BẠCH ĐÀN GIÀU CINEOL
Bạch đần trắng: Eucalytus camaldulensis Dehnhardt
Bạch đần liễu: Eucalytus exserta F.V.Muell
Đặc điểm thực vật và phân bố:
Cây gỗ, cao 20 – 25m, vỏ mềm bong thành mảng. Lá non hình trứng, không cuống, mọc đối ở những đôi lá đầu. Lá già mọc so le, cong lưỡi liềm. Bạch đàn liễu có lá hẹp và dài. Hoa mọc ở kẽ lá. Quả nang hình chén hoặc hình trứng trong có chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu.
Bạch đàn được trồng để phủ xanh đồi trọc ở các vùng núi và trung du hoặc để cải tạo đầm lầy. Tuy nhiên ở những đồi trồng bạch đàn thuần chủng, đất đai bị nghèo kiệt, làm nghèo thảm thực vật khác, dễ gây xói mòn. Vì vậy việc phát triển bạch đàn đang được các ngành có liên quan xem xét.
Trồng trọt và khai thác
Bạch đàn trồng bằng hạt. Gieo hạt trong vườn ươm, sau 5 – 7 tháng tuổi có thể đem trồng. Sau năm thứ 2 có thể khai thác lá. Ở nhiều nước trên thế giới việc khai thác tinh dầu thường được thực hiện khi đốn cây lấy gỗ. Phần lá được sử dụng cất tinh dầu.
Tinh dầu bạch đàn có tên thương phẩm là Eucalyptus oil. Tuy nhiên đế sản xuất tinh dầu này, nguồn nguyên liệu không chỉ là lá Bạch đàn mà còn sử dụng nhiều dược liệu khác. Ví dụ Dược điển Trung Quốc 1997 có qui định tinh dầu Bạch đàn (Eucalyptus oil) được khai thác từ các cây Eucalyptus globulus Labill., họ Sim (Myrtaceae), cây Long não Cinnamomum camphora (L.) Nees & Eberm., họ Longnão (Lauraceae) và một số cây khác cùng chi của hai họ thực vật trên. Sản lượng tinh dầu bạch đàn hàng năm trên thế giới vì vậy cao hơn nhiều so với tinh dầu được khai thác từ cây bạch đàn. Theo thông kê năm 1990 là 3.307 tấn. Các nước sản xuát chính: Trung Quốc 1.500 tấn, Tây Ban Nha 500 tấn, Bồ Đào Nha 300 tấn, Nam Phi 250 tấn, Ấn Độ 250 tấn, Việt Nam 250 tấn…
Bộ phận dùng
– Lá – Folium Eucalypti
– Tinh dầu – Oleum Eucalypti
– Eucalyptol (cineol)
* Đặc điểm vi học của lá:
– Phần gân lá có 1 bó libe gỗ chính và 2 bó libe gỗ phụ xếp chồng lên 2 đầu bó chính.
– Trong mô mềm giậu có chứa nhiều túi tiết tinh dầu.
Thành phần hoá học
– Lá có tinh dầu: 1,3 – 2,25% (E.camaldulensis) và 1,40 – 2,60% (E.exserta). Hàm lượng tinh dầu DĐVN III qui định không dưới 1,2%.
– Thành phần tinh dầu: Thành phần chính là cineol. Loài E. camalduleusis có thể đạt 60 – 70%. Loài E. exserta thấp hơn 30 – 50%. DĐVN III qui đinh hàm lượng cineol không dưới 60%.
Cũng như tinh dầu tràm, tinh dầu bạch đàn trước khi sử dụng cần được tinh chế và làm giàu cineol.
Công dụng
– Lá: Có thể dùng lá bạch đàn trắng hoặc bạch đàn liễu để thay thế lá bạch đàn xanh (E. globulus) là loại đã được sử dụng rất lâu đời ở các nước châu Âu. Dạng dùng: Thuốc hãm, thuốc xông, hoặc pha chế thành các dạng bào chế như xirô, cồn lá bạch đàn, dùng để chữa ho, sát khuẩn đường hô hấp, chữa các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, ho, hen, v.v…
justify">– Tinh dầu được sử dụng như tinh dầu tràm. Tuy nhiên, đến nay bạch đàn ở Việt Nam chưa được khai thác ở qui mô công nghiệp như tràm. Còn ở phạm vi nghiên cứu thăm dò và đề xuất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật