Nội dung

NGUYÊN NHÂN CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN.

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh của Viêm khớp dạng thấp theo Y học cổ truyền

Khái niệm về Viêm khớp dạng thấp (chứng tý) của Y học cổ truyền:

– Trong Y học cổ truyền không có bệnh danh viêm khớp dạng thấp, Viêm khớp dạng thấp và các bệnh khớp nói chung của y học hiện đại đều thuộc phạm vi chứng tý của Y học cổ truyền. Chứng tý là một bệnh lý chỉ tình trạng khí huyết vận hành trong kinh mạch bị bệnh tà cản bế. Chữ “Tý” có nghĩa là bế tắc, là không thông, tình trạng tắc nghẽn khí huyết trong kinh mạch, cơ khớp, gây đau; (bất thông tắc thống).

– Trong Y văn cổ mà sớm nhất là sách nội kinh chỉ nói bệnh tý một cách chung chung, trải qua nhiều thời đại các thầy thuốc Y học cổ truyền căn cứ vào lý luận và kinh nghiệm chữa bệnh, thấy chứng tý có những đặc điểm lâm sàng khác nhau mà phân chia chứng tý thành các thể lâm sàng khác nhau như: Phong tý, thấp tý, hàn tý, nhiệt tý; hay phân chia chứng tý theo vị trí bệnh có cân tý, cốt tý, bì tý, nhục tý….

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh của Viêm khớp dạng thấp theo Y học cổ truyền

Nguyên nhân gây bệnh Viêm khớp dạng thấp là do: Nhân lúc cơ thể suy yếu, các tà khí như: Phong tà, hàn tà từ bên ngoài xâm phạm vào cơ biểu, kinh lạc làm tắc trở sự vận hành của khí huyết trong kinh mạch, làm gân cốt, cơ bắp, khớp xương bị đau, co rút tê bì, khớp co duỗi khó khăn và bị sưng, đều gọi chung là “Tý” . Tuệ Tĩnh (Thế kỷ 14), Hải Thượng Lãn Ông (Thế kỷ 18) cũng đã đề cập đến bệnh này. Trong chương “Tê thấp”, Tuệ Tĩnh đã viết: “Nguyên nhân gây bệnh là do nguyên khí hư yếu; phong, hàn và thấp, 3 khí xâm nhập vào mà sinh bệnh. Nếu phong thắng thì đau chạy khắp, gọi là lịch tiết phong (phong tý). Hàn khí thắng thì đau nhức dữ dội, gọi là thống phong (hàn tý). Thấp khí thắng thì đau nhức cố định, tê dại, cấu không biết đau, gọi là trước tý” (thấp tý)  .

Theo lý luận của Y học cổ truyền hệ thống kinh lạc là con đường mà khí huyết, tân dịch vận hành trong đó, đồng thời cũng là con đường mà tà khí xâm nhập vào cơ thể , . Các tà khí thường là:

– Phong: Theo Y học cổ truyền phong có 2 loại là nội phong và ngoại phong. Phong gây ra chứng tý là thuộc ngoại phong. Phong hay phối với với các khí khác như hàn, thấp, nhiệt gây thành bệnh. Phong hay di động và biến hóa, bệnh do phong gây ra hay di chuyển nên làm các khớp đau có tính di chuyển và biến hóa.

– Hàn: Theo Y học cổ truyền có 2 loại hàn: Ngoại hàn do lạnh chủ khí về mùa đông, nội hàn do dương khí của cơ thể kém làm công năng sinh nhiệt giảm sút gây ra bệnh. Hàn gây ra chứng tý là thuộc ngoại hàn. Hàn thường ngưng trệ làm co rút bế tắc, co cứng, xung huyết, gây đau các khớp dữ dội, cố định.

– Thấp: Theo Y học cổ truyền có 2 loại thấp: Ngoại thấp và nội thấp, thấp gây ra chứng tý là thuộc ngoại thấp. Thấp lưu trú ở khớp làm khớp sưng đau làm chân tay, cơ thể nặng nề. Thấp thường kết hợp với phong, hàn và nhiệt để gây ra các chứng bệnh. Thấp thường bài tiết ra các chất đục (thấp trọc), thấp hay dính nhớt, khi gây bệnh thường khó trừ được và thường gây tái phát như chứng tý thể phong thấp .

– Ngoài ra 3 tà khí phong, hàn, thấp lưu trú quá lâu ở kinh, lạc cơ, khớp không được giải cũng hòa thành nhiệt và gây chứng nhiệt tý với đặc điểm là các khớp sưng, nóng, đỏ, đau .

Triệu chứng đau khớp do phong, hàn, thấp, nhiệt gây ra chứng tý của Y học cổ truyền cũng giống như triệu chứng sưng đau các khớp trong bệnh Viêm khớp dạng thấp của Y học cổ truyền, các khớp cũng thường viêm diễn biến dai dẳng tái đi tái lại.

Một số nguyên nhân khác:

Một số người do tiên thiên bất túc chính khí yếu, phong hàn thấp thừa cơ xâm nhập gây ra bệnh; hoặc do phòng lao quá độ, thần chí bị kích thích, tạng phủ thất điều, tinh khí bị tổn hại nên tà khí thừa cơ xâm nhập gây bệnh . Những nguyên nhân này YHHĐ gọi là những yếu tố thuận lợi làm phát động bệnh.

Chẩn đoán bệnh Viêm khớp dạng thấp (Chứng tý) theo Y học cổ truyền

Để phục vụ cho mục đích điều trị, Y học cổ truyền căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, vị trí, tính chất của bệnh để phân loại Viêm khớp dạng thấp.

Chẩn đoán theo nguyên nhân

Dựa theo tài liệu của khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội, khám theo tứ chẩn các triệu chứng được sắp xếp theo 2 thể: là phong hàn thấp tý và phong thấp nhiệt tý , .

– Thể phong hàn thấp tý: Trong thể phong hàn thấp tý tùy theo khí nào thiên thắng mà chia thành các thể sau:

Phong tý: Nếu phong khí thiên thắng (còn gọi là hành tý, vì tính chất của phong là lưu động di chuyển). Phong tý thì cơ, khớp đau và di chuyển nhanh, co duỗi khó, sợ gió, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù .

Trước tý (thấp tý): Nếu thấp xâm nhập mạnh (thấp thắng) thì gọi là thấp tý. Đặc điểm là đau tuy không nhiều nhưng cảm giác rất nặng nề và it di chuyển, vận động khớp khó khăn, ẩm thấp khó chịu, chất lưỡi nhờn, rêu lưỡi trơn, mạch nhu hoãn…Do thấp tà tính năng dính nhớt, trì trệ. Trương Cảnh Nhạc nói: “Trước tý làm thân thể nặng nề, sinh đau nhức hoặc tê dại, thấp tà theo thổ hóa thành, nên phần nhiều phát sinh ở cơ nhục”.

Thống tý (hàn tý): Nếu hàn xâm nhập mạnh là thống tý. Hàn tà sẽ làm khí huyết ngưng trệ, co thắt gây tắc nghẽn, làm cho cơ khớp sưng đau. Tính chất đau của hàn tý tương đối mãnh liệt, đau đi sâu vào cơ xương, sợ lạnh, sợ gió, xoa ấm thì giảm , .

Trên lâm sàng ít khi gặp từng thể bệnh tý riêng biệt như trên, mà thường thấy ba tà khí phong hàn, thấp cùng lúc kết hợp với nhau xâm nhập vào cơ thể để gây thành thể phong hàn thấp tý.

– Thể phong thấp nhiệt tý: ở người bản tạng dương thịnh lại sẵn nhiệt náu bên trong khi bị nhiễm phong, hàn thấp tà thì hóa nhiệt gọi là nhiệt tý, hoặc nếu hành tý, thống tý đau lâu không khỏi, tà lưu ở kinh lạc uất mà hóa nhiệt cũng có thể trở thành nhiệt tý, làm cho cơ khớp sưng, nóng, đỏ đau, phát sốt, ra mồ hôi, sợ nóng, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Như vậy thể nhiệt tý do nhiệt tà gây ra hoặc có thể do biến thể của 3 thể bệnh trên, nhiệt tý thường nặng và cấp tính hơn , .

