ĐẠI CƯƠNG

Rung giật nhãn cầu là những cử động giật nhịp nhàng của nhãn cầu. Đây là biểu hiện lâm sàng khách quan khi có một tổn thương hệ thống thị giác – tiền đình.

  • Rung giật nhãn cầu được đặc trưng bởi:

Kiểu: ngang, dọc, xoay hoặc dao động.

Tần số: ít, vừa, rất thường xuyên.

Biên độ: nhỏ, vừa, rõ rệt.

Pha: rung giật nhãn cầu gồm có hai pha là pha nhanh và pha chậm. Pha nhanh được dùng để xác định hướng và gọi tên rung giật, trong khi pha chậm giúp ta nhận biết bên bị tổn thương.

PHÂN LOẠI

Có hai loại rung giật nhãn cầu là rung giật nhón cầu sinh lý và bệnh lý.

Rung giật nhãn cầu sinh lý

Đây là dạng rung giật nhãn cầu người bình thường ai cũng có, nếu không có sẽ là tình trạng bệnh lý. Có hai loại rung giật nhãn cầu sinh lý.

Rung giật nhãn cầu thị động (optokinetic nystagmus)

Định nghĩa: là những vận động nhanh, nối tiếp nhau liên tục của nhãn cầu.

Kích thích: thị giác, qua sự quan sát các vật chuyển động (xe lửa đi ngang qua trước mặt…).

Thụ cảm thể: võng mạc.

Rung giật nhãn cầu thực nghiệm

Định nghĩa: là dạng rung giật nhãn cầu do sự chuyển dịch nội dịch trong các ống bán khuyên được gây ra bằng thực nghiệm. Hướng của dòng chảy nội dịch là hướng của pha chậm.

Thụ cảm thể: các ống bán khuyên.

Kích thích: nhiệt, điện hoặc ngồi trên ghế quay.

-Các phương pháp khám rung giật nhãn cầu thực nghiệm là: phương pháp nhiệt, quay và điện.

Phương pháp nhiệt

Chỉ dùng khi màng nhĩ không bị tổn thương.

Bệnh nhân ngồi ngửa đầu ra sau 60°.

Dùng nước lạnh: bơm 20ml nước 18°c vào tai bệnh nhân. Kết quả thấy xuất hiện rung giật nhãn cầu ngang sang bên đối diện. Nếu rung giật nhãn cầu không xuất hiện hoặc xuất hiện rất yếu chứng tỏ tính kích thích của hệ thống tiền đình giảm.

Dùng nước nóng: bơm nước 40°c vào tai bệnh nhân trong vòng 10 giây sẽ làm xuất hiện rung giật nhãn cầu về bên tai bị kích thích.

Phương pháp quay

Cho bệnh nhân ngồi trên ghế quay và quay 10 vòng trong 20 giây. Trong khi quay sẽ thấy xuất hiện rung giật nhãn cầu về hướng quay. Khi dừng lại sẽ thấy rung giật nhãn cầu theo chiều ngược lại (bản thân bệnh nhân cảm thấy mình bị quay theo chiều ngược lại).

Phương pháp điện

Phương pháp này ít được sử dụng và có thể thay thế bằng phương pháp khám tư thế hoặc nghiệm pháp ngón tay của Barany: sau các kích thích nhiệt hoặc quay, khả năng chạm đích của nghiệm pháp sẽ giảm và thấy ngón tay lệch về bên phía đối diện với chiều rung giật nhãn cầu.

Rung giật nhãn cầu bệnh lý

Định nghĩa

Rung giật nhãn cầu bệnh lý xuất hiện tự phát (không có kích thích thị giác hoặc kích thích tiền đình) do tổn thương hệ thống thị giác – tiền đình hoặc các cấu trúc não liên quan với hệ thống đó.

