Các bệnh ký sinh trùng rất phổ biến ở Việt Nam. Bệnh do ký sinh trùng có thể gây biến chứng ở mắt theo một trong hai phương thức sau đây: ký sinh trùng đến mắt mà gây bệnh, ký sinh trùng nằm ở một chỗ xa mắt tiết ra độc tố, độc tố theo nước mắt hoặc máu mà đến mắt.
- Dị ứng do giun: các loại giun đũa, giun móc có thể gây ra: viêm thị thần kinh, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu. Trường hợp bệnh nặng không được chữa trị kịp thời thì có thể dẫn tới teo thị thần kinh. Nếu bệnh mới và được tẩy giun thì có thể khỏi nhanh chóng.
- Bệnh sán nhái mắt: (H 23.9): nguyên nhân trước đây thường là do đắp ếch nhái lên mắt, ngày nay đôi khi người đi câu cá, sử dụng mồi bằng ếch nhái v.v… mà bị bệnh.
Hình 23.9: Đầu và thân sán nhái
Lâm sàng: ấu trùng sán nhái vào mắt sẽ tạo ra u sán nhái ở dưới kết mạc hoặc ở trong hốc mắt hay ở mi.
Phần lớn các trường hợp chỉ thấy một u sán, nhưng nhiều nhà nhãn khoa (Keller, Casaux) đã giới thiệu một số người bệnh có từ 12 – 30 con sán nhái ở mắt. u sán nhái có hai đặc điểm: u ngứa, u lúc to, lúc bé tuỳ tình trạng hoạt động của sán.
Chẩn đoán: u sán nhái thường phải dựa vào tiền sử có đắp nhái, đi câu v.v. … và tính chất của khối u.
Tuy nhiên cũng có trường hợp khó, có thể nhầm với u của tuyến lệ, viêm tổ chức hốc mắt v.v…
Để giúp chẩn đoán chính xác u sán nhái (Phan Dẫn – Bộ môn Mắt và Đỗ Dương Thái – Bộ môn Ký sinh trùng – Đại học Y Hà Nội) đã nghiên cứu thành công việc sử dụng kháng nguyên sán nhái (1961 – 1963)
Điều trị: tuỳ theo từng trường hợp:
Nếu còn có hiện tượng viêm: tiêm kháng sinh và cortison.
Nếu u sán đã hết viêm: mổ lấy toàn bộ u.
Nếu u sán nằm trong hốc mắt gây lồi mắt, phải “khâu mắt cò” rồi mổ lấy u sán.
Nếu bệnh nhân bị viêm mủ nhãn cầu thì cần cắt bỏ nhãn cầu rồi tiêm kháng sinh.
- Nang sán lợn ở mắt
Trứng sán ở trong ruột người do sóng nhu động ngược (do nấc mạnh, nôn v.v. V..) bị đưa vào dạ dày, từ đấy sán theo máu đến mắt mà gây bệnh.
– Lâm sàng: sau khi vào mắt, nang sán thường gây phản ứng làm đục dịch kính nên người bệnh có cảm giác sương mù trước mắt; thị lực giảm dần.
– Khám đáy mắt có thể thấy nang sán màu xanh lục hay màu trắng đục, đường kính từ 6-9mm. Soi kỹ có thể thấy đầu sán trắng đục dưới lóp màng mỏng. Nang sán hình cầu hay bầu dục. Khi sán sống nếu theo dõi lâu có thể thấy nó co giãn nhẹ nhàng.
– Về vị trí: sán có thể phát triển dưới võng mạc hoặc nằm hẳn trong dịch kính, ở lâu trong nhãn cầu, nang sán có thể gây ra viêm màng bồ đào làm hỏng mắt. Kèm với nang sán ở mắt có thể phát hiện nhiều nang sán khác ở dưới da bụng, dưới da mặt trong cánh tay, trong não v.v…
– Điều trị nang sán lợn: khu trú đúng vị trí, mổ lấy nang sán.