ĐIỀU TRỊ VIÊM KHỚP DẠNG THẤP THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Cũng như YHHĐ, Y học cổ truyền điều trị Viêm khớp dạng thấp bằng nhiều phương pháp. Điều trị bằng thuốc gồm có: thuốc uống dưới dạng thang sắc, dạng cao lỏng, rượu thuốc hoặc viên hoàn, thuốc xoa đắp, xông ngoài hoặc bôi tẩm lên khớp sưng, làm cho khí huyết lưu thông, để điều trị bệnh (thông tắc bất thống, chữa khỏi khớp đau) .

– Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như: Châm cứu xoa bóp bấm huyệt và luyện tập phục hồi chức năng các khớp cũng được áp dụng điều trị bệnh Viêm khớp dạng thấp

– Ở Việt Nam thế kỷ thứ 14 Tuệ Tĩnh đã trọng dụng các vị thuốc nam để chữa bệnh đau xương khớp, phong thấp, tê bì như: Cỏ xước, Tang ký sinh, Hi thiêm, Ké đầu ngựa, Ngũ gia bì, Thổ phục linh….

Về sau Hải Thượng Lãn Ông thế kỷ thứ 18 cũng dùng các vị thuốc như: Hy thiêm, Cốt khí, Uy linh tiên… để chữa chứng tý đạt hiệu quả rất tốt . Ngày nay Y học cổ truyền đã thừa kế nghiên cứu và phát triển các vị thuốc chữa bệnh phong thấp được xếp trong nhóm phát tán phong thấp thường kết hợp với các vị thuốc hoạt huyết, bổ huyết, bổ thận để điều trị bệnh Viêm khớp dạng thấp.

Mối liên quan tác dụng của thuốc YHHĐ và Y học cổ truyền

Theo các tác giả Đỗ Tất Lợi , Đỗ Trung Đàm và cộng sự . Các dược liệu dùng chữa Viêm khớp dạng thấp thường chứa các thành phần, hoạt chất: tinh dầu (tác dụng chống co thắt, giảm đau), flavon (chống viêm, giảm phù nề), saponin và acid amin (chống viêm, chống dị ứng, bổ dưỡng), alcaloid và glucoside đắng (chống viêm, kháng khuẩn). Các bài thuốc Y học cổ truyền thỏa mãn được các yêu cầu khu trừ ngoại tà, hoạt huyết, chỉ thống nâng cao chính khí tức là đã đạt được các mục tiêu nhằm giảm đau, chống viêm, chống dị ứng, nâng cao thể trạng bảo vệ chức năng khớp.

Những chú ý về phương pháp biện chứng trị bệnh trong điều trị Viêm khớp dạng thấp của Y học cổ truyền.

Y học cổ truyền dựa vào biện chứng để trị bệnh .

– Đối với bệnh Viêm khớp dạng thấp giai đoạn đầu nguyên nhân gây bệnh là do phong hàn thấp tà xâm nhập vào cơ thể nên điều trị dùng khu phong, tán hàn, trừ thấp và thông kinh hoạt lạc .

– Giai đoạn sau có hư tổn thì phối hợp với thuốc bổ ích.

Áp dụng các nguyên tắc trên vào điều trị từng thể bệnh của Viêm khớp dạng thấp theo Y học cổ truyền

– Điều trị thể phong hàn thấp tý  .

+ Pháp điều trị trừ phong tán hàn, lợi thấp thông kinh lạc

+ Phương thuốc: Giai đoạn đầu thương dùng bài “Quyên tý thang gia giảm”

– Điều trị thể phong thấp nhiệt tý

+ Pháp chữa là thanh nhiệt kết hợp với trừ thấp khu phong, thông kinh lạc.

+ Bài thuốc thường dùng là Bạch hổ quế chi thang gia giảm.

