Không thể trông cậy vào nguồn đông dược thu hái tự nhiên và để dứt bỏ sự lệ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu, nhiều công ty dược VN đã và đang gầy dựng lại những vùng nguyên liệu dược cổ truyền để chủ động và vững vàng bước đi trong chiến lược phát triển ngành đông dược hiện đại.
Giữ được hướng đi ấy cũng chính là cách tiếp nối và tôn vinh quan điểm tự chủ “Nam dược trị Nam nhân” của ông thánh thuốc nam Tuệ Tĩnh từ hơn sáu thế kỷ trước.
Chăm sóc cây tràm Úc – một dược liệu quý – trong khu bảo tồn dược liệu 25ha của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười – Ảnh: Dương Thế Hùng
Nay thì từ một nước xuất khẩu dược liệu có tiếng (với tiềm năng dược liệu đứng thứ hai trên thế giới), VN lại trở thành quốc gia nhập khẩu dược liệu, trong đó có cả những dược liệu bản địa hoặc từng được di thực, trồng thành công trên đất VN. Nhiều loại dược liệu quý hiếm đã tuyệt chủng hoặc nằm trong Sách đỏ… Và đã thấy không ít doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu cổ truyền điêu đứng vì sự lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn dược liệu nhập khẩu. Có thời điểm 85% dược liệu để sản xuất đông dược trong nước nhập về từ Trung Quốc.
Sự thể ấy xảy ra như một tất yếu khi nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú hoàn toàn bị phá bỏ. Vùng núi Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai) vào những năm 1972-1973 đều là rừng rậm, có nhiều loài cây thuốc quý như sâm vũ diệp, tam thất hoang, hoàng liên gai… song đến năm 1985 đã bị phá gần hết để trồng bắp và các loại cây khác. Cao nguyên An Khê (thuộc Gia Lai và Bình Định) trước kia vốn là trung tâm phân bổ lớn nhất VN của cây vàng đắng, hiện đã nằm dưới lòng hồ chứa nước thủy điện Vĩnh Sơn. Vùng phân bố tự nhiên của các loài cây thuốc quý như sâm ngọc linh, thiên niên kiện, cốt khí củ, ba kích, đẳng sâm, hoàng đằng, ngũ gia bì chân chim… cũng bị thu hẹp do nạn phá rừng và mất rừng. Một số vùng trồng cây thuốc truyền thống đã biến mất… Cây vàng đắng vào những năm 1980-1990 còn khai thác được từ 1.000-2.500 tấn/năm, từ năm 1995 đến nay gần như không còn. Các loại dược liệu như ba kích, đẳng sâm, các loại hoàng tinh thuộc chi Disporopsis và Polygonatum, bình vôi… vốn phân bố rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc nay đã vào Sách đỏ và Danh lục đỏ cây thuốc VN.
Trong tổng số 3.948 loài cây thuốc và nấm làm thuốc đã biết, chỉ có hơn 500 loài là cây thuốc được trồng với các quy mô khác nhau, trong đó chỉ có 44 loài đang được trồng với quy mô sản xuất. Tính cả các vùng trồng tạo nguyên liệu phục vụ trong nước và xuất khẩu thì tổng sản lượng dược liệu trồng trọt hằng năm của VN ước khoảng 3.000-5.000 tấn, chủ yếu là các giống dược liệu như thanh hao hoa vàng, quế, kim tiền thảo (1.100 tấn/năm).
Phòng sấy hấp cao khô của Danapha – Ảnh: V.Hùng
Tìm lại dược liệu VN”:
Theo dược sĩ Tạ Ngọc Dũng – tổng thư ký Hội Dược liệu, vấn đề hiện không chỉ là nguồn nguyên liệu mà còn rất khó đánh giá chất lượng dược liệu ở VN bởi chưa có cơ quan quản lý nhà nước chính thức (Cục Quản lý dược mới đang chuẩn bị thành lập phòng quản lý dược liệu). 80-90% thị trường dược liệu VN (giá trị 144 triệu USD/năm) hiện nay là hàng nhập khẩu và thanh tra Bộ Y tế từng xác nhận hiện tượng dược liệu bị chiết xuất bớt dược chất, chỉ còn là xác được nhập về VN. |
Năm 2005, Bảo Long – một trong những tên tuổi lớn về đông dược, hiện sản xuất trên 90 sản phẩm đông dược và mỹ phẩm thảo dược – đã tìm đến Sìn Hồ (Lai Châu) để trồng cây thuốc. 20ha đất mà tỉnh Lai Châu giao cho họ dần được khôi phục, dù tổng giám đốc Bảo Long Nguyễn Hữu Khai cho hay giá thành dược liệu trồng và thu hái tại Sìn Hồ hầu hết đều đắt gần gấp đôi so với giá dược liệu Trung Quốc ngoài thị trường, có loại đắt gấp chục lần. “Trên thị trường, nhiều loại dược liệu sinh trưởng 3-5 năm mới thu hoạch nhưng bị dùng chất kích thích nên chỉ vài tháng đến một năm đã thu hoạch, nhiều loại bị trộn thuốc bảo quản vượt tỉ lệ cho phép hàng chục lần để chống mốc, rồi bị tẩm cả tạp chất cho nặng cân, đẹp mã… Do vậy, dù giá thành rất cao, chúng tôi vẫn chủ trương trồng dược liệu sinh trưởng tự nhiên để có chất thuốc tốt, không sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu bệnh hay chất bảo quản”. Năm 2009, Bảo Long phát triển thêm Công ty Dược liệu Bắc Hà – Lào Cai để phục hồi nguồn dược liệu với chất lượng nổi tiếng ở đây mà trước kia từng xuất khẩu rất nhiều sang Trung Quốc. Nay họ đã trồng được 50 loại dược liệu trên tổng diện tích 25ha, thu hoạch khoảng 50 tấn dược liệu/năm.
