Khái niệm
Chứng Miệng khát trong các sách y thư cổ điển có các tên như “Khẩu can”, “Khẩu táo”, “Khẩu thiệt can táo”, “Tư thủy”, “Dục ẩm thủy”, “Đại khát”, “Phiền khát”, “Đại khát dẫn ẩm”. Nhưng nói đúng ra thì các chứng “Khẩu can”, “Khẩu táo” và “Khẩu khát” không giống hẳn nhau: “Khẩu can”, “Khẩu táo” phần nhiều là chỉ tân dịch ở bên trong bất túc, không nhất định phải yêu cầu uống nước còn chứng Miệng khát (Khẩu khát) nói ở đây phần nhiều là chỉ có ý muốn uống nước. Vì vậy hai chứng này không hoàn toàn giống nhau.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Miệng khát do nhiệt hun đốt Dương minh: Có chứng khát nước uống lạnh, sốt cao ra mồ hôi, mặt hồng, mắt đỏ, phiền táo hoặc vùng bụng trướng đầy và đau, đại tiện bí kết, tiểu tiện vàng đỏ, rêu lưỡi vàng khô, thậm chí đen khô mà nổi gai, mạch Sác hoặc Trầm Thực có lực.
- Miệng khát do nhiệt vào doanh huyết: Có chứng khát nước nhưng uống không nhiều, hoặc không muốn uống, về chiều thì nóng nhiều, phiền táo nói sảng hoặc ban chẩn lờ mờ, chất lưỡi đỏ tía hoặc đầu lưỡi nổi gai, mạch Tế Sác.
- Miệng khát do thấp nhiệt bị uất hun đốt: Có chứng khát nước không muốn uống hoặc uống không nhiều, ngực bụng bĩ đầy, biếng ăn, buồn nôn, nôn khan, mình nóng Tâm phiền, chân tay rã rời, đại tiện bí hoặc nhão mà khó đi, tiểu tiện vàng đỏ hoặc thấy hoàng đản, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Nhu mà Sác.
- Miệng khát do thủy ẩm ứ đọng ở trong: Có chứng miệng lưỡi khô ráo mà không muốn uống nước, sau khi uông không dễ chịu hoặc uống vào lại thổ, đầu choáng mắt hoa, dưới Tâm đầy hoặc rung động, bụng đầy mình nặng hoặc chân tay mình mẩy phù thũng, tiểu tiện không lợi, lưỡi nhạt bệu có vết răng, rêu lưỡi trơn hoắc nhớt, mạch Trầm Huyền mà Hoạt.
- Miệng khất do Phế táo tân bị thương: Có chứng miệng khát họng khô, mũi khô môi ráo, ho khan không có đờm, Tâm phiền đau sườn, da dẻ khô ráo, đại tiện khô kết, lưỡi đỏ rêu mỏng mà khô, mạch Huyền Sác hoặc Tiêu Sác.
- Miệng khát do âm hư hỏa vượng: Có chứng miệng khô họng ráo, về đêm càng nặng, hư phiền mất ngủ, đầu choáng hoa mắt, lòng bàn tay chân nóng, hoặc triều nhiệt, xương nóng âm ỉ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch Trầm Tế mà Sác.
Phân tích
- Chứng Miệng khát do nhiệt hun đốt Dương minh và chứng Miệng khát do nhiệt vào doanh huyết: cả hai chứng đều thuộc Lý thực nhiệt chứng nhưng nên phân biệt tà nhiệt ở khí hay ở huyết. Loại trên phần nhiều do nhiệt tà vào lý, Dương minh khí phận đại nhiệt có đặc điểm là đại khát kiêm các chứng đại nhiệt, đại hãn và mạch Hồng Đại (tứ đại). Dương minh phủ thực chứng lại phải kiêm chứng đại tiện không thông, bụng trướng đầy đau. Còn chứng nhiệt vào doanh huyết tuy cũng khát nước nhưng mức độ ít hơn nhiều, lúc đầu vào doanh phận vì nhiệt tà hun đốt nên tân dịch ở trong huyết bốc lên, tuy có chứng miệng lưỡi khô nhưng lại không thấy khát nhiều cho dù có miệng khát cũng không uống được bao nhiêu, vả lại về đêm thì phiền nhiệt hoặc táo động không yên, ban chẩn nổi lờ mờ, chất lưỡi đỏ tía, đó là những chứng hậu nhiệt ở doanh huyết. Đối với loại khát nước do chứng lý nhiệt này nên thanh bỏ nhiệt thì hết khát không cần thiết phải tập trung vào sinh tân chỉ khát. Nhiệt hun đốt Dương minh điều trị nên thanh nhiệt tả hỏa, bảo tồn tân dịch, dùng phương Bạch hổ gia Nhân sâm thang. Nếu là Dương minh phủ thực thì điều trị bằng các phương Đại Tiểu Thừa khí thang. Nhiệt vào doanh huyết nên dùng phép thanh doanh lương huyết, chọn dùng các phương Thanh doanh thang, Tê giác địa hoàng thang.
