Cây thảo nhỏ, nhiều năm; thân ngắn. Lá chụm nơi đâm rễ; phiến mỏng, có lông mịn, hình tim, gân từ gốc 3, gân phụ hai cặp, mép có răng nằm, cuống dài 5-8cm; lá kèm có rìa lông, nâu đỏ. Cuống hoa dài bằng cuống lá, có 2 tiền diệp ở giữa. Hoa nhỏ, không thơm; 4 cánh hoa cao 5mm, cánh hoa giữa xoan, cao 6mm, móng dài 2mm; bầu không lông. Quả nang to 5-10mm, chia 3 mảnh. Hoa quả vào tháng 3.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Violae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Xri Lanka và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở rừng trên độ cao 1000-3000m ở các tỉnh Tây Nguyên.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cây cũng có những tính chất và công dụng như Hoa tím.
Cải rừng lá kích
Cải rừng lá kích, Cây lưỡi cày – Viola betonicaefolia J.E.Sm., thuộc họ Hoa tím – Violaceae.
Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, có rễ chính to, không có chồi. Lá xoan, thuôn, tù, cụt, hay hơi hình tim ở gốc, dài 5-6cm, rộng 2-3cm ở gốc, nhẵn, gần như đồng màu, có mép hơi có răng; cuống lá có cánh, nhất là ở đỉnh, dài 4cm; lá kèm nguyên, dài 1cm. Hoa màu trắng hay lam lam, có sọc đậm, kích thước trung bình, ở ngọn một cuống hoa dài 10cm hay hơn, vượt quá lá. Quả nang dài 6mm. Hoa tháng 11-5; có quả vào mùa hạ, mùa thu.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Violae Betonicaefoliae.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở vùng núi từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tây cho tới Lâm Đồng. Còn phân bố ở Lào, Nam Trung Quốc và Châu Úc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thường phối hợp với các vị thuốc khác sắc uống làm thuốc hạ nhiệt vào mùa hè, nhưng chỉ uống hạn chế độ 3-4 lần thôi vào mùa nóng. Lá, hoa và thân còn dùng làm thuốc điều trị nhọt và các vết thương.
Cải rừng tía
Cải rừng tía, Rau cẩn, Rau bướm, Hoa tím ẩn – Viola inconspicua Blume. thuộc họ Hoa tím – Violaceae.
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, có thân ngắn, gốc cứng. Lá mọc chụm lại thành hình hoa thị ở gần gốc. Phiến lá hình tam giác, dài 2,5-5cm, rộng 2-4cm, gốc lõm hình tim, có tai hẹp, đầu nhọn, mép có răng thưa không đều; cuống lá dài 7-9cm (gấp 2-3 lần phiến); lá kèm màu nâu, mép nguyên, nhọn. Hoa mọc ở nách lá trên một cuống dài 3,5-4cm; 5 lá đài màu lục, 5 cánh hoa màu tía hay trắng. Khi hoa nở, cánh hoa uốn cong xuống như hình con bướm. Quả hình cầu, có 3 cánh. Hạt rất nhỏ, hình trứng ngược, màu nâu nhạt.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Violae Inconspicuae
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở nhiều nơi, thường gặp ở các bãi suối có cát, ven rừng nơi ẩm, các nương rẫy cũ ẩm, nhiều ánh sáng ở các vùng phía bắc đến các tỉnh Tây Nguyên, trên độ cao 500m- 1700m.
Thành phần hóa học: Cải rừng tía chứa 88% nước, 2,4% protid, 7,2% glucid, 1,2% xơ, 1,2% tro, 3,5mg% caroten và 31mg% vitamin C.
Tính vị, tác dụng: Cải rừng tía có vị đắng nhạt, hơi the, tính mát; có tác dụng làm mát máu, giải độc, tiêu sưng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Các phần non của cây dùng làm rau ăn luộc, xào, hay nấu canh. Cây còn được dùng chữa viêm họng, đau mắt viêm tuyến vú và sưng lở. Liều dùng 40-80g cây tươi hay 20-40g cây khô sắc uống. Ngoài dùng lá tươi giã đắp chỗ sưng đau.
Đơn thuốc: Lương y Lê Trần Đức cho biết một số ứng dụng của Cải rừng tía:
- Chữa quai bị: Lá cải rừng tía 40g, phèn chua 4g, giã nhỏ đắp.
- Chữa viêm tiền liệt tuyến: Cải rừng tía 40g, Mã đề, Hải kim sa mỗi vị 20g, sắc uống.
- Chữa tràng nhạc, mụn mạch lươn hay bị kết hạch, dùng Cải rừng tía 40g sắc uống và giã đắp ngoài.mửa hết.
- Chữa ngộ độc, dùng Cải rừng tía giã ra lấy 50ml nước cốt uống thì mửa ra, uống nhiều thì
Ghi chú: Còn loại Cải rừng trắng hay Rau cẩn nhẵn – Viola arcuata Blume mọc ở vùng cao Sapa, Đà Lạt, trên các bãi ẩm, nương rẫy cũ và vách đá ẩm, cũng được dùng làm rau ăn ghém, hoặc xào hay nấu canh