Cũng như Bảo Long, BV Pharma – một doanh nghiệp dược non trẻ khác – đang ấp ủ nhiều dự án lớn về trồng và sản xuất thuốc từ dược liệu cổ truyền. Thành lập năm 2002, BV Pharma nay đã có nhà máy đầu tiên ở VN sở hữu dây chuyền chiết xuất bằng công nghệ phun sương, bào chế dược liệu từ cây thuốc để sản xuất các sản phẩm thuốc y học cổ truyền. Ngoài 20 sản phẩm đông dược và thực phẩm chức năng với nguyên liệu chiết xuất 100% từ thiên nhiên điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp, tiêu hóa, nội tiết, gan mật, giảm cân…, 20 sản phẩm cao khô dược liệu chất lượng cao của BV Pharma cũng đã được Bộ Y tế cấp visa như atisô, bìm bịp, biển súc, diếp cá, đinh lăng, hà thủ ô, kim tiền thảo… Đây cũng chính là nhà cung cấp nhiều loại dược liệu cho nhiều “ông lớn” của ngành dược như Traphaco, Dược Hậu Giang, Dược Đà Nẵng, Dược Nam Hà.
Cuối tháng 1 vừa qua, BV Pharma đã đệ trình xin cấp phép một dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược chữa ung thư và tim mạch từ dược liệu họ trồng, hướng tới tự túc 50% thuốc ung thư thiết yếu sản xuất tại VN. Khi hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất tối thiểu 10 loại hóa dược, cấu thành nên các thuốc chủ yếu trong điều trị ung thư, tim mạch, viêm gan B, C và ít nhất 15 sản phẩm thuốc chống ung thư, tim mạch. Để có nguyên liệu, BV Pharma đã và đang xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy này, gồm trang trại 50ha thông đỏ ở Tây nguyên, trại trồng cây dừa cạn 20ha ở Ninh Thuận, 1ha trại nuôi nấm vân chi ở Củ Chi (TP.HCM) hoặc Đà Lạt, 10ha cây bình vôi biển, 1ha cây bảy lá một hoa, 3ha trại nuôi bò cạp, rết, địa long, vùng trồng nghệ 100ha và vùng trồng hòe 100ha. Dược sĩ Nguyễn Tiến Hùng – chủ tịch HĐQT BV Pharma – tin rằng dự án này sẽ giúp hình thành ngành công nghệ hóa dược từ các hợp chất thiên nhiên của VN.
BV Pharma cũng đang xin thành lập Viện Nghiên cứu phát triển dược liệu và các hợp chất thiên nhiên Tây nguyên như một nơi có thể triển khai các kết quả nghiên cứu của các viện, trường, các nhà khoa học trong nước trong lĩnh vực dược liệu. Đi kèm viện dự kiến là một vùng trồng dược liệu với quy mô đủ phục vụ sản xuất công nghiệp (khoảng 500ha) với 100 loại dược liệu. “Giữa năm 2011, chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất sáu sản phẩm điều trị ung thư và tim mạch có nguồn gốc từ dược liệu VN” – ông Hùng cho biết. Khó khăn lớn nhất của việc thực hiện đề án này vẫn là nguồn vốn đầu tư và đất dành cho vùng nguyên liệu.
Từ hộp Dầu cù là đến nhà máy GMP:
Những năm đầu thập niên 1990, hộp dầu cù là nhãn hiệu Sao Vàng là món thuốc nhỏ không thể thiếu trong mỗi gia đình VN. Chẳng những vậy, nó giúp Công ty cổ phần dược Danapha, lúc ấy còn là một xí nghiệp dược phẩm nhỏ, trở thành đơn vị có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ nhờ được ưa chuộng ở những thị trường lớn như các nước Liên Xô cũ và Đông Âu. Nay không chỉ vẫn đứng vững với những cao dầu, ống hít Sao Vàng truyền thống, các mặt hàng đông dược mới như Tadimax, bài thạch, VG-5… của Danapha đã lần lượt tìm được đường vào.
Tháng 11-2010, Danapha đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đại đạt chuẩn GMP-WHO với công suất 140 triệu viên/năm tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng). Đông dược nay được sản xuất trong một quy trình tự động chuẩn khép kín, chất lượng sản phẩm được quản lý nghiêm ngặt. Sau hơn bốn tháng hoạt động, nhà máy này đã sản xuất trên 30 triệu viên thuốc đông dược của 15 dòng sản phẩm và được tiêu thụ hết, giá trị xuất khẩu đông dược tăng lên 38 tỉ đồng.
Chủ trương không xuất khẩu dược liệu thô mà tập trung vào các sản phẩm dược tinh chế, ngay trước khi đưa nhà máy trên vào hoạt động, Danapha đã xây dựng một vùng nguyên liệu 1,5ha ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nay được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Một vùng trồng dược liệu khác rộng 5ha ở khu vực trên cũng đang được xúc tiến hình thành với các phân khu ươm tạo giống – trồng, thu hái – sơ, chế biến với bốn loại cây chính là kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung, cỏ nhọ nồi và nhân trần. Dược sĩ Phùng Chất – giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Danapha – cho biết công ty ông sẽ hợp tác với hội nông dân các địa phương có vùng thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu thích hợp để mở rộng quy mô trồng. Trong đó Danapha hỗ trợ nông dân về nguồn cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và mua theo giá thị trường 100% sản phẩm của hộ gia đình tham gia dự án.
Vận động, hỗ trợ nhà nông trồng dược liệu:
Khôi phục những vùng dược liệu đủ cung ứng cho sản xuất dược ở quy mô công nghiệp đã trở thành một hướng đi được cả giới chuyên môn và cơ quan quản lý tán đồng. Vấn đề là “quy hoạch vùng trồng và có chính sách hỗ trợ người trồng, cam kết thu mua nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm” như đề xuất của GS.TS Phạm Thanh Kỳ – phó chủ tịch Hội Dược liệu VN. Ông Nguyễn Thế Viễn, một nông dân trồng cây thuốc kiêm người mua cây thuốc ở làng nghề Nghĩa Trai (Hưng Yên), cho hay bình quân thu hoạch/ha đất nông nghiệp ở đây từng đạt 166 triệu đồng, trong khi nông dân nhiều nơi chỉ mơ ước những cánh đồng 50 triệu đồng/ha.
Bà Vũ Thị Thuận, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco – một trong những doanh nghiệp sản xuất đông dược lớn nhất, cho biết họ giải quyết vấn đề rắc rối “được mùa lại mất giá và ngược lại” bằng cách ký trực tiếp với nông dân hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong vòng năm năm. Nông dân ổn đầu ra, doanh nghiệp ổn đầu vào, cộng thêm việc đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu để áp dụng mô hình trồng dược liệu sạch thì bốn nhà (nhà khoa học – doanh nghiệp – người nông dân – Nhà nước) ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau.
Tháng 5-2010, sau hội nghị quốc gia về dược liệu, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Y tế xây dựng và hoàn chỉnh 40 hồ sơ dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ dược liệu quế, tràm, atisô có triển vọng đầu tư và phát triển thành sản phẩm quốc gia trong thời gian tới. Bộ Y tế cũng được yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ về khoa học, kinh tế, y tế, sở hữu trí tuệ của ba sản phẩm quốc gia là hồi, sâm ngọc linh và trinh nữ hoàng cung nhằm phát triển sản phẩm quốc gia từ thuốc dược liệu có tính cạnh tranh cao. Nhiệm vụ đã giao, giờ chỉ còn chờ câu trả lời.
Người bệnh vẫn đặt nhiều niềm tin vào y học cổ truyền:
Tại TP.HCM có ba đơn vị điều trị bằng y học cổ truyền và rất đông bệnh nhân tìm đến, chứng tỏ người dân vẫn đặt nhiều niềm tin vào y học cổ truyền. Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền do vậy cũng rất lớn. Vấn đề là các công ty chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu, nhất là dược liệu sạch và chất lượng. Chúng ta cũng chưa có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc để đánh giá chất lượng từng loại dược liệu, phân loại thật giả hoặc dư lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong
dược liệu.
Các loại thuốc được sản xuất từ dược liệu (viên nang, nén, hoàn, cao, xirô, trà, tễ…) được bào chế thành các dạng tiện dụng giống như tân dược ngày càng nhiều, phần nào đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc muốn được thầy thuốc kê toa cho bệnh nhân sử dụng điều trị thì phải chứng minh được tính hiệu quả và khoa học của loại thuốc ấy qua các công trình nghiên cứu khoa học. Chúng tôi thường chọn các loại thuốc thành phẩm đông y được các công ty dược sản xuất đạt chuẩn GMP để kê toa cho bệnh nhân.