BÀI CA VỀ TRĂM ĐIỀU SAI LẦM TRONG NGHỀ Y 医中百误歌

(Y học Tâm Ngộ – Nguyễn Thiên Quyến và Đào Trọng Cường biên dịch.)

Trong nghề y có hàng trăm điều sai lầm, rải rác suốt từ sách Trửu Hậu đến Kim Đan. Trước hết giới thiệu một số sai lầm của thầy thuốc cho rõ ràng.

Thầy thuốc nhầm: Biện chứng khó; phân chứng theo tam nhân giống như ba ngọn núi (nội nhân, ngoại nhân, bất nội ngoại nhân, gọi là tam nhân). Ba ngọn núi tách ra ngàn nhánh mạch. Bệnh có nguồn gốc cần xem xét cho tỉ mỉ (chữa bệnh phải tìm đến gốc cần xem xét từ cội nguồn của bệnh cho rõ ràng).

Thầy thuốc nhầm: Mạch không chính xác; Phù, Trầm, Trì, Sác không rõ ràng, đến lúc cần phân biệt lại lẫn lộn lẽ biến hóa (như mạch cực nhiệt lại thấy Sáp, Tế, mạch cực hàn lại thấy đập mạnh dưới tay). Trong lòng dù hiểu mà nhận biết ở tay khó rõ ràng. (Biển Thước nói: Phép xem mạch như ở trong khe sâu mà nhìn mây nổi. Trong lòng hiểu biết nhưng dưới ngón tay lại khó nhận biết được).

Thầy thuốc nhầm: Lỡ thời cơ; Hàn Nhiệt Ôn Lương phải hợp thời, hơi thở từng lúc luôn xoay chuyển; Suy nổi chìm để định hóa cơ (Hàn và Thử thúc đẩy nhau là khí hậu bình thường; Hàn và Thử không đồng đều là sự biến đổi của khí hậu. Cần phải bình tĩnh quan sát để nhận xét chứ không thể dựa hoàn toàn vào ngũ vận lục khí mà thấy ngay).

Thầy thuốc nhầm: Không rõ kinh mạch. Phải tìm hiểu kỹ mười hai kinh. Không phân biệt được lý lẽ tuần hoàn trong kinh mạch dễ đưa dương chứng truyền vào tam âm (Tà khí lục dâm nếu khéo chữa từ tam dương thì khỏi lo truyền vào tam âm).

Thầy thuốc nhầm: Dùng thuốc không trúng bệnh. Công Bổ Hàn Ôn không đối chứng. Sai lầm về hư hư thực thực thật không nhỏ. Bắt tay vào khám nên nghiêm túc thận trọng (Dùng thuốc trái ngược nhau, chuốc tai vạ rất lớn).

Thầy thuốc nhầm: Dùng thuốc phạt quá tay (phạt quá tay là dùng thuốc công phạt vào chỗ không có bệnh). Thuốc có chuyên dùng đừng lẫn lộn, dẫn kinh báo sứ vốn có đường khác nhau, dùng thuốc sai trái việc hỏng ngay (Vị thuốc tuy không tương phản nhưng sử dụng không đúng kinh mạch cũng là chưa hợp như Cầm, Liên, Tri, Bá là các vị đắng lạnh; Khương, Quế, Tiêu, Du là các vị cay nóng, dùng đều phải thích đáng huống chi các vị khác).

Thầy thuốc nhầm: Dùng thuốc không tương xứng; bệnh nặng dùng thuốc nhẹ, bệnh nhẹ dùng thuốc nặng, nặng nhẹ đều cùng hại người, lẽ đó tuy nhỏ cũng rất nguy (Thuốc tuy đúng với chứng mà khi dùng liều lượng nặng nhẹ không tương xứng với bệnh cũng khó mà hiệu quả nhanh).

Thầy thuốc nhầm: Dùng thuốc quá tay; chữa bệnh Hàn chưa khỏi bệnh Nhiệt đã đến. Chữa bệnh Nhiệt chưa khỏi bệnh Hàn lại sinh ra. Khuyên người thầy thuốc đặt bút nên lưu ý (Thuốc tuy tương xứng với bệnh mà dùng quá đáng lại là bất tương xứng chưa thể trở thành thầy thuốc từng trải).

