Tại phần lớn các bệnh viện sản, Bé được tắm rửa ngay sau khi mới sinh ra hoặc một vài giờ sau đó. Sau khi ở bệnh viện về nhà, Bé cũng cần được tắm rửa mỗi ngày. Tắm không chỉ là sạch sẽ mà còn là dịp để Bé vùng vẫy, cử động tay, chân một cách thoải mái, dễ dàng hơn những lúc Bé nằm. Chúng ta có thể tắm cho trẻ sơ sinh cả trong thời gian cuống rốn chưa rụng, miễn là chú ý rửa sạch chậu tắm sau mỗi lần dùng, tránh để cuống rốn bị viêm, nhiễm.

tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà
Hình ảnh tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà

Những đồ dùng để tắm rửa

Nếu có điều kiện, nên có một bồn tắm riêng. Ngoài bồn tắm, nên có một chậu nhựa để dùng khi lau người, mặt, chân, tay, khi thay tã lót. Ngoài ra, nên có :

  • Loại xà phòng riêng cho trẻ em, không cần có mầu hay có mùi;
  • Nhiệt kế đo độ nóng của nước
  • Hộp đựng bông
  • Sữa tắm
  • Cồn 60°
  • Dung dịch eozin (chất dẫn xuất từ fluor)
  • Huyết thanh sinh học.

Không nên xoa da cháu bé bằng cồn, dù là cồn loáng kể cả nước thơm Cologne, trừ loại nước Cologne đặc chế chỉ có glycêrin không có cồn.

  • 2, 3 khăn tay hoặc bao tay để tắm, bằng loại sợi mềm.
  • 2 khăn tắm để trùm và lau khô Bé khi tắm xong.
  • 1 kéo cắt móng tay, 1 bàn chải tóc bằng lông tơ, không phải bằng sợi ni-lông.
  • 1 nhiệt kế đo thân nhiệt.

    Đồ dùng tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà
    Đồ dùng tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà

Ngoài ra, nên có thêm nếu có điều kiện :

  • 1 cái giỏ bằng chất dẻo có 2 ngăn để đựng các đồ vật trên và các tá lót sạch.
  • 1 cái cân cho Bé. Nên cần thường xuyên cho Bé trong những tháng đầu – nhất là đối với các trẻ sinh thiếu tháng. Sự lên cân đều đặn là biểu hiện của sức khỏe bình thường.

Cách chăm sóc rốn

  • RỐN : Khi Bé mới sinh ra, bác sĩ cắt đoạn nối rốn Bé với nhau, để lại một đoạn chừng 0,5cm. Đoạn cuống rốn này sẽ khô và rụng vào khoảng 7 ngày sau, để lại một vết sẹo. Vết sẹo hay rốn sẽ lành và kín sau vài ngày, nhưng rốn vẫn ướt và hơi chảy nước trong 1-2 ngày. Sau 1 tuần, rốn sẽ hoàn toàn khô.

Trong khi cuống rốn chưa rụng, rốn chưa khô, phải giữ cẩn thận để tránh cho rốn khỏi bị nhiễm trùng. Bởi vậy, thường người ta quấn băng rốn và thay băng mỗi ngày. Trước khi quân băng lại, lau rốn nhẹ nhàng bằng nước đun sôi để nguội và phủ lên rốn một lớp gạc mềm, dính vào da bụng bằng loại băng keo đặc biệt không gây dị ứng da. Tất cả băng và gạc, đều đã được khử trùng.

Nhứng hiện tượng như : rốn chảy nước lâu quá hạn định, bị tấy đỏ xung quanh, có mùi hôi, đều cần phải báo cho bác sĩ biết.

Thay tã lót mỗi ngày

Trong những ngày đầu, nên rửa đít cho Bé bằng loại sữa tắm (loại xà phòng nước đặc biệt dùng để tắm cho Bé). Dùng bông lau rửa 2 đùi, mông, phía sau và phía trước, đặc biệt cẩn thận cho các Bé GÁI.

DA trẻ sơ sinh rất mỏng và nhạy cảm. Chỉ có sự sạch sẽ mới giữ được cho da khỏi bị viêm nhiễm. Sau này, chúng ta có thể dùng xà phòng thường tắm rửa cho Bé, nhưng luôn phải nhận xét. Nếu có hiện tượng da bị mẩn đỏ, phải ngưng dùng xà phòng thường và bôi mỡ có chất sát trùng hoặc dung dịch eozin lên mông hoặc những điểm bị mẩn đỏ.

Khi thay tã, đừng quên nhận xét PHÂN của Bé. Các bà mẹ sẽ có kinh nghiệm rất nhanh về việc này, vì phân cứng hay mềm, nhiều hay ít, mầu, mùi như thế nào đều có thể cho ta biết sức khỏe của Bé ra sao, Bé ăn có tiêu không, để nói lại với bác sĩ, xem Bé có bị bệnh hoặc có cần thay đổi cách pha sữa, thay đổi các thức ăn không.

