Trong thiên nhiên, một số loài sinh vật có chứa chất kịch độc, có thể gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của con người. Thế nhưng với tài trí của các nhà y học, nhiều trong số chất độc này đã “cải tà quy chính” trở thành thuốc chữa những chứng bệnh nan y, cứu người.
Cựa lúa mạch:
Nhân loại đã trải qua một chặng đường lịch sử lâu dài trong việc dính dáng đến cựa lúa mạch, đây là một loài nấm sống ký sinh trên thân cây lúa mạch. Chất độc từ cựa lúa mạch có khả năng gây nên chứng ảo giác, không kiểm soát được các hành vi, chấn động và thậm chí gây chết người. Các triệu chứng ngộ độc cựa lúa mạch khác bao gồm co thắt tử cung, buồn nôn, tai biến mạch máu và bất tỉnh nhân sự. Người bị ngộ độc nấm trên cựa lúa mạch có nguy cơ sẽ bị cắt cụt chi. Kể từ thời Trung Cổ, người ta sử dụng các liều lượng thuốc đặc chế từ cựa lúa mạch để làm ngừng hẳn chứng chảy máu cho sản phụ sau khi sinh. Chất độc alkaloid từ cựa lúa mạch có chứa thành phần caffeine và ergotamine hay ergoline dùng để điều trị chứng đau nửa đầu. Chất độc từ cựa lúa mạch còn được dùng để trị chứng bệnh Parkinson. Ngoài ra chất độc từ cựa lúa mạch còn tạo ra dạng bệnh dịch hạch từng tấn công châu Âu vào thập niên năm 1500.
Nhện đen Chilê:
Các nhà lý sinh từ Đại học Buffalo, New York, Mỹ đã sử dụng một chất đạm từ nọc độc của loài nhện đen Chilê vốn có khả năng gây nên các căn bệnh tim mạch dẫn đến tử vong ở người. Các bức vách bao quanh các tế bào của bạn có những ống nhỏ xíu sẽ mở ra khi tế bào được kéo căng ra. Trong số các chức năng của cơ thể bạn, những chiếc ống này có nhiệm vụ co giãn các cơ tim. Khi các ống này giãn ra quá rộng, nó sẽ chuyển hoá một lượng lớn các iôn vào trong tế bào. Những iôn thêm vào này sẽ phá huỷ khu vực tim. Chất đạm từ nọc độc của loài nhện đen Chilê có khả năng bó chặt các ống dẫn này, gây nên biến chứng tim mạch.
Bò cạp vàng:
Các nhà nghiên cứu tại Transmolecular Corporation ở Cambridge, đã phân ly một chất đạm có trong nọc độc của loài bò cạp vàng Israel. Chất đạm này có khả năng bó chặt các tế bào ung thư tìm thấy trong gliomas, một dạng ung thư não được xem là rất khó điều trị hiện nay. Các nhà nghiên cứu cũng đã sáng chế ra một dạng chất đạm nhân tạo mang iôn phóng xạ. Khi đi vào trong máu, chất đạm nhân tạo sẽ tiêu diệt các tế bào glioma và “cột chặt” chúng lại, thực hiện các hiệu ứng phóng xạ. Hiệu ứng phóng xạ sẽ tiêu hủy các tế bào ung thư não, kết thúc quá trình điều trị.
Cà độc dược:
Atropine là một chất độc được chiết xuất từ cây cà độc dược. Chất độc atropine còn được sử dụng trong việc điều trị chứng bệnh Bradycardia (một chứng trụy tim cực kỳ nguy hiểm). Hoạt động của độc chất atropine còn tác động lên hệ thần kinh gây nên các triệu chứng như nhễu nước bọt, đổ mồ hôi và ảnh hưởng đến tuyến nước nhày. Chất độc atropine còn được sử dụng trong việc điều trị chứng Hyperhidrosis và phòng ngừa hữu hiệu chứng đột qụy tim mạch. Bởi vì tính hữu dụng trong y học mà chất độc atropine còn được xem là hạt nhân cốt lõi trong “Danh sách các loại thuốc cần thiết” của Tổ chức Y tế Thế giới, rất cần thiết cho hệ thống chăm sóc y tế cơ bản.
Cây độc cần:
Độc cần là một trong những loại độc dược phổ biến nhất, chất độc quan trọng nhất trong cây độc cần là coniine, có cấu trúc hoá học tương tự như nicotine. Coniine là một chất độc thần kinh, ảnh hưởng của nó là phá hủy cơ chế làm việc của hệ thống thần kinh trung ương, gây độc cho cả người và các loại gia súc. Coniine có thể gây chết người bằng cách làm tê cứng khả năng hoạt động của các cơ bắp tương tự như nhựa độc cây Cura. Các cơ hô hấp sẽ ngừng hoạt động gây nên cái chết do thiếu hụt ôxi ở tim và não. Cái chết diễn ra từ từ trong khoảng thời gian từ 48 đến 72 giờ đồng hồ sau đó. Người lớn chỉ cần ăn hơn 100 mg chất coniine (tương đương từ 6 đến 8 lá độc cần tươi, hoặc một liều nhỏ hạt hoặc rễ cây) là có thể chết bất đắc kỳ tử. Mặc dù được xem là Cây tử thần nhưng chất độc của cây độc cần còn được y học sử dụng để điều chế ra thuốc giảm đau cũng như dùng làm thuốc trị các chứng co thắt. Các thầy thuốc người Hy Lạp và Ba Tư đã sử dụng cây độc cần để trị các chứng viêm khớp.
Rắn hổ mang:
Nọc độc của rắn hổ mang được ước tính rằng với một liều lượng tương đương 100 mg đã đạt đến mức tử vong. Tuy vậy, nọc độc của loài rắn hổ mang còn có một chất đạm gọi là “Contortrostatin” có khả năng ngừng sự tăng trưởng của các tế bào ung thư và có thể ngăn cản khả năng lây lan của các khối u sang các vị trí khác. Trong tương lai gần, chất độc Contortrostatin đang được hy vọng là chất chống ung thư rất hiệu quả.
Cây mao địa hoàng:
Có nhiều giống khác nhau, nhưng tựu chung các cây mao địa hoàng tồn tại một vài chất độc chết người ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch. Vì vậy, mao địa hoàng được loài người đặt cho nhiều cái tên rất ấn tượng như Chuông gọi hồn, Găng tay phù thủy… Toàn bộ thân cây đều hiện diện các chất độc (bao gồm cả rễ và hạt), nhưng phần lá mọc trên thân cây là có uy lực giết người ghê gớm. Độc chất của cây mao địa hoàng còn được gọi là “Digitalin”, có khả năng gia tăng sự co giãn của tim và là một chất chống lại chứng loạn nhịp tim, đặc biệt là triệu chứng tim đập không đều, thường là đập rất nhanh.
Ốc nón:
Những loài ốc nón có kích thước từ trung bình đến rất to, nó là những động vật săn mồi đáng gờm trong lòng đại dương. Loài ốc này săn mồi và giữ chặt con mồi bằng cách sử dụng một bộ răng sắc kèm theo tuyến nọc cực độc có khả năng hủy hoại hệ thần kinh của con mồi, miệng của ốc này có cơ chế hoạt động giống như một mũi lao. Loài ốc nón này cũng làm cho con người phát ngán vì những cú đâm vào da gây nhức nhối không thể tả. Cú chích của các con ốc nón nhỏ thì không đáng ngại như cú chích của loài ong, nhưng cú chích của một vài con ốc nón loại lớn như loài ốc nón nhiệt đới có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho con người. Nọc độc của một số loài ốc nón như ốc nón ma thuật, ốc nón Conus có công hiệu mạnh 1000 lần, có khả năng dùng thay thế cho morphine. Nọc độc của loài ốc nón được dùng để điều trị căn bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và chứng bệnh động kinh.
Warfarin:
Warfarin là thuốc chống đông tụ, lúc đầu nó được quảng cáo là thuốc trừ sâu có tác dụng diệt chuột, thứ thuốc này còn có sự hiện diện của một số chất độc mà tiêu biểu là chất độc brodifacoum. Cách đây vài năm, warfarin dùng để phòng ngừa chứng huyết khối và sự tắc mạch máu. Warfarin được sử dụng làm thuốc vào đầu thập niên năm 1950 và đến ngày hôm nay nó vẫn có hiệu lực. Warfarin được đại đa số dân cư khu vực Bắc Mỹ sử dụng làm thuốc chống đông.
NGUYỄN THANH HẢI (Theo Science)-SKDS