Mỗi lần Bé khóc là một lần bố mẹ lại thắc mắc, không yên tâm với bao nhiêu câu hỏi : tại sao Bé khóc ? Bé có ốm đau gì không ? Các trẻ khác có khóc như thế không ? Cứ để Bé nằm trong nôi hay nên bế Bé lên ?….
Sự lo lắng đó không phải là quá đáng, vì chừng nào chưa nói được, thì tiếng kêu, tiếng khóc là phương tiện duy nhất của Bé để thông tin cho người lớn biết : Bé đói, Bé bị nóng; Bé đau… Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bố mẹ, nhất là các bà mẹ – sẽ hiểu được ý nghĩa tiếng khóc của con và biết cần phải làm gì. Nhưng trước tiên, khi nghe tiếng Bé khóc, chúng ta cần đến xem Bé nằm có bị vướng gì không, có nóng quá không, có bị chói mắt hoặc bị tiếng ồn của ra-đi-ô, máy truyền hình, cát-sét, tiếng chuông, động cơ nổ… làm giật mình thức giấc không ? Trước khi ngủ, Bé đã được ăn đủ chưa ?
Nếu tất cả những vấn đề trên đều không có liên quan gì với Bé thì tiếng khóc chỉ là một sự việc bình thường, như là một nếp sinh hoạt hàng ngày của Bé.
Tiếng khóc trong 3 tháng đầu
Nhiều trẻ sơ sinh khỏe mạnh mà vẫn khóc hàng ngày, rất đúng giờ ! Sau khi bú no, Bé ngủ một mạch rồi khi thức dậy, cất tiếng khóc rõ to.
Trẻ thường khóc như vậy từ tuần lễ thứ 2 tới tuần lễ thứ 10, và khóc to nhất vào khoảng tuần thứ 6. Trong tuần thứ 2 và thứ 3, Bé thường hay khóc vào buổi trưa. Tại sao Bé khóc như thế ? Các nhà nghiên cứu về trẻ em cho rằng, có thể do 2 nguyên nhân : một số trẻ khóc để “xả hơi”. Nằm mãi mỏi người, “tè dầm” ngứa cả mông cũng chẳng ai biết, đang ngủ lại có tiếng nhạc ở ra-đi-ô, rồi lại có người mở cửa làm ầnh sáng lọt vào phòng chói cả mắt, đã thế lại có người hút thuốc lá phun khói làm không khí ngột ngạt… Tất cả những điều đó làm Bé cảm thây khó chịu và bật lên tiêng khóc.
Cũng có thể còn một nguyên nhân khác : bộ máy tiêu hoá của Bé chưa quen hoạt động nên hay có sự trục trặc vào buổi trưa, sau bữa ăn làm Bé hơi bị đau bụng. Đó là điều mà các bác sĩ chỉ dự đoán mà thôi. Nếu đúng, thì cơn đau bụng buổi trưa này cũng chóng qua đi.
Khi Bé khóc, có nên bế Bé lên ngay không ?
Vì tiếng khóc của Bé thay cho lời nói, nên mỗi lần Bé khóc các bà mẹ lại cảm thấy rất thương con, đoán con đang có một điều gì không ổn. Nhưng nhiều người cũng lưỡng lự không biết có nên ẵm Bé lên ngay không, sợ rằng sẽ tạo thành một thói quen cho Bé.
Để tránh phải ẩm Bé lên, cọ nhiều cách xoa dịu tiếng khóc của Bé như đổi tư thế nằm cho Bé, nói nựng vài câu, vỗ về, treo một miếng vải mầu trên đỉnh màn để Bé nhìn, đẩy chiếc xe nôi ra phía ánh sáng, vặn nhạc hoặc làm chiếc nôi đu đưa… Có nhiều Bé thôi khóc khi được cho ngậm vú giả hoặc tự mút ngón tay. Có lẽ đấy cũng là một cách để làm dịu thần kinh mình, giống như người lớn hút thuốc lá vậy.