Lần tắm đầu tiên

Nếu bạn đợi vài ngày, khi về nhà mới tắm lần đầu cho Bé, nên nhớ da Bé rất mỏng, có những nếp nhăn và việc cọ rửa mạnh tay có thể làm sây sát. Hãy bày sẵn ra bàn các thứ cần dùng cho việc tắm rửa, để không phải ngưng tay lúc tắm, lúc quân tã, làm cho Bé bị lạnh.

Quấn lại băng rốn cho Bé như đã nói ở phần trên. Lau khô người, xoa loại dầu đặc biệt dùng sau khi tắm (nếu có), quấn khăn cho Bé ấm, rồi lau khô mặt.

Tắm cho Bé vào lúc nào ?

Trong mấy tháng đầu, tốt nhất là tắm cho Bé vào buổi sáng. Sau này, khi Bé đã biết lê la khắp nhà, sẽ tắm cho Bé vào buổi chiều để được sạch sẽ trước khi đi ngủ.

Thời gian Bé trần truồng trong lúc tắm là dịp để bố, mẹ nhận xét khắp người con xem có điều gì bất thường không, từ một vết tấy đỏ tới một chỗ bị u, phồng. Mỗi lần được tắm là một dịp để Bé vùng vẫy, vui đùa thỏa thích. Chẳng mấy lúc mà thời gian tắm của Bé cũng là thời gian đầy tiếng cười vui vẻ và hạnh phúc của bố, mẹ và những người thân đứng xung quanh.

Để tắm cho Bé được an toàn, nên :

  • Chuẩn bị các thứ cần dùng, đặt trong tầm tay với.
  • Nếu có thể, nhờ một người đứng bên cạnh phụ giúp, đưa các thứ cần dùng. Nhiệt độ phòng tắm nên từ 20°c trở lên.
  • Để tránh lầm lẫn, khi pha nước tắm, RÓT NƯỚC LẠNH VÀO BỒN TRƯỚC, rồi mới pha nước nóng vào sau. Nước 37°c là vừa.
  • Khi chưa thành thạo cách bế và tắm cho Bé, hãy xoa xà phòng trước cho Bé. Sau đó, đặt miếng xà phòng vào hộp đựng, để hai bàn tay không bị vướng víu gì khi bế Bé.
  • Lúc đầu, bao giờ bạn cũng có xu hướng tắm vội cho Bé, nhưng dần dần, bạn sẽ thấy vui thích khi nâng người Bé để Bé vùng vẫy nghịch nước trong tay. Điều đó, thể hiện Bé đang khỏe mạnh.

Tại sao Bé có vẻ vui thích khi được tắm ? Vì trước khi ra đời, Bé đã qua hơn 7 tháng trong môi trường nước. Mới ra môi trường cần được ít lâu, mỗi lần tắm là Bé lại thấy như được trở lại cảm giác yên ổn như khi còn trong bụng mẹ. Trong khi tắm Bé rất chú ý tới những lời nói nựng nịu của mẹ.

Các động tác tắm cho Bé

Chú ý : Khi đang chuẩn bị, để Bé trên bàn hay trên giường, PHẢI LUÔN LUÔN ĐẶT TAY LÊN BÉ. Chỉ cần 1 giây sơ xuất, lúc bạn vừa quay đi, là Bé có thể rơi từ trên cao xuống đất.

