Định nghĩa

Quá trình phức tạp được quy định bởi gen, bởi tiền sử dinh dưỡng và tâm lý của cá thể và môi trường; biểu hiện bằng tăng trọng do tích trữ quá nhiều mô mỡ.

Căn nguyên

Nói chung, nguyên nhân gây béo phì là do cung cấp năng lượng nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể. Có sự khác biệt theo cá thể về sử dụng năng lượng và một số người ăn các thức ăn chứa nhiều calo mà không tăng cân nặng trong khi một số khác lại bị béo phì. Nguyên nhân của sự sử dụng khác nhau này còn chưa rõ nhưng hình như yếu tố gia đình có vai trò trong béo phì. Cần chú ý là chuyển hoá cơ sở (biểu thị bằng số calo theo mét vuông diện tích da) thường thấp ở người béo phì. Thực vậy, diện tích da tăng là do tăng mô mỡ, là mô sử dụng ít ôxy.

  1. Béo phì bắt đầu lúc trưởng thành (thể phì đại): số lượng tế bào mỡ là không thay đổi, tăng cân là do tăng lượng mỡ trong mỗi tế bào. Điều trị bằng giảm ăn glucid có hiệu quả.
  2. Béo phì ở người trẻ (thể tăng sản – phì đại): không những các tế bào mỡ to lên mà số lượng tế bào mỡ cũng tăng. Thể này khó điều trị hơn.

Cần xem xét các nguyên nhân sau:

ĂN QUÁ NHIỀU : lượng thức ăn ăn vào vượt quá nhu cầu của cơ thể. Đây là nguyên nhân thường gặp (95% số trường hợp béo phì). Bình thường, cảm giác no hạn chế lượng thức ăn ăn vào. Ăn nhiều có thể do:

  1. Yếu tố di truyền: gen ob là gen đặc hiệu của các tế bào mỡ và mã hóa một protein, có tác dụng điều hoà trọng lượng cơ thể là Nồng độ leptin trong huyết thanh của người béo phì cao gấp ba lần ở người có cân nặng bình thường.
  2. Yếu tố gia đình: một số thói quen ăn uống của gia đình giải thích vì sao trong một gia đình có nhiều người béo phì, không có yếu tố gen trong béo phì kiểu này.
  3. Yếu tố cảm xúc: một số người có cảm giác thoả mãn hoặc dịu lo âu sau khi ăn thật no.
  4. Ăn vô độ (xem bài này): béo phì có thể do chứng ăn vô độ có nguyên nhân thần kinh, chủ yếu gặp ở nữ giới trẻ tuổi; bệnh nhân không thể chống lại được cảm giác muôn ăn. Thường có trầm cảm và các cơn ăn vô độ có thể xen kẽ với các thời kỳ chán ăn.
  5. Hoạt động thể lực: giảm vận động không kèm theo giảm đồng thời lượng thức ăn ở người già hoặc người bị bất động. ít đi lại vận động là nguyên nhân góp phần sinh béo phì.
  6. Rượu:uống các thứ nước uống có cồn được uống thường xuyên là nguồn cung cấp nhiều calo.

YẾU TỐ DI TRUYỀN: thường có vai trò quyết định trong bệnh sinh của béo phì nặng.

NGUYÊN NHÂN NỘI TIẾT (hiếm gặp):

  1. Hội chứng Cushing và các tổn thương ở vùng dưới đồi: trong ưu năng vỏ thượng thận, có sự phân bố m3 đặc biệt (ở mặt, cổ và bụng), các chi lại mảnh.
  2. Insulin huyết cao do khối u (rất hiếm gặp): béo phì do tăng cảm giác ngon miệng và tăng tạo lipid từ glucid.
  3. Suy tuyến giáp: nguyên nhân hiếm gặp. Béo phì do giảm nhu cầu năng lượng.
  4. Bị cắt bỏ tinh hoàn (thiến/hoạn): mô mỡ tăng ở quanh hông, phần trên đùi (hội chứng phi sinh dục).
  5. Hội chứng Laurence – Moon – Bield và hội chứng Prader – Labhart- Willi: béo phì và suy tuyến sinh dục do tổn thương vùng dưới đồi.

Triệu chứng

Tăng cân và tăng lượng mỡ có thể nhìn thấy được; có thể có khó thở khi gắng sức, mệt mỏi, kém chịu nóng, rối loạn tiêu hoá. Béo phì có thể gây các hậu quả tâm lý nặng.

Trong chứng béo phì rất nặng, thường có khó thở lúc nghỉ ngơi, rối loạn ngủ, cảm giác đói bệnh lý, khó khăn trong sinh hoạt tình dục, đổ quá nhiều mồ hôi, tiểu tiện tự động ở phụ nữ, không thể tự đứng lên được và các động tác bị cản trở.

Biến chứng

  • CHUYỂN HOÁ:

Tăng triglycerid trong máu: hay gặp

Tiểu đường không phụ thuộc insulin (typ 2).

Acid uric huyết tăng: hiếm khi có cơn gút và sỏi tiết niệu,trừ khi tiền sử cá nhân hoặc gia đình có gút.

  • TIM MẠCH: thường bị huyết áp cao và là yếu tố nguy cơ khi có thai hoặc khi bị mổ. Cần dùng băng ép rộng để quấn hết cánh tay khi đo huyết áp. Nếu dùng băng ép bình thường đê đo huyết áp cho người béo phì thì sẽ có kết quả quá cao.
  • VẬN ĐỘNG:

Xu hướng bị thoái các khớp lớn (háng, gối, thắt lưng – cùng).

