DÀNH DÀNH
Fructus Gardeniae
            Dành dành hay còn gọi là chi tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây dành dành – Gardenia jasminoides Ellis; họ Cà-phê – Rubiaceae.
            Dành dành đã được ghi vào Dược điển Việt nam.
Đặc điểm thực vật và phân bố:
            Cây nhỏ cao hơn 1m, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối hay mọc vòng 3 chiếc một, nhẵn bóng, có lá kèm rõ. Hoa màu trắng, thơm, quả hình thoi có 5 cạnh lồi, thịt quả màu vàng cam. Cây mọc hoang và được trồng làm cảnh. Trồng bằng cành hoặc bằng hạt.
            Thu hái: quả thu hái vào tháng 8-10. Lá thu hái quanh năm.
 Thành phần hoá học.
            Các iridoid glycosid: gardosid, scanzhisid, scandozit methyl ester, desacetyl asperulosid acid methylester, gardenosid (công thức xem phần đại cương).
            Ngoài các iridoid glycosid nói trên, trong quả dành dành còn có acid picrocinic cũng là một loại monoterpenoid glycosid khác.
            Trong quả Dành dành và nhiều cây thuộc chi Gardenia người ta đã phân lập được sắc tố màu đỏ gạch: a-crocetin là một carotenoid carboxylic acid. Ở trong cây sắc tố này tồn tại dưới dạng pseudoglycosid: a-crocin (= a-crocetin digentibiosid), kết tinh hình kim màu đỏ nâu, có cực đại hấp thu ở 464 và 434nm, dễ  tan trong nước nóng, khó tan trong dung môi hữu cơ. Trong quả dành dành còn có monacosan, b-sitosterol, D-manitol.

a- Crocetin, R=H
a-Crocin, R=gentibiose
(trong loài Gardenia lucida có 5 chất flavonoid thuộc nhóm flavon đã được phân lập và xác định cấu trúc gồm: gardenin A,B,C,D,E ).
Tác dụng và công dụng:
            – Tác dụng kích thích tiết mật và làm hạ bilirubin huyết tương (phần tan trong nước).
            – Tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật, hạ nhiệt, hạ huyết áp.
            – Dịch chiết nước nóng chi tử khi tách phân đoạn có phân tử lượng thấp thấy có tác dụng kích thích tái tạo tế bào nội mạc là các tế bào đóng vai trò quan trọng làm đông máu, do đó giải thích được tác dụng cầm máu của chi tử. Người ta cũng biết rằng sự tổn thương và sự chậm tái sinh tế bào nội mạc sẽ gây nên những triệu chứng  bệnh lý như  xơ vữa động mạch. (Planta Med. 56,1990,353).
            – Chi tử còn có các tác dụng khác như kháng khuẩn, trị giun.
            – Trong Y học cổ truyền chi tử được dùng để chữa viêm gan cấp tính có vàng da. Ngoài ra còn dùng để chữa khái huyết, tiểu tiện ra máu đau buốt; chống viêm.
            Liều dùng: 6-12 g một ngày, dùng riêng hoặc phối hợp với các thuốc khác. Dùng ngoài đắp để chống viêm, bầm dập, bong gân, cầm máu, sát trùng và giảm đau. a-crocin là một chất màu dùng để nhuộm thực phẩm. Ngoài ra nhân dân ta hay dùng dành dành để nhuộm lụa tơ tằm cho có màu vàng đẹp.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng