CẢI CÚC
Tên khác: Cúc tần ô, Rau cúc, Rau tần ô,Đồng cao; Xuân cúc.
Tên khoa học: Chrysanthemum coronarium L.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, có thể cao tới 1,2m. Lá ôm vào thân, xẻ lông chim hai lần với những thuỳ hình trứng hay hình thìa không đều. Cụm hoa ở nách lá, các hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu vàng lục, thơm. Các lá bắc của bao chung không đều, khô xác ở mép. Mùa hoa vào tháng 1-3.
Bộ phận dùng: Cành lá: (Ramulus Chrysanthemi Coronarii).
Phân bố sinh thái: Loài cây của vùng Cận đông, được nhập trồng ở nhiều nơi khắp nước ta làm rau ăn. Có nhiều giống trồng khác nhau; ta thường trồng giống cây lùn không cao quá 70cm.
Thành phần hóa học: Rau Cải cúc chứa 1,85% protid 2,57% glucid, 0,43% lipid và còn có nhiều vitamin B, C và một số vitamin A. Người ta còn tìm thấy các chất khác như adenin, chlonin. Lá chứa 7-glucosid của quercetin, quercetagetin và luteolin.
Tính vị, tác dụng: Cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, giúp tiêu hoá, trừ đờm, tán phong nhiệt.
Công dụng: Cải cúc có thể dùng ăn sống như xà lách, chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh… Còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt. Ở Ấn Độ, người ta dùng cây phối hợp với hồ tiêu để trị bệnh lậu; hoa được dùng thay thế Dương cam cúc như là một chất thơm đắng và lợi tiêu hoá.
Bài thuốc:
1. Chữa ho trẻ em: Dùng
lá Cải cúc thái nhỏ 6g, thêm ít mật ong, hấp vào nồi cho tiết nước ra, chia nhiều lần uống trong ngày.
2. Những người ăn uống kém tiêu, viêm lỵ, hay đau mắt: Dùng Cải cúc ăn sống hoặc nấu canh ăn, đều có tác dụng trị bệnh tốt.