Giảm dung tích sống. Có thể gặp hội chứng giảm thông khí có thể dẫn đến hội chứng ngừng thở lúc ngủ(xem hội chứng Pickwick) và suy tuần hoàn-hô hấp.

Giãn tĩnh mạch và phù chi dưới.

Chẩn đoán

Có các bảng và chỉ số cho phép tính cân nặng lý tưởng theo tuổi, chiều cao và giới. Người ta coi là có béo phì kín đáo nếu nặng trên 20 – 40% so với cân nặng lý tưởng; béo phì vừa phải nếu nặng trên 40 – .100 % so với cân nặng lý tưởng và béo phì nặng nếu nặng trên 100 % so với cân nặng lý tưởng. Tuy vậy, không có giới hạn thật rõ ràng vì cân nặng lý tưởng phụ thuộc vào các yếu tố như người dài hay đậm, sự phát triển của khối cơ, các yếu tố gia đình và di truyền cũng như quan điểm thẩm mỹ và xã hội.

Người ta còn dùng chỉ số khối lượng cơ thể (MBI) = cân nặng (kg) / chiều cao 2 (m2). Chỉ số < 25 là cân nặng bình thường; từ 25 đến 30: béo phì vừa phải; > 30 là béo phì nặng và > 35 là béo phì rất nặng.

Chẩn đoán phân biệt

Ứ DỊCH: điều quan trọng là phải phân biệt béo phì với tăng cân do giữ nước (phù). Tuy nhiên, đôi khi khó phân biệt vì béo phì thường kèm theo giữ nước nhiều hoặc ít.

PHÌ ĐẠI Cơ (nhất là ở vận động viên): nếu cần thì cần xác định khối mỡ theo điện trở (bình thường, mô mỡ chiếm 15% ở nam và 25% ở nữ).

U MỠ VÀ LOẠN DƯỠNG MỠ (-> xem các từ này).

Tiên lượng

Với một số bệnh và một số tai biến, thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở người béo phì cao hơn ở người bình thường.

Điều trị

Giảm cân chỉ bền vững nếu giảm từ từ (0,5 kg mỗi tuần). Ngoài ra, cần giải thích cho bệnh nhân muốn gầy nhanh rằng mất cân quá nhanh có nhiều nguy cơ nặng, nhất là rối loạn chuyển hoá, đôi khi bị rối loạn tâm lý (trầm cảm nặng).

CHẾ ĐỘ ĂN HẠN CHẾ NĂNG LƯỢNG (chi tiết xem chếđộ ăn trong béo phì): cách điều trị béo phì duy nhất có hiệu quả là hạn chế cung cấp calo xuống dưới mức nhu cầu năng lượng. Lượng calo cung cấp hằng ngày ít hơq 500 calo so với nhu cầu sẽ làm mất đi 0,5 kg mỗi tuần. Kết quả điều trị dài ngày phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân (cần điều trị béo phì ở người trẻ tuổi thật sớm), vào ý chí của bệnh nhân. Bệnh nhân quen ăn nhiều rất khó chấp nhận hạn chế ăn uống suốt đời. Với người trưởng thành tuổi trung niên, muôn giảm 0,5 kg/tuần, cần cho ăn chế độ khoảng 1200 calo/ngày. cần bổ sung các vitamin và có thể cả kali. Bắt nhịn đói hoàn toàn có nhiều nguy cơ và chỉ nên áp dụng trong các trường hợp đặc biệt với bệnh nhân nằm viện (béo phì rất nặng và điều trị bằng các phương pháp khác không có kết quả).

HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC: cần có chương trình vận động vừa phải đi kèm theo chế độ ăn hạn chế calo. Hoạt động thể lực làm tăng tiêu thụ năng lượng nhưng chỉ riêng hoạt động thể lực thì không làm gầy đi vì làm tăng cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, cần có vận động để giữ cho ổn định và làm tăng khối lượng cơ so với khối lượng mỡ.

ĐIỀU TRỊ HÀNH VI: đã có nhiều chương trình được đề xuất; ví dụ, tự kiểm tra qua ghi chép vào sổ theo dõi. Điều trị theo nhóm đã cho một số kết quả.

THUỐC (nên tránh): do các nguyên nhân gây béo phì còn chưa được biết rõ nên không có thuốc đặc hiệu chống béo phì. Các chất gây chán ăn không có tác dụng lâu dài. Ngoài ra, phần lớn các thuốc này có hoạt tính thuộc kiểu amphetamin nên có thể gây nghiện cho bệnh nhân, cần chú ý rằng chuyển hoá cơ bản giảm ở người béo phì rất ít khi do tuyến giáp. Do vậy, nếu xét nghiệm không thấy có rối loạn tuyến giáp thì không được sử dụng hormon giáp vì có thể gây ức chế tuyến giáp.

Chỉ dùng các thuốc lợi tiểu trong một thời gian ngắn và nếu có giữ nước. Dùng thường xuyên sẽ gây ra rối loạn nước và điện giải, có thể nặng.

PHẪU THUẬT: đây là trị liệu hãn hữu, chỉ dành cho trường hợp béo phì nặng, đe doạ mạng sống của bệnh nhân; chỉ áp dụng với bệnh nhân dưới 40 – 50 tuổi.

Tạo hình dạ dày: mổ nhằm làm dạ dày nhỏ lại, hạn chế thức ăn ăn vào. Chỉ định rất hạn chế, chỉ trong trường hợp béo phì rất nặng.

Nối thông hỗng-hồi tràng: gây kém hấp thu nhân tạo. Hiện nay phương pháp này đã bị bỏ do có nhiều biến chứng.

Cắt bỏ mỡ và hút mỡ: chỉ áp dụng trong u mỡ khu trú.

0/50 ratings
Bình luận đóng