Nhiều trẻ khóc dai, vỗ về không có tác dụng gì, chỉ nín khi được mẹ bế lên và ôm vào lòng. Có trẻ khóc từng cơn, khi được áp đầu vào ngực mẹ, cảm thấy có hơi người, nghe thấy nhịp đập của trái tim mẹ là đỡ khóc ngay, mặc dù Bé còn có những biểu hiện như bị đau bụng.
Các nhà tâm lý học cho rằng, khi còn nằm trong bụng mẹ, các cháu bé đã quen được đu đưa theo những cử động của mẹ, quen nghe nhịp đập của trái tim mẹ và được nuôi dưỡng một cách tự nhiên chẳng phải phiền phức như bây giờ. Từ sau khi lọt lòng, Bé phải làm quen với cuộc sống mới, lúc ngủ, lúc thức, ăn xong có thể còn bị đau bụng, phải ngủ giữa một khoảng trống im lặng hoặc ồn ào, dễ sợ. Bởi vậy, nhiều lúc các cháu cất lên tiếng khóc, như người ta thường kêu to lên trong một nơi hoang vắng để trấn an mình, để khỏi sợ, để có thêm lòng can đảm. Khi được mẹ ôm ấp, vỗ về, Bé sẽ thôi khóc ngay vì những cảm giác trên đã tan mau. Sau này, khi Bé đã lớn lên, đã biết sử dụng 2 bàn tay, ý thức được việc ăn, uống, tắm, đi chơi… thì không nên bế Bé mỗi khi Bé khóc nữa. Vì làm như vậy, Bé sẽ biết tác dụng của việc mình khóc và sẽ sử dụng nước mắt để điều khiển người lớn phải làm việc này, việc nọ theo ý muốn của mình.
Sau 3 tháng, trẻ chuyển sang một giai đoạn “lớn” hơn : những cơn đau bụng không còn nữa, hệ thống thần kinh vững vàng hơn, Bé không dễ bị giật mình sợ hãi trước bất cứ sự việc gì, Bé đã nhìn và cảm nhận được mọi người và mọi vật xung quanh. Bé vẫn còn khóc, nhưng có những nguyên nhân xác đáng.
Tới tháng thứ 7, thứ 8, Bé nhận biết được những khuôn mặt thân quen. Bé biết theo bố mẹ, khóc khi mẹ đi và khi thấy người lạ. Bé đã biết tức giận, khóc khi với tay mãi mà không nắm được đồ chơi.
Tới 2 tuổi, Bé bắt đầu biết sợ : sợ bóng tối, sợ súc vật. Nhưng cũng từ tuổi này trở đi, càng ngày Bé càng tự chủ được mình và bớt khóc đi.
Một số trẻ tới tuổi này hay khóc nhiều hơn vì biết xúc cảm trước những việc to tiếng, bất hòa của những người lớn trong gia đình. Bởi vậy, người lớn nên tránh cho các cháu bé khỏi thấy những cảnh tượng này.
Bé khóc vì bệnh
Những trẻ khóc ở thời gian xa bữa ăn, mặt nhăn nhó hoặc tái đi, oằn người, đánh hơi, phân không thành khuôn phần lớn là do rối loạn ở bộ máy tiêu hóa.
Bé cũng có thể khóc vì bị ho, mọc răng (lợi đỏ, sưng tây, dãi nhiều), bị viêm nhiễm, đau đầu. Những trường hợp như thế, Bé thường quẫy chân tay hoặc co người, lờ đờ, mặt tái, bỏ ăn, cần phải tới ngay bác sĩ.
Tiếng khóc của trẻ khi khỏe mạnh vang to, dài hơi, nghe cảm thấy Bé có sức, không vì khóc mà mệt.
Tiếng khóc của trẻ có bệnh như thét lên, từng cơn hoặc nhiều khi, lại chỉ là những tiếng rên rỉ yếu ớt.