  1. Bỏ tã lót ra. Nếu cần đặt Bé lên bàn, hãy lau sạch chỗ đặt để khi dội nước, nước dưới lưng Bé không bị bẩn.
  2. Xoa xà phòng người Bé trước, tóc sau. Nên dùng khăn túi đeo vào tay, đỡ bị trơn hơn. Sau này, khi bạn đã quen việc tắm cho Bé, bạn có thể sát xà phòng và tắm cho Bé bằng tay không, như vậy Bé có cảm giác thích thú hơn. Khi xoa xà phòng vào đầu Bé, đừng quá lo lắng vé cái ÓT. Màng da chỗ đó tuy mỏng như các chỗ khác nhưng đủ khả năng chống lại sức ép bình thường của miếng xà phòng lên da.
  3. Trước khi cho Bé vào nước, kiểm tra độ nóng của nước bằng khuỷu tay của mình để biết nước còn lạnh hay quá nóng. Khuỷu tay của chúng ta nhạy cảm hơn bàn tay.
  4. Đỡ Bé bằng tay trái đặt dưới gáy và tay phải nắm lấy 2 cổ chân, rồi cho Bé từ từ vào bồn nước. Nếu Bé có phản ứng như rụt rè, sợ hãi, hãy nói nựng để Bé yên tâm.
  5. Tay trái vừa đỡ vừa nắm chắc tay Bé để lau rửa cho Bé bằng tay phải. Thỉnh thoảng hạ tay trái xuống để nhúng cả phần đầu và tai Bé xuống nước. Khi bạn đã giữ Bé thành thạo rồi, hãy để cho Bé vùng vẫy dưới nước một lúc cho thỏa thích.
  6. Sau vài ngày quen với công việc tắm cho Bé, bạn có thể đỡ Bé kiểu nằm sấp, Bé rất thích nằm sấp.
  7. Đỡ Bé như hình 4 để cho Bé ra khỏi nước, đặt vào khăn tắm. Thấm khô cẩn thận cho Bé, thấm phần đầu trước cho khỏi lạnh. Chú ý làm khô những chỗ có nếp nhăn ở tay, nách, đùi, đầu gối…
  8. Khi làm khô, lấy khăn chấm chấm nhẹ lên da chứ không lau chùi cọ sát da. Dùng hai tay nâng nhẹ Bé để xem nặng, nhẹ. Được tắm sạch sẽ, Bé có vẻ rất thích thú. Nếu phòng không lạnh, chưa cần mặc quần áo cho Bé vội, hãy để Bé khua chân múa tay một lát trên khăn. Bạn có thể xoa bóp tay chân cho Bé.
  9. Mặc áo cho Bé, áo vải trước, áo len sau.
  1. Đặt Bé nằm sấp để cài áo đằng sau.

MẶC QUẦN KIỂU KÍN

  1. Đặt Bé nằm ngửa rồi xỏ quần vào hai chân.
  2. Hơi xiết quần lại ở lưng để khỏi tuột rồi dính lại bằng băng keo.
  3. Đặt Bé nằm sấp để cài mép quần phía sau lưng. Nếu Bé hay đái dầm, có thể độn thêm một cái lót vào trong quần. Nhiều trẻ không thích mặc quần kín, chúng ta sẽ dùng tã lót như phần hướng dẫn sau.

SAU KHI MẶC QUẦN ÁO XONG

  1. Lấy bông thấm nước ấm hoặc nước thơm dùng riêng cho trẻ con để lau mặt cho Bé. Tiếp theo, lau vành tai và phần tai ngoài.

Không được lau tai trong. Phía trong tai có những lông nhỏ, những lông này sẽ tự đùn ráy tai ra ngoài. Không được dùng que, tắm để lau chùi phía trong tai, rất nguy hiểm. Nếu sau vành tai có kẽ nứt, bôi lên đó một ít vadơlin thường.

  1. MŨI : Nếu cần, lấy một miếng bông ướt lau phía ngoài mũi cho Bé. Không cần lau sâu. Cũng giống ở tai, phía trong mũi cũng có những sợi lông nhỏ đẩy những chất nhầy và bụi ra ngoài.
  2. MẮT : Dùng bông tẩm sérum sinh học, lau bờ mi mắt tờ phía trong gần mũi, ra phía ngoài. Thay bông khi lau sang

THAY TÃ LÓT

  1. Trên 1 miếng vải nylon tam giác đặt một cái tã lót vuông đã gấp 4 góc lại và 1 miếng vải mềm lót rốn.
  2. Quấn 2 đầu trên chiếc tã 4 góc vào bụng bé, 2 đầu dưới ta vào giữa 2 chân sang phía bên.
  3. Cho đầu nhọn miếng vải nylon hình tam giác qua 2 chân Bé từ phía trước ra phía sau. Gấp bờ miếng vải phía trên bụng lại rồi quấn ra sau, buộc lại.

Những câu hỏi về việc tắm rửa cho Bé

  1. Đối với bé trai, có phải chú ý lau rửa bộ phận sinh dục không ?

Có. Ngay từ những tuần lễ đầu. Thỉnh thoảng, trong lúc tắm kéo nhẹ da bọc quy đầu của Bé ra phía sau. Chú ý, nếu việc này dễ làm và thấy Bé không khóc thì mới làm. Rửa nhanh và nhẹ nhàng quy đầu của Bé.

Đối với các bé gái, dùng bông ướt tẩm nước ấm, chùi nhẹ tay từ phía trước ra phía sau. Chú ý lau sạch những chỗ có nếp nhăn và khe kẽ.

  1. Nếu Bé sợ nước thì có nên bắt Bé tắm không ? Có. Nên kiểm tra kỹ sao cho nước vừa ấm, không nóng quá, không lạnh.

Nói nựng để dỗ Bé. Chỉ sau vài ngày, Bé sẽ quen và không muốn ra khỏi nước nữa.