- Chứng Miệng khát do thấp nhiệt bị uất hun đốt: Phần nhiều xuất hiện trong bệnh Thấp ôn hoặc Thử thấp, nhưng trong Tạp bệnh cũng gặp không ít. Nói chung bệnh chứng Thấp ôn, vì thấp là âm tà tổn thương tân dịch không nhiều lắm cho nên không có chứng khát. Nhưng Thấp nhiệt đầu nặng hoặc nhiệt nặng hơn thấp có thể xuất hiện các chứng mình nóng miệng khát. Đặc điểm lâm sàng là miệng khát mà không muốn uống hoặc uống cũng không uống nhiều hoặc thích uống nóng, hơn nữa còn có các hiện tượng thấp tà trở trệ như: mình nóng khó chịu hoặc mình nóng về buổi chiều, ngực bụng bĩ đầy, mình nặng đầu bức bôi, đại tiện nhão khó đi, rêu lưỡi vàng nhớt. Điều trị nên thanh nhiệt hóa thấp, đồng thời sử dụng phải căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của thấp nhiệt mà phân biệt xử trí. Nhiệt nặng hơn thấp có thể dùng Tam thạch thang, Liên phác ẩm. Cả thấp và nhiệt đều nặng có thể dùng Hoàng cầm hoạt thạch thang hoặc Cam lộ tiêu độc đan gia giảm. Miệng khát do thấp nhiệt vì khát không muốn uống hoặc uống cũng không nhiều, lại nên phân biệt với chứng nhiệt vào doanh huyết vì nhiệt vào doanh huyết tất phải có nhiệt chứng ở doanh phận như: tinh thần hôn mê nói sảng, ban chẩn lưỡi tía đỏ là những biểu hiện đôi với chứng thấp nhiệt khác nhau rất xa.
- Chứng Miệng khát do thủy ẩm ít đọng ở trong: Vì đờm ẩm ngăn ở trong, dương khí không khả năng phân bố, khí hóa bất lợi, tân dịch không tăng lên đến nỗi miệng khát, có đặc điểm là miệng lưỡi khô ráo nhưng không muốn uống nước hoặc sau khi uống thấy khó chịu hoặc uống vào lại mửa. Đồng thời còn kiêm cả chứng vì ẩm ứ đọng ở trong như: bụng đầy mình nặng, thủy thũng, dưới Tâm hồi hộp hoặc dưới rốn rung động, tiểu tiện bất lợi, rêu lưỡi trơn như ứ nước. Điều trị nên dùng phép ôn dương hóa ẩm, nếu ẩm tà ứ đọng ở dưới Tâm thì điều trị bằng Linh quế truật cam thang, nếu ẩm tà ứ đọng ở Hạ tiêu có thể dùng Ngũ linh tán.
- Chứng Miệng khát do Phế táo tân dịch tổn thương với chứng Miệng khát do âm hư hỏa vượng: Loại trên là do ngoại cảm táo tà hun đốt tổn hại tân dịch của Phế hoặc do ho kéo dài Phế âm tổn thương. Phế là khí đạo chủ về phân bố tân dịch lại chủ về bì mao, bên dưới hợp với Đại trường, cho nên biểu hiện các chứng: Miệng khát, mũi khô họng ráo, ho khan không có đờm, da dẻ khô ráo, đại tiện khô kết. Loại sau hoặc là vì sau nhiệt bệnh âm tân bị hun đốt, hoặc vì bệnh mạn tính kéo dài, âm huyết suy tổn, âm hư sinh nội nhiệt cho nên không những miệng khô họng ráo, bệnh nặng về ban đêm, hơn nữa còn có các chứng thuộc về âm hư hỏa vượng như mất ngủ, đầu mặt choáng váng, triều nhiệt, xương nóng âm ỉ, ngũ tâm phiền nhiệt lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít tân dịch … Chứng Phế táo tân dịch bị thương điều trị nên thanh Phế, nhuận táo sinh tân dùng phương Thanh táo thang hoặc Thanh táo cứu Phế thang. Chứng Âm hư hỏa vượng điều trị nên dường âm sinh tân dùng phương Lục vị địa hoàng thang hợp với Tầng dịch thang.