Thầy thuốc nhầm: Không nhận định Tiêu Bản; hoãn cấp thích nghi mới ổn đáng, bệnh mắc trước là Bản, bệnh mắc sau là Tiêu, xem xét tỉ mỉ mới đúng phép (chứng bệnh rối loạn nên chia tiêu bản, xem xét hoãn cấp bấy giờ mới lập phép điều trị).

Thầy thuốc nhầm: Bỏ đường chính; chữa bệnh không biết mối liên hệ, tráng thủy ích hỏa tìm từ nguồn gốc. Lời nói của Thái Bộc nên học thuộc (Vương Thái Bộc nói: Dùng thuốc Nhiệt mà không phát huy nhiệt là không có Hỏa, Dùng thuốc Hàn mà không phát huy hàn là không có Thủy. Không có Thủy phải làm mạnh Thủy mới chế được Dương quang. Không có Hỏa phải làm ích cáí nguồn của Hỏa mới tiêu tán được phần Âm mờ mịt. Đây là nói chữa bệnh phải tìm đến mối liên thuộc vậy).

Thầy thuốc nhầm: Không hiểu rõ Âm Dương; điểm tột cùng của Âm Dương không nắm bắt, tìm tòi. Cang thì hại, thừa thì chế. Tài liệu Linh Lan bí chỉ rất đầy đủ. (Găng quá thì hại mọi vật, thừa thế thì ức chế cái cùng cực, đó là lý luận tương chế của ngũ hành và bốn mùa ).

Thầy thuốc nhầm: Không nắm rõ Hàn Nhiệt; Hàn Nhiệt rõ ràng thì dễ phân biệt; nhưng trong Hàn có Nhiệt, trong Nhiệt có Hàn thì phải thuộc bí quyết của Trường Sa (Trường Sa dùng thuốc: Bệnh Hàn thì dùng thuốc Nhiệt, bệnh Nhiệt thì dùng thuốc Hàn. Hoặc trước Hàn sau Nhiệt hoặc trước Nhiệt sau Hàn hoặc Hàn Nhiệt trùng phùng; khéo léo tinh vi rất là đầy đủ, suy nghĩ và học thuộc tự nhiên thông hiểu. Nhưng thời gian và cuộc đời biến đổi nên đọc sách của Trọng Cảnh, tuân theo phép chữa của Trọng Cảnh chứ không câu nệ vào phương thuốc của Trọng Cảnh mà dùng thuốc có thông biến linh hoạt mới là thoả đáng).

Thầy thuốc nhầm: Không hiểu rõ Hư Thực; Hư Thực rõ ràng thì không khó chữa, nhưng trong Hư có Thực trong Thực có Hư, dùng thuốc theo Đông Viên rất có quy luật. (Các bài Bổ trung, Chỉ truật viết trong sách Tỳ Vị luận và Nội ngoại thương biện có lợi vô cùng cho muôn đời sau).

Hình tượng bộ nhân đứng
Hình tượng bộ nhân đứng

Thầy thuốc nhầm: Dùng thuốc chưa linh hoạt; Chứng thuộc ngoại tà nên chữa ngay, bĩ mãn táo thực bệnh hóc hiểm, các loại thuốc trà, quả, thang, hoàn giúp được gì?

Thầy thuốc nhầm: Coi nhẹ việc tìm hiểu về thuốc; công bệnh không chiếu cố đến nguyên khí, khi bệnh trừ được thì nguyên khí cũng tổn thương, cách làm như vậy sao không tính đến, (Thang thuốc nhẹ thì hỏng việc, thang thuốc mạnh thì việc cũng không tốt, cả hai điều này đều bất lợi).

Thầy thuốc nhầm: Không biết mấy; Mạch động chứng biến chỉ hiểu sơ sài. Bệnh chưa thành hình nên dốc sức xem xét tỉ mỉ mới rõ ràng (bệnh đến rồi mới nghĩ cách chữa là hạ sách, mới thấy mắc bệnh mà đã biết rõ, tìm nguyên nhân từ lúc còn mầm mống ấy mới là thầy giỏi).

Thầy thuốc nhầm: Mang nhiều định kiến (bảo thủ); Khi thấy chân lý không chịu sửa đổi, chập chững như ngồi trên thuyền gặp sóng to, tay lái phải vững mới không hỏng việc (bệnh nhẹ thì dùng thuốc khá dễ dàng, phải có định kiến và vững vàng xử lý vượt qua hiểm trở không thay đổi, dù gần kề chỗ nguy hiểm cũng không hoang mang mới chứng minh được là có học thức).

Thầy thuốc nhầm: Hiểu bệnh máy móc; Bệnh không hiểu chớ có gượng nhận, khiêm tốn nhường bước cho người giỏi hơn, Cốt yếu là bảo toàn tính mạng cho người (không biết thì bảo là không biết đó cũng là lương y).

Thầy thuốc nhầm: Ở chỗ dùng dao châm. Châm có lúc cần nông, cần sâu (mủ đã chín mà không châm thì nhọt vỡ từ bên trong, mủ chưa chín mà châm sớm thì khí tiết ra ngoài không thành mủ, mủ ở nông mà châm sâu thì hại đến thịt, mủ ở sâu mà châm nông thì độc không ra ngoài mà phá hoại ở trong). Trăm loại độc tất cả đều nên cứu ngải (phép cứu cách tỏi tốt hơn đao châm. Sách Ngoại khoa chính tông nói: Không đau cứu cho đến đau. Đau cứu cho đến lúc không đau). Bệnh ở vùng đầu mặt thì nên dùng đến Thần đăng (Vùng đầu mặt không nên cứu, chỉ nên dùng phép chiếu Thần đăng. Sách Ngoại khoa chính tông nói: bên trong thì uống một lần Thiềm thừ hoàn, bên ngoài thì chiếu ba mồi thần hoả, phép này không chỉ dùng ở đầu và mặt nhưng ở đầu và mặt thì cần thiết hơn).

Thầy thuốc nhầm: Coi thường kém cỏi; Người xưa thương yêu những người cô đơn cùng khổ. Bệnh hành hạ thì tận tâm cứu tế mang tấm lòng hiếu sinh thấu tới trời xanh (nên dốc hết tâm sức dùng thuốc tốt để cứu người).

Thầy thuốc nhầm: Không nghiêm khắc với chính mình; Thấy người ta chữa tốt lại không vui, lại không mừng, đâu biết rằng trong tầm thường lại có tài năng huống chi cùng bàn đạo lý với đồng nghiệp.

Thầy thuốc nhầm nói chưa hết; Người bệnh nhầm cũng phải nói đến để cùng nhau xem xét cho tỉ mỉ.

Nhà bệnh nhầm: Sớm tính sai, Lúc đầu bị ốm không chú ý, thể trạng yếu dần bệnh ngày càng tăng dù gặp thầy giỏi cũng uổng phí. (Bệnh nên chữa từ sớm).

Nhà bệnh nhầm: Không nói thẳng (thật); Dấu bệnh thử thầy thêm rối việc, tật bệnh làm sao chỉ riêng mình biết, dù có thầy giỏi cũng khó mà đoán hết (Đại Tô có câu nói: Mình có bệnh thì phải nói hết cho thầy thuốc, rồi sau mới khám mạch, tuy Thầy thuốc cũng có thể chữa được bệnh nhưng ta cần được chữa khỏi chẳng lẽ lại làm khó khăn cho Thầy thuốc hay sao).
Nhà bệnh nhầm: Tính nôn nóng; Bệnh có cơ khỏi nên cố uống thuốc, thuốc đã hợp thì bệnh sẽ khỏi, không cần thiết sáng thầy này, chiều thầy khác (đã kết quả thì không nên đổi thầy nữa).

Nhà bệnh nhầm: Không đáp ứng tình thế. Bệnh thế nặng nề phải đổi kế ngay, nếu để trù trừ bệnh ngày càng nặng, lúc đó sợ có thuốc hồi xuân cũng vô hiệu (Không kết quả, phải mau chóng thay thầy thuốc).

Nhà bệnh nhầm ở chỗ uống thuốc: Trong việc uống thuốc có chỗ khôn khéo tinh vi, hoặc uống lạnh hoặc uống nóng cần rõ ràng, uống sau khi ăn, uống trước khi ăn cần hợp lý.

Nhà bệnh nhầm: Hay cáu giận; Khí nghịch xông lên ngực vẫn không hay, không biết rằng Can Mộc khắc vào Tỳ. Xin khuyên tu dưỡng để bảo hộ.

Nhà bệnh nhầm quá lo lắng: Lo lắng ức uất được ích gì, nên so sánh với những người không bằng ta để được biết ai là mạnh, ai là yếu.