  1. Có cần ngày nào cũng tắm cho Bé không ? Có. Vừa sạch sẽ mà vừa làm cho Bé tỉnh táo, vui thích. Trẻ con rất thích tắm và nghịch nước.
  2. Khi nào thì Bé tắm trong bồn tắm người lớn được ? Khi Bé đã biết ngồi chắc chắn. Hãy để Bé ngồi lên trên một chiếc khăn để tránh bị trơn trượt. Tuy vậy, cũng KHÔNG BAO GIỜ ĐỂ BÉ TRONG BỒN TẮM MỘT MÌNH, dù chỉ một lúc. Chỉ cần 15 cm nước cũng có thể xảy ra tai nạn với Bé. Với các trẻ đã biết nghịch đồ chơi, phải đề phòng việc chúng mở vòi nước nóng bất chợt.
  3. Có cần gội đầu cho Bé mỗi ngày không ? Cần, để tránh da đầu không bị trốc. Nếu Bé bị trốc, sau khi tắm dùng va-dơ-lin hoặc dầu hạnh đào xoa vào đầu Bé. Ngày hôm sau, dùng xà phòng gội đầu cẩn thận cho Bé. Sau khi xoa dầu, mỡ va-dơ-lin, đội mũ cho Bé để khỏi làm bẩn gối. Khi Bé được 3-4 tháng, 2-3 ngày gội một lần. Nên dùng xà phòng riêng cho trẻ em để nếu nước xà phòng vào mắt không làm Bé cay mắt.
  1. Chỗ da đầu ở ÓT có cần phải chú ý gì không ? Xương đầu ở chỗ ót chưa liền với nhau. Có 6 điểm như thế nhưng chúng ta chỉ nhìn rõ một điểm lớn nhất thôi. Điểm này ở phía trên trán, hình quả trám, chiều rộng chừng 3-4 Khi Bé ho hay khóc, da chỗ này căng ra. Xương sọ ở những chỗ đó sẽ dần dần liền lại và liền hẳn từ khoảng 8 tháng tới 18 tháng, tùy ở mỗi trẻ.

Cần nương nhẹ chỗ ÓT, nhưng lau rửa, sát xà phòng nhẹ nhàng thì không hề gì.

  1. Có cần cắt móng tay cho Bé không ? Không nên cắt móng tay khi Bé chưa được 1 tháng. Nếu Bé hay cào mặt và hay cử động nên cắt móng tay khi Bé ngủ. Chú ý, không nên cắt sát quá.
  2. Bé tự đánh răng lúc mấy tuổi ? Khi Bé lên 2, hoặc 2 tuổi rưỡi, có thể cho Bé tự đánh răng lấy. Muốn vậy, trước đó bạn hãy để cho Bé nhìn thấy bạn đánh răng. Bé sẽ muốn bắt chước. Thật ra, Bé không thể đánh kỹ được và bạn phải thường xuyên kiểm tra, đánh lại và chú ý xem răng có những chấm đen báo hiệu sâu răng không. Hãy dạy cho Bé cách đánh răng từ trên xuống dưới theo chiều dọc của răng, đánh trước răng, sau răng trong thời gian 2 phút. Thường tới 5 tuổi, Bé mới thạo được.

Nên dùng thuốc đánh răng có Fluo. Từ 3 tuổi, nên cho Bé đi khám răng mỗi năm 1 lần, dù răng có vẻ tốt.

Những trẻ em có răng sâu sẽ kém ăn và yếu ớt.

Khi Bé đã có răng, cần chú ý luyện tập cho Bé nhai thức ăn. Không nên chỉ cho Bé ăn toàn loại súp, thức ăn nghiền hoặc tự tan trong miệng. Hãy cho Bé miếng bánh hơi dòn, cứng. Cho Bé cắn những trái cây như táo, lê…

Những thức ăn có hại cho răng là kẹo và những đồ ngọt có đường. Những thứ này dính vào răng, tạo thành lớp cặn có tính axít làm mòn men răng. Không nên cho trẻ em ăn các thức ăn ngọt sau bữa cơm chiều, nhất là trước khi ngủ.

  1. Có cần cho Bé tập thể dục không ? Sau khi tắm, bạn có thể làm những động tác co chân, giơ chân cho Bé để giúp việc hình thành các bắp thịt ở bụng : đặt một bàn tay lên bụng Bé khi đang nằm, tay kia nắm lấy 2 cổ chân Bé, giơ từ từ chân lên tới khi thẳng đứng, rồi lại hạ xuống. Làm nhiều lần như vậy như đang đùa nghịch với Bé. Sau khi tắm, đặt Bé nằm trên một chiếc khăn. Nếu Bé tự co chân, co tay, đạp lung tung, hãy để cho Bé tự hoạt động như thế một lúc. Đó là Bé tự tập thể dục đấy.
0/50 ratings
Bình luận đóng