ĐIỂM QUA TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP BẰNG THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Tình hình nghiên cứu trên thế giới

* Trung quốc:

– 1999 Chu Kiến Giang đã nghiên cứu dùng bài thuốc Tam tý thang cùng với tập thể dục để điều trị bênh Viêm khớp dạng thấp giai đoạn hoạt động  sau liệu trình điều trị thu được kết quả 94,3% đáp ứng tốt với thuốc trong đó  gần 43% bệnh nhân hết sưng đau, vận động trở về bình thường và xét nghiệm được cải thiện.

– 2006 Trường đại học trung y Nam kinh nghiên cứu bài thuốc Tý thống thang gia giảm để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp giai đoạn hoạt động đạt hiệu quả trên 90% .

* Nhật bản:

Katsutoshi terasawa 1992 đã dùng dịch chiết Phục linh thấy có tác dụng chống viêm trên mô hình bệnh lý viêm khớp .

Thổ nhĩ kỳ: Ekerem Sezik năm 2000 dùng dạng cao lỏng của cây đại kích để điều trị bệnh thấp khớp thấy có tác dụng chống viêm rất tốt .

Tình hình nghiên cứu trong nước

– 1996 Nguyễn Thị Bay trường Đại học y dược TPHCM đã nghiên cứu tác dụng dược lý trên thực nghiệm và lâm sàng của bài thuốc pt5 trên các bệnh về khớp trong đó có 10 bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, tác giả cho thấy thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau  tương đối tốt .

– 1997 Nguyễn Thị Hằng, Phạm Văn Trịnh nghiên cứu bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thu được kết quả 76,75% tốt và khá. thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau rõ, và tốt với bệnh ở giai đoạn 1, 2.

– 2002 Nguyễn Văn Tâm, Trần Ngọc Ân, Nguyễn Nhược Kim đã đánh giá tác dụng của viên nang “ Phong tê thấp” ( bài thuốc gồm: Hà thủ ô, Thổ phục linh, Hy thiêm, Thiên niên kiện, Thương nhĩ tử, Huyết giác, Phòng kỷ) để điều trị bệnh Viêm khớp dạng thấp kết quả tốt và khá đạt 73,3%, thuốc có tác dụng chống viêm giảm đau tốt ở giai đoạn 1 và 2 của bệnh .

– 2006 Trần Thị Hiên, Nguyễn Nhược Kim, Trần Văn Quế nghiên cứu tác dụng điều trị của bài thuốc “ Xúc tý thang” trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp kết quả  đạt 75%.

– 2008 Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Nhược Kim nghiên cứu tác dụng của bài thuốc “Quyên tý thang gia giảm” trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thu được kết quả tốt và khá 93,7%.

– 2008 Nguyễn Thị Vinh Huê đã công bố kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học của cây Cao cẳng gồm có: saponin steroid, flavonoid, phytosterol, coumarin, carotenoid, đường khử, acid hữu cơ, tinh dầu trong rễ và alcaloid trong lá .

– 2008 Nguyễn Thị Vinh Huê đã nghiên cứu về tác dụng dược lý của cây Cao cẳng cho thấy: không xác định được LD50 với liều gấp 75 lần, liều gấp 100 lần, dịch chiết saponin gấp 214 lần và flavonoid gấp 662 lần liều thường dùng tương đương trên người. trên mô hình thực nghiệm các chế phẩm từ rễ và lá cây cao cẳng liều 3,6g/kg có tác dụng giảm đau rõ rệt trên mô hình mâm nóng; có tác dụng chống viêm cấp tính và mạn tính. với liều 10,8g/kg (gấp 3 lần liều dùng trên người) thuốc có tác dụng : giảm đau theo cơ chế thần kinh trung ương và ngoại vi; chống viêm cấp ở hai mô hình gây phù bàn chân chuột và tràn dịch màng bụng tốt hơn indomethacin liều 25mg/kg; chống viêm mạn  tốt hơn prepnisolon 5mg/kg, có tác dụng chống oxy hóa invitro .

0/50 ratings
Bình luận đóng