Biểu hiện.
Còi xương rất dễ gặp ở trẻ em. Trẻ dưới 3 tuổi rất hay bị còi xương. Bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới sức đề kháng của cơ thể nên trẻ rất dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng.
Trẻ mắc một số bệnh đó nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra những biến dạng ở xương đầu, xương ngực, xương chân… Cho nên cần có chế độ quan tâm đặc biệt đến trẻ.
Biểu hiện cụ thể:
Với trẻ dưới 1 tuổi: Trẻ bị còi xương thóp rộng, lâu liền, đầu to dần.
Đối với trẻ lớn hơn một chút: Đầu to dần, trán dô, chân gồ lên tay cong, dáng đi siêu vẹo. Nếu biến dạng nặng, trẻ không đi được.
Trẻ mắc bệnh Còi xương có lồng ngực to như ức gà hoặc lõm sâu dưới vú, hẹp trên, bé dưới. Trẻ bị gù lưng nếu ngồi sớm hoặc nằm võng nhiều. Có thể bị vẹo cột sống nếu bế cắp nách nhiều.
Một biểu hiện khác: Da xanh xao, gầy gò, chậm mọc răng, chậm biết ngồi, biết đi, quấy khóc nhiều, ngơ ngác, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi, hay nghiến răng khi ngủ.
Có trẻ tuy bề ngoài mũm mĩm nhưng là do béo bệu, da không hồng hào, xương chậu hẹp (biểu hiện nguy hiểm đối với bé gái).
Nguyên nhân:
Còi xương là bệnh do thiếu vitamin D, dẫn đến sự rối loạn chuyển hoá photpho và canxi. Muối canxi không thể tập trung ở bộ phận sinh trưởng của xương một cách bình thường.
Bệnh này thường gặp ở những trẻ do mẹ thiếu sữa hoặc không có sữa phải nuôi bộ mà không được bổ sung vitamin D ngay từ đầu, hoặc những kẻ được ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.
Những trẻ em ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng dễ bị còi xương vì cơ thể thiếu vitamin D (loại vitamin này rất cần cho sự tạo xương). Tiền vitamin có nhiều trong ngũ cốc, đậu đỗ và nhờ có ánh nắng mặt trời, dưới da con người mới có thể chuyển tiền vitamin D thành vitamin D. Nên nếu trẻ không được tắm nắng sẽ thiếu vitamin D, là nguyên nhân gây bệnh còi xương.
Do trẻ bị các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng, có thể không hấp thụ được vitamin D, canxi, photpho. Sự mất cân đối giữa canxi và photpho cũng là nguyên nhân gây bệnh còi xương.
Cách chăm sóc và phòng tránh.
- Để phòng tránh tốt bệnh còi xương, ngay từ khi mang thai, người mẹ phải ăn uống đầy đủ, có nhiều chất bổ để tạo nguồn sữa tốt cho con. Không nên kiêng vô lý, thỉnh thoảng nên tắm nắng để tạo điều kiện cho cơ thể tổng hợp vitamin
Chú ý tới nguồn thức ăn giàu vitamin D như: gan, trứng, cá biển…
Ngoài ra, có thể uống thêm dầu cá, vitamin D phối hợp với viên sắt để phòng thiếu máu đối với đứa con sau này sinh ra.
- Đối với trẻ nhỏ: Phải cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 4 – 6 tháng đầu. Nếu trẻ đã ở độ tuổi ăn dặm thì cần cho trẻ ăn một chế độ ăn đa dạng, đảm bảo đủ các chất muối khoáng và vitamin cho cơ thể.
Chú ý sớm tới những trẻ không có sữa mẹ, những trẻ nhẹ cân, đẻ thiếu tháng để đảm bảo sự cân đối về dinh dưỡng, tạo đà cho sức khoẻ của trẻ, phòng tránh tốt bệnh tật.
Trẻ phải được cung cấp vitamin D ngay từ tuần lễ thứ hai sau khi đẻ.
Trẻ được cung cấp đầy đủ, liên tục và đều đặn trong hai năm đầu sẽ tránh được những trở ngại cho việc cấu tạo bộ xương và răng.
- Tuy nhiên, nếu dùng thuốc vitamin D để tăng cường bổ sung thì phải tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Không nên quá sợ trẻ còi xương mà sử dụng vitamin D tuỳ tiện.
- Chú ý đến chế độ ăn: Nên chú ý đến các loại gan, lòng đỏ trứng gà, bơ (giàu vitamin D), lưu ý đến lượng nhất định về dầu mỡ trong các bữa ăn của trẻ. Khi trẻ đã bị bệnh rồi thì cần có chế độ chăm sóc đặc biệt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Mỗi buổi sáng cho trẻ ra ngoài trời khoảng 10 – 15 phút để trẻ tắm nắng (dưới ánh nắng nhẹ). Tuy nhiên, không nên cho trẻ tắm nắng quá lâu (đối với trẻ dưới 1 tuổi).
Đối với trẻ trên 1 tuổi, nên cho ra ngoài trời mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và xế chiều cũng tạo điều kiện tăng thêm nguồn vitamin D. về mùa đông nên cho trẻ ra ngoài trời lúc trời ấm.
* Trong nuôi dưỡng trẻ, phải luôn giữ một chế độ vệ sinh phòng bệnh tốt để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, phòng tránh tốt các bệnh nhiễm trùng. Đây cũng là một trong những biện pháp tích cực ngăn ngừa bệnh còi xương của trẻ.