Tóm lại, bệnh tật có chứng miệng khát khá nhiều những chứng hậu nói trên là thường gặp nhất nên cần thảo luận. Khi lâm sàng cần phải chú ý đến những điểm muốn uống hay không, uống nhiều hay ít, thích uống nóng hay uống lạnh … đồng thời phải kết hợp thăm khám giữa mạch, chứng và rêu lưỡi, phân tích cho tỉ mỉ để phân biệt bệnh ở khí hay ở huyết, do âm khuy dương thịnh hay do hư, do thực cho đến bệnh phát sinh ở tạng nào, ở phủ nào mà phân biệt chẩn trị, không nên đều coi tất cả là lý nhiệt mà bàn luận.
Trích dẫn y văn
Ăn uống không điều độ tổn thương do mệt nhọc dẫn đến Tỳ Vị hư yếu, đó là bệnh do huyết sinh ra chủ về tân dịch ở trong miệng không lưu hành cho nên miệng khô họng ráo. Người bệnh tự xem là khát … nên xem xét cội rễ bệnh từ Tâm với Tiểu trường để bổ nguồn gốc từ Tỳ Vị, dùng các loại thuốc ngọt ấm là chính và các loại thuốc đắng lạnh là Sứ, lấy các vị chua làm Thần làm Tá… Từ trong Tỳ Vị để tả bỏ cái sự quá thịnh của Tâm hỏa, đó là phép chữa bệnh từ gốc (Tỳ Vị luận – Tỳ Vị thịnh suy luận).
Sáu mạch đều Huyền chỉ về bên dưới bị hư và do Tỳ Vị hư gây đau, có chứng ăn kém mà khát liên tục, dưới Tâm bĩ, trong bụng đau, hoặc là trong bụng thắt chặt như xoắn dây thừng, tiểu tiện không lợi đại tiện không đều, tinh thần bạc nhược. Loại thuốc này chuyên trị chứng đại khát không dứt, trong bụng thắt hẹp, ăn kém rất hiệu nghiệm, dùng Bạch Phục linh, Trần bì, Nhân sâm, Sinh khương, Cam thảo (Thử sự nan tri – Quyển hạ).
Miệng khát và miệng khô khác nhau rất xa, thế mà nhiều người không biết phân biệt. Bởi vì khát là do hỏa táo hữu dư vốn dĩ tân dịch bất túc. Hỏa hữu dư thì nên bàn là thực nhiệt, còn tân dịch bất túc lại nên bàn là âm hư… cho nên với trường hợp sau khi đi tả nặng, sau khi ra mồ hôi nhiều, sau khi mắc bệnh nặng, sau khi quá mệt nhọc và sau khi mới đẻ bị mất huyết, sau khi ung thư bị vỡ, sau khi ăn quá nhiều đồ mặn… đều có thể làm cho khát. Đối với những loại ấy có thể do vong âm, vong dịch, thủy khuy khô cạn gây nên vốn không phải là nhiệt chứng, chớ có nhận lầm là do hỏa… thủy khuy ở phần dưới thì nên bổ Thận. Nếu dương hư mà âm không sinh ra được, nếu khí hư mà tinh không biến hóa được khiến cho thủy hỏa không giúp đỡ lẫn nhau thì còn ích gì nữa ? (Cảnh Nhạc toàn thư – Quyển 26).
Có một loại trung khí hư hàn, hàn thủy trào lên trên thúc ép cái hỏa trôi nổi ở khoảng miệng lưỡi và họng, khát muốn uống nước nhưng chỉ uống một vài ngụm đã chán, chốc lát lại khát muốn uống cũng không uống được bao nhiêu. Bởi vì một nơi ở Thượng tiêu muốn có nước để tự cứu khi vào đến Trung tiêu thì nước lại gặp nước, chính vì thế mà nó ghét nhau. Như chứng mặt đỏ phiền táo, sắc nước Lý trung thang chiêu với Bát vị hoàn, hoặc dùng Phụ tử lý trung gia Mạch môn, Ngũ vị tử cũng hay. Lại có trường hợp miệng muốn uống nước nhưng uống vào chốc lát lại mửa ra, mửa ra chốc lát lại muốn uống đến nỗi đồ ăn thuốc uống đều không trôi, đó là chứng Âm thịnh cách dương, chứng Thương hàn ở Thận kinh. Trọng Cảnh dùng Bạch thông thang gia Nhân niệu, Đởm chấp theo phương pháp dùng thuốc nhiệt để thăm dò lạnh, uống một lần là khỏi ngay, phụ nữ hay mắc chứng này. Hai chứng nói trên đều là âm chứng nhưng một chứng là thuộc Thái âm, một chứng là thuộc Thiếu âm không được nhìn nhận lẫn lộn (Y tông kỷ nhiệm thiên – Khẩu khát).