• Sỏi bàng quang là một bệnh phổ biến ở Việt Nam, Nam Trung Quốc, Ân Độ, Indonexia, Malayxia, Pakixtan, Hy Lạp, Anh Quốc…

Trong bệnh học về các loại sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang chiếm tỉ lệ từ 20- 30%. Tại Việt Nam tỉ lệ nam giới mắc bệnh này còn cao hơn nữa.

  • Việc chẩn đoán sỏi bàng quang đơn giản hơn các sỏi phần trên đường tiết niệu.
  • Việc điều trị sỏi bàng quang cần được xử trí sớm.

NGUYÊN NHÂN SINH BỆNH

Sỏi nguyên phát

Thường từ thận và niệu quản rơi xuống. Hòn sỏi có thể đái được ra ngoài, nhưng nếu không thoát ra được lâu ngày các cặn sỏi tiếp tục bám phủ vào làm cho hòn sỏi to dần lên.

Sỏi thứ phát

Thường do các nguyên nhân:

  • Do các bệnh gây chít tắc phía dưới nhu: xơ cứng cổ bàng quang, u lành phì đại tuyến tiền liệt, chít hẹp niệu đạo, túi thừa bàng quang…
  • Do các dị vật có trong bàng quang

Các mũi chỉ không tiêu từ các phẫu thuật vùng lân cận xâm phạm vào.

Các đầu Ống thông bị đứt và mắc kẹt lại trong bàng quang.

Các dị vật từ ngoài đưa vào như: cúc áo, trâm cài tóc, các mẫu dây điện.

Các mảnh hoả khí bị găm ở thành bàng quang, lâu dần sẽ rơi vào lòng bàng quang.

Từ các dị vật đó, các cặn sỏi dần dần bám tụ lại và hình thành viên sỏi.

GIẢI PHẪU BỆNH LÝ

Viên sỏi

  • Số lượng: có thể có một viên duy nhất nhưng cũng có thể có nhiều viên.
  • Kích thước khác nhau: bằng hạt ngô, to hơn bằng nắm tay. Có trường hợp sỏi to bằng đầu một thai nhi nằm lọt xuống hẳn dưới vùng tiểu khung.
  • Hình thể: có thể tròn nhẵn, có thể xù xì, thô ráp, có những gai nhỏ bám chặt vào niêm mạc bàng quang. Có thể tròn đểu, cũng có thể từ một hòn to có nhiều hòn nhỏ bám vào xung quanh hình ảnh giống như một củ khoai sọ có nhiều nhánh.
  • Vị trí: sỏi nằm ở đáy bàng quang và di chuyển theo tư thế của bệnh nhân.

Nhưng cũng có loại sỏi nằm lọt trong túi thừa bàng quang hoặc sỏi hình quả bầu nậm chui vào trong xoang tuyến tiền liệt.

Bàng quang có sỏi

  • Tại niêm mạc bàng quang, do sự cọ sát của sỏi bị tổn thương: phù nề, viêm loét ở niêm mạc, dần dần dẫn tới viêm kẽ ở lớp mỡ xung quanh bàng quang. Kết quả cuối cùng là bàng quang bị xơ hoá teo nhỏ lại, lượng chứa nước tiểu của bàng quang bị giảm rất nhiều.
  • Từ bàng quang hình thành các lỗ rò ra thành bụng, tầng sinh môn âm đạo (ở phụ nữ).

Thành phần hoá học của sỏi

Trong sỏi có 90% là tinh thể, 3% là protein, 5% là nước, còn lại là các thành phần khác như carbonate, kim loại kiểm. Thành phần các tinh thể chủ yếu có 5 loại: sỏi calcioxalate sỏi phosphate, sỏi amoni – magnesi – phosphate, sỏi uric, sỏi cystin.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Triệu chứng cơ năng

  • Đau buốt vùng hạ vị lan dần ra đầu ngoài bộ phận sinh dục hoặc tầng sinh môn.

Cơn đau càng trội lên gần cuối bãi đái hoặc chuyển động mạnh. Bệnh nhân thường phải bóp chặt lấy dương vật cho đỡ đau. Đó là dấu hiệu “bàn tay khai” để chẩn đoán sỏi bàng quang.

  • Đái rắt, đái khó, đái nhỏ giọt, có khi gây bí đái hoặc bí đái ngắt quãng từng đợt trong một bãi đái.
  • Có triệu chứng viêm bàng quang: đái rắt, đái buốt, đái đục.
  • Đái ra máu cuối bãi

Triệu chứng thực thể

  • Có cầu bàng quang nếu bí đái hoàn toàn.
  • Có các lỗ rò từ bàng quang ra thành bụng, tầng sinh môn hoặc âm đạo.
  • Nếu sỏi to: thăm trực tràng, âm đạo có thể sờ thấy.

Triệu chứng toàn thân

  • Bệnh nhân vật vã khó chịu vì bí đái hoặc do các rối loạn tiểu tiện.
  • Nếu để lâu sẽ gây viêm thận ngược dòng hoặc suy thận.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định

  • Dựa vào các triệu chứng lâm sàng
  • Thăm khám bằng dụng cụ
  1. Dùng que thăm dò bằng kim loại đưa vào bàng quang: sẽ tìm thấy dấu hiệu chạm sỏi.
  2. Sỏi bàng quang: nhìn thấy rõ hòn sỏi trong bàng quang và những thương tổn thực thể của bàng quang.
    • Chẩn đoán bằng hình ảnh

Siêu âm: thấy hình ảnh cản âm của sỏi và đo được kích thước của hòn sỏi.

X.quang

Chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị: thấy rõ hòn sỏi và thường nằm ở chỗ thấp nhất của bàng quang (nằm sát giữa khe khớp mu).

Chụp niệu đồ tiêm tĩnh mạch chỉ cần thiết khi nghi ngờ có biến chứng lên thận.

Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh gây bí đái và có rối loạn tiểu tiện như: viêm bàng quang, xơ cứng cổ bàng quang, u lành phì đại tuyến tiền liệt, chít hẹp niệu đạo…

BIẾN CHỨNG

  • Viêm nhiễm nước tiểu: có sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu và có các tế bào mủ.
  • Viêm bàng quang cấp tính rồi mạn tính
  • Bàng quang bé do xơ teo
  • Rò bàng quang
  • Viêm thận ngược dòng dẫn tới suy thận

ĐIỀU TRỊ

Điều trị nội khoa

  • Nếu có nhiễm khuẩn: dùng kháng sinh thích hợp theo kết quả của kháng sinh đồ.
  • Cho uống nhiêu nước thuốc lợi tiểu nhẹ và khi bàng quang căng tối đa cho bệnh nhân rặn đái mạnh: nếu sỏi nhỏ có thể đái bật ra ngoài.
  • Nếu bí đái cấp tính hoàn toàn: tạm thời đặt một ống thông Foley lưu ở bàng quang để thông thoát nước tiểu.

Điều trị ngoại khoa

  • Với các sỏi nhỏ: Dùng phương pháp tán sỏi bằng máy tán sỏi cơ học hoặc máy tán sỏi thuỷ điện lực cho vỡ nhỏ hòn sỏi rồi dùng bơm hút các vụn sỏi ra.

Với các sỏi to: có nhiễm khuẩn, có kèm theo các bệnh ở bàng quang niệu đạo như: túi thừa bàng quang, u lành phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo… tiến hành mổ bàng quang lấy sỏi đồng thời nếu trong điều kiện tốt về khả năng phẫu thuật viên, trang bị dụng cụ thì có thể giải quyết các bệnh kèm theo.

0/50 ratings
Bình luận đóng