Nhà bệnh nhầm: Hay lắm lời; Lắm lời thì hại khí, bệnh khó khỏi, xin khuyên ít nói để an thần, nuôi chân khí tốt để giữ chân nguyên.

Nhà bệnh nhầm: Nhiễm Phong Hàn; Phong Hàn tan đi quay trở lại, ví như thành quách làm dở dang, chống đỡ sao được giặc trộm tàn phá.

Nhà bệnh nhầm: Không giữ miệng; Lời nói, miếng ăn hại nhiều người, ăn uống cần thích hợp cho trung khí được hoà, giữ miệng và bụng thì sống lâu.

Nhà bệnh nhầm: Không thận trọng; Buồng the bừa bãi không lo mạng, mạng đã đảo điên cứu làm sao, xin khuyên hiếu sắc nên soi gương.

Nhà bệnh nhầm: Cứu tuyệt khí (khi người bệnh hôn mê lấy tay bịt miệng để mà cứu); Cứu khí thì bịt miệng chứ đừng bịt mũi, nếu lấy tay bịt luôn cả mũi khác gì xuống giếng lấp thêm đá. (Mũi chủ về hô hấp, vít chặt thì hết hô hấp, người đời nhiều người nhầm thao tác này cho nên nói để mà răn).

Hai cái nhầm trên: Nhầm chưa hết; Sợ người bên cạnh hùa thêm vào nên phải đôi lời về người xung quanh.

Xung quanh nhầm: Hoảng hốt thay; Khi hết lối thoát càng hoang mang. Khi dùng thuốc lại muốn theo ý mình hàng ngày có học Kỳ Hoàng chút nào đâu?

Xung quanh nhầm: Chỉ sai đường; Nhầm đem thầy bói sang Tiên Phật, nhà người có bệnh dễ tin quàng, dẫn đến đường mê không tỉnh ngộ.

Lại còn nhầm lớn khi tìm thuốc; Nói kỹ cùng anh chú ý thêm.

Thuốc men nhầm: Không chính xác; Thuốc tốt quý cố kiếm tìm, hữu danh vô thực hiệu quả gì, chỉ uổng thầy thuốc phí dụng tâm (ở những thị trấn to, nhà thuốc lớn thì dễ tìm, còn ở nơi hẻo lánh thì tìm khó nên phải cẩn thận).

Thuốc men nhầm: Sai bào chế; Bào chế công phu là thuốc hay, thuốc bày trong chợ chưa sao tẩm, khuyên nhủ sưu tầm chớ dùng thử (Rửa, nướng, chưng, nấu, bỏ ruột, bỏ vỏ, bỏ đầu, bỏ đầu nhọn …) tất thẩy không được bỏ qua.

Thuốc men nhầm: Bịp Nhân sâm; Hoặc dùng cành thô gọi là tiểu sâm, nấu qua lấy nước vừa rửa ấm, thuốc đã dùng rồi thật uổng công (Sâm mà để liền nhánh khô kết lại thì đẹp, nhưng đem nấu qua lấy nước thì sâm mất sắc đẹp, cái nhánh còn lại trong ấm có thể thay Nhân sâm được chăng?).

Thuốc men nhầm: Cân không đúng; Thuốc rẻ cân nhiều, quý cân ít. Quân thần tá sứ lộn linh tinh, nhiễu sự làm cho khổ mọi người.

Vẫn còn chuyện thuốc men nhầm; Xem ngay từ việc dùng nước sắc, khuyên anh sắc thuốc phải chọn người.

Sắc thuốc nhầm: Nước không sạch; Nước lẫn dầu trong thuốc gây nôn oẹ (tức là uống vào thoát thành tiếng oẹ) khi nôn oẹ thì bệnh tăng thêm làm cho danh y cũng khó quyết.

Sắc thuốc nhầm: Nước hay thêm; Thuốc đun sôi lại thêm nước, khí nhẹ lực giảm hết hiệu quả, lại ngờ thầy thuốc quá chủ quan.

Đấy là trăm điều nhầm trong nghề y. Đôi lời khuyên xin nhớ kỹ. Nhớ được kỹ bệnh mau khỏi, cùng với nhau hưởng hết tuổi Xuân Thu.

0/50 ratings
Bình luận đóng