Tên khác: loét (do) giãn tĩnh mạch.
Mục lục
Định nghĩa
Mất mô ở da, xảy ra thứ phát do tăng huyết áp tĩnh mạch mạn tính có xu hướng tự khỏi thấp.
Căn nguyên
Tĩnh mạch bị suy yếu mạn tính (giãn tĩnh mạch, hội chứng sau viêm tĩnh mạch, đứng lâu, dị dạng tĩnh mạch). Loét do thiếu cấp máu hiếm gặp, thường là các loét nhỏ, và rất đau. Hãn hữu thấy ở những đối tượng trẻ tuổi, bị viêm mạch máu, chứng globulin-huyết tủa lạnh hoặc chứng đa hồng cầu.
Triệu chứng
TIỀN TRIỆU: mới đầu thấy một lưới nhỏ những tiểu tĩnh mạch bị giãn (viêm giãn mao mạch), thường xuất hiện ở vùng mắt cá chân trong (giai đoạn I của chứng suy yếu tĩnh mạch mạn tính). Sau đó da trở nên mỏng, nhẵn, khô, rụng lông (gọi là teo trắng da). Ở lớp mô liên kết dưới da có hemosiderin lắng đọng (gọi là viêm da màu đất), phù để lại vết lõm, có những dải xơ hoá cố định da vào các lớp ở sâu bên dưới (gọi là viêm hạ bì xơ cứng), đây là những dấu hiệu của suy yếu tĩnh mạch ở giai đoạn II.
GIAI ĐOẠN LOÉT HOẶC GIAI ĐOẠN III: hoại tử da gây ra bởi những chấn thương đôi khi rất nhẹ, bởi nhiễm khuẩn da, bởi huyết khối ở một tiểu tĩnh mạch bị giãn, vết loét thường nằm ở gần mắt cá chân trong, hình bầu dục, bờ vết loét có thể bao quanh bởi một viền da bị viêm mao mạch, nhiễm khuẩn da, hoặc nhiễm nấm, hoặc bị eczema (chàm). Độ sâu và đường kính vết loét thay đổi và không phụ thuộc trực tiếp vào mức độ đau do bệnh nhân cảm nhận được.
GIAI ĐOẠN BỘI NHIỄM: đáy và bờ của vết loét bị che phủ bởi một màng tiết dịch rỉ viêm, xét nghiệm vi khuẩn dịch này phát hiện được những vi khuẩn khác nhau: tụ cầu khuẩn, vi khuẩn dạng coli, liên cầu khuẩn kỵ khí (yếm khí) và hiếu khí (ái khí), proteus, vi khuẩn sinh mủ xanh. Nhiễm khuẩn thường hay âm ỉ, nhưng đôi khi cũng gây ra viêm mô tế bào cấp tính kèm theo viêm mạch bạch huyết. Loét cẳng chân là một vết thương có thể sinh uốn ván.
Chẩn đoán, dựa vào:
- Vết loét hình bầu dục bắt đầu ở vùng mắt cá chân trong, tiến triển âm ỉ (chậm).
- Có nhũng dấu hiệu suy yếu tĩnh mạch mạn tính.
Chẩn đoán phân biệt, với những trường hợp sau đây:
- Loét mô hoại tử do thiếu cấp máu: là loét nhỏ, đau, bắt đầu ở các ngón chân, gót chân, mặt trước cẳng chân. Mạch mu chân yếu hoặc mất hẳn. xảy ra ở đối tượng trẻ tuổi, bị chứng đa hồng cầu, thiếu máu tan huyết.
- Chứng loét thủng bàn chân (xem ghi chú ở dưới).
- Gôm loét (hiếm gặp): là tổn thường của bệnh giang mai thời kỳ thứ ba, của bệnh lao, bệnh nấm ở sâu, bệnh nấm actinomyces.
- Tự gây thương tích: các vết loét có hình dạng và vị trí bất thường.
- Loét nhiệt đới: do bệnh giun chỉ, u nấm, ghẻ cóc, bệnh do leishmania (Leishmania tropica gây bệnh mụn phương Đông)
- Ung thư biểu mô tế bào gai: gặp ở đối tượng già, đáy của vết loét rắn và bị thâm nhiễm, sinh thiết dương tính.
Tiên lượng
Loét giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính, gây tàn phế, tổn phí bảo hiểm xã hội rất cao ở những nước công nghiệp. Đôi khi bệnh gây ra biến chứng chảy máu nặng và uốn ván.
Điều trị
Thường do bác sỹ chuyên khoa da liễu đảm nhiệm, biện pháp điều trị thay đổi tuỳ từng nước và từng trường phái khác nhau. Dưới đây là những khái niệm cơ bản:
CÁC BIỆN. PHÁP TOÀN THÂN: khi nằm thì kê chân cao. Vào ban ngày bố trí những thời kỳ nghỉ ngơi để chân lên cao. Băng ép hoặc đi tất chun (đàn hồi) ngay từ buổi sáng khi mới ngủ dậy. Loét giãn tĩnh mạch cũng như mọi vết loét khác đều có thể sinh uôn ván. Phải đảm bảo bệnh nhân được tiêm phòng uốn ván đúng tiêu chuẩn. Chỉ cho thuốc kháng sinh theo đường toàn thân, và dựa vào kết quả xét nghiệm vi khuẩn, nếu vết loét bị bội nhiễm cấp tính và viêm bạch mạch.
ĐIỀU TRỊ TẠI CHỖ: phải băng kín vết loét với thuốc keo giữ nước, băng rộng quá bờ vết loét và thay thường xuyên mỗi tuần một lần; trước khi băng lại phải lau sạch da ở xung quanh vết loét và rửa vết loét bằng nước vô khuẩn hoặc dung dịch sinh lý.
Sau khi hết phù và đã vô khuẩn vết loét, đôi khi nên cắt lọc những mô hoại tử bằng phương pháp hoá học (bằng enzym thuỷ phân protein, ví dụ trypsin) hoặc bằng phẫu thuật. Một khi vết loét đã sạch thì có thể bắt đầu điều trị ngoại trú: băng bằng vải gạc vô khuẩn thấm dung dịch sinh lý, thay băng 2 lần mỗi ngày, đi tất đàn hồi hoặc băng ép khít, cả hai đều phải làm từ buổi sáng khi ngủ dậy. Nếu da ở quanh vết loét dễ bị tổn thương thì có thể bôi thuốc có bột kẽm.
TIÊM CHỦNG LẠI VACXIN PHÒNG UốN VÁN: một cách hệ thống cho các đối tượng già.
GHÉP DA được chỉ định để điều trị những vết loét rộng, vô khuẩn, nhưng không tự thành sẹo được.
Điều trị loét có thể được bổ sung bởi những biện pháp làm giảm huyết áp trong hệ tĩnh mạch của chi dưới.
GHI CHÚ: chứng loét thủng bàn chân là một vết loét bao quanh bởi những lớp biểu bì song hoá dày (chứng tăng sừng hoá), diễn biến không đau, khu trú ở những điểm tỳ của gan bàn chân, hay thấy nhất là ở chỏm của đốt xương bàn chân thứ nhất hoặc ở một ngón chân. Loét hay bị bội nhiễm và gây ra ápxe không đau, phát triển vào chiều sâu, đôi khi tới tận các xương bàn chân. Những rối loạn dinh dưỡng thường xảy ra thứ phát khi một dây thần kinh bị tác động làm cho bệnh nhân mất cảm giác đau, nhất là trong trường hợp bị bệnh đái tháo đường, nghiện rượu, hoặc do những nguồn gốc khác nữa, như bệnh Tabes, dị dạng cột sống ngực- thắt lưng, và chèn ép rễ các dây thần kinh sống. Biện pháp điều trị cũng giống như trong trường hợp loét bàn chân (do) bệnh đái tháo đường (xem từ này). Kiểm tra xem bệnh nhân đã tiếm phòng vacxin chống uốn ván chưa.
Bệnh đau đầu chi loét tự hoại (bệnh loét đầu chi gây tàn phễ) là một hội chứng chưa rõ nguồn gốc, với đặc điểm là có những rối loạn dinh dưỡng da-xương, nhất là có chứng loét thủng bàn chân, tiêu xương đốt bàn chân, gây biến dạng bàn chân thành hình “guốc ngựa” (móng chân ngựa), đôi khi ngón hoặc bàn chân tự rụng ra. Người ta phân biệt một thể bẩm sinh (gọi là bệnh Thcuenard) và một thể mắc phải (gọi là bệnh Bureau và Barrière).