BẤC


Tên khác: Bấc lùng, Cỏ bấc đèn.
Tên khoa học: Juncus effusus L., thuộc họ Bấc – Juncaceae.
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm; thân tròn, cứng, mọc thành cụm dầy, cao độ 0,35-1,20m, đường kính thân 1,5-4mm; mặt ngoài màu xanh nhạt, có vạch dọc. Ruột thân (lõi) cấu tạo bởi các tế bào hình ngôi sao, để hở nhiều lỗ khuyết lớn. Lá bị giảm rất nhiều, chỉ còn bẹ ở gốc thân, màu hoe hoe hay nâu. Cụm hoa như ở cành thân; nhánh nhiều, mảnh. Hoa đều, lưỡng tính, màu xanh; bao hoa khô xác, gồm 6 phiến hẹp, nhọn; nhị 3; bầu 3 núm. Quả nang tròn, hơi dài hơn bao hoa; hạt nhỏ. Hoa tháng 5-6; quả tháng 6-7.
Bộ phận dùng: Lõi thân hay ruột bấc  (Medulla Junci); thường có tên là Ðăng tâm thảo.
Phân bố sinh thái: Cây mọc hoang dại ở những nơi ẩm lầy, gặp nhiều ở Nam Hà, Ninh Bình, Lâm Ðồng. Cũng được trồng để lấy bấc và để làm thuốc.
Thu hái: Vào tháng 9-10, cắt toàn cây về, rạch dọc thân để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi hay sấy khô tới độ ẩm dưới 10%. Có thể dùng nguyên sợi bấc hoặc làm thành bột. Muốn tán bột, tẩm bấc với nước cơm rồi phơi khô mới dễ tán. Sau đó cho vào nước, vớt bột nổi ở trên mà dùng.
Thành phần hoá học: Trong cây có araban, xylan, methyl pentosan, phlobaphen.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn; có tác dụng mát tim phổi, lợi tiểu tiện.
Công dụng: Thường dùng trị tâm phiền mất ngủ, sốt, tiểu tiện khó khăn, đái dắt, miệng lưỡi lở, viêm họng.
Liều dùng: 4-8g/ngày dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Ðơn thuốc:
1. Chữa tiểu tiện ít, phù thũng, kém ngủ: Ðăng tâm 8g, nước 250ml. Ðun sôi trong 15 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày.
2. Chữa tâm phiền, miệng khát:

Bấc đèn 4g. Lá tre, Mạch môn mỗi vị 12g, sắc uống.

3. Chữa các chứng lậu, đái buốt, đái đục, đái ra máu: Cỏ bấc đèn, Rễ cỏ tranh, mỗi vị 8g, sắc uống.

0/50 ratings
Bình luận đóng