Các loại rung giật nhón cầu bệnh lý

  • Rung giật nhãn cầu tự phát ngoại vi: do mất các xung kích thích từ ngoại vi (tai trong một bên bị tổn thương do các quá trình bệnh lý khác nhau), vì vậy, trương lực của các nhân bên đối diện tăng một cách tương đối và làm xuất hiện rung giật nhãn cầu ngang (có thể có cả thành phần xoay) về bên đối diện.
  • Rung giật nhãn cầu tự phát trung ương: xuất hiện do mất ức chế các nhân tiền đình một bên (đặc biệt do tổn thương tiểu não) hoặc do kích thích trung khu rung giật nhãn cầu nằm ở gian hoặc cuống não. Đây là loại rung giật nhãn cầu ngang về bên tổn thương (cũng có thể là rung giật nhãn cầu dọc, chéo hoặc xoay). Trong trường hợp tổn thương xuất hiện từ từ, rung giật nhãn cầu cỏ thể rất nhẹ hoặc ở dạng tiềm tàng (kích thích xuất hiện bằng kính Fenzel, lắc đầu hoặc để đầu ở một tư thế nhất định nào đó – gọi là rung giật nhãn cầu tư thế, cũng có thể kích thích bằng cách che một mắt lại gây rung giật nhãn cầu về bên mắt mở). Rung giật nhãn cầu tự phát tiền đình thường về một hướng nhất định cho dù bệnh nhân nhìn về hướnng nào, rung giật nhãn cầu sẽ tăng khi bệnh nhân nhìn về hướng của pha nhanh và giảm khi nhìn về hướng của pha chậm.
  • Rung giật nhãn cầu về hướng nhìn: xuất hiện khi bệnh nhân nhìn về một hướng nhất định (cho dù bất kỳ góc nhìn nào), khi đó hướng của rung giật nhãn cầu là hướng nhìn, gặp trong tổn thương thân não, xơ cột bên teo cơ, sau khi dùng các dẫn xuất

Cần lưu ý rằng ở người bình thường khi nhìn với góc tối đa về một hướng nhất định cũng sẽ gây rung giật nhãn cầu về hướng đó, tuy nhiên loại rung giật nhãn cầu này sẽ tăng khi có tổn thương thực thể não. Rung giật nhãn cầu do mỏi, khi nhìn lâu về một hướng nhất định cũng gây rung giật nhãn cầu do mỏi cả cơ vận động (cơ co) và dãn cơ đối vận (do dãn). Rung giật nhãn cầu phân ly là loại rung giật nhãn cầu, trong đó giật về hướng nhìn mạnh hơn là về hướng đối diện trong khi liếc về một bên (khi liếc sang trái thì giật mạnh hơn về phải trái).

  • Rung giật nhãn cầu do liệt liếc: khi bệnh nhân liệt liếc không hoàn toàn sẽ thấy rung giật nhãn cầu thô, chậm về hướng liếc bị liệt (tổn thương cầu não và mái cầu).
  • Rung giật nhãn cầu dao động: là những cử động của nhãn cầu thô, kiểu làn sóng, về hai phía nhanh như nhau, thường gặp trong các tật khúc xạ và bất thường trung khu liếc.

Nguyên nhân rung giật nhãn cầu theo khu trú thương tổn

Rung giật nhãn cầu tiền đình

Khi kích thích tiền đình hoặc tai trong: rung giật nhãn cầụ ngang về phía tổn thương, khi có tổn thương tiền đình rung giật nhãn cầu về phía đối diện (mất đi sau 3-4 tuần), có thể có yếu tố xoay và thường kèm theo chóng mặt xoay, có thể có rối loạn thính lực (ù tai).

Rung giật nhãn cầu cầu não

về phía tổn thương, có rung giật nhãn cầu tư thế, khi có ảnh hưởng tới trung khu liếc cầu não sẽ xuất hiện rung giật nhãn cầu liệt liếc về phía tổn thương.

Rung giật nhãn cầu góc tiểu não

Giai đoạn đầu không có rung giật nhãn cầu, sạu đó có rung giật nhãn cầu tiền đình ngoại vi và trong các trường hợp muốn có rung giật nhãn cầu trung ương theo hướng nhất định.

Tiểu não

Có các dạng rung giật nhãn cầu trung ương đa số về bên tổn thương, cũng có khi là triệu chứng xa (ví dụ: do áp lực lên các nhân hoặc lên bó dọc giữa). Trong nghiệm pháp nhiệt, bệnh nhân có xu hướng ngã về phía của pha chậm, nghiệm pháp lệch ngón (tay bệnh nhân duỗi thẳng) cũng có thiên hướng lệch về bên đó; rung giật nhãn cầu về hướng nhìn.

Cuống não

Rung giật nhãn cầu theo hướng nhìn, rung giật nhãn cầu do liệt liếc hoặc rung giật nhãn cầu tự phát trung ương.

Củ não sinh tư

Rung giật nhãn cầu dọc có liệt liếc hoặc rung giật nhãn cầu liệt liếc theo hướng lên trên và thường kèm theo đồng tử bất động.

Bán cầu

Rung giật nhãn cầu không ổn định, rung giật nhãn cầu theo hướng nhìn khó xác nhận, vận động nhãn cầu sang bên giống rung giật nhãn cầu.

0/50 ratings
Bình luận đóng