Chúng tôi tìm về huyện Kim Thành và Kinh Môn, Hải Dương – nơi được cho là đang nở rộ phong trào bắt đỉa – để tìm hiểu về công việc hấp dẫn nhưng cũng khiến nhiều người phải rùng mình này.
Chuyện của 10 năm trước:
Đến nhiều xã của huyện Kinh Môn, khi chúng tôi hỏi chuyện thì tất cả bà con nông dân đều ngơ ngác và không tin một con đỉa có thể bán được 10 nghìn đồng. Họ khẳng định là xã mình chưa bao giờ có chuyện đi bắt đỉa để bán và cũng chẳng có ai…. rỗi hơi đi thu mua cái con vật chuyên hút trộm máu mà nhà nông ghét cay ghét đắng đó.
Những con đỉa này liệu có trở thành nguồn thu bạc triệu đối với người nông dân?.
Trước thông tin của phóng viên, thậm chí một số bà con còn xin số điện thoại của chúng tôi để liên lạc… nhờ bán đỉa nếu may mắn vớ được con nào khi đi làm đồng.
Lọ mọ qua mấy xã, mãi đến khi đặt chân đến Hoành Sơn, tôi mới được một chị nông dân tên Soạn ở thôn 2, xóm 4 cho biết đã từng biết đến phong trào này từ cách đây cả chục năm trời.
Chị Soạn nhớ lại: “Vào khoảng đầu những năm 2000, ở xã tôi cũng có một số người chuyên đi bắt đỉa để bán cho các thầy lang làm thuốc. Họ chỉ bắt loại đỉa hút máu hay bám vào chân người đi làm đồng chứ không bắt loại đỉa đui không hút máu.
Sau khi bắt được đỉa về, họ cuốn đỉa vào lá khoai lang cùng với một số vị thuốc rồi bọc đất sét ở ngoài, sau đó cho vào đốt đến khi nào thành than mới thôi. Thứ than đó họ dùng để bôi ngoài da chữa một số bệnh như tổ đỉa, vẩy nến… Cậu em trai tôi lúc đó thường bảo tôi nếu đi làm đồng bắt được đỉa thì cứ mang sang cậu ấy bán hộ. Lúc đó, một con đỉa người ta đã mua với giá 10 nghìn đồng”.
Thế nhưng đã gần chục năm nay, chị Soạn chưa bao giờ bị đỉa cắn. Chị bảo: “Giờ thỉnh thoảng đi làm đồng, tôi chỉ gặp loại đỉa không hút máu người, còn loại đỉa kia thì tiệt không thấy con nào. Tôi cho rằng đấy là do những năm gần đây người ta phun thuốc sâu nhiều quá nên đỉa cũng không sống nổi. Những loài đỉa không hút máu người thì thường sống ở mương nước, không gần khu vực trồng trọt nên mới còn tồn tại. Cũng từ ngày ấy đến nay, tôi không còn thấy ai đi bắt đỉa làm thuốc như trước nữa”.
Đỉa “tuyệt chủng” vì thuốc sâu?.
Thấy chúng tôi hỏi đường sang xã Thăng Long – nơi được người dân mách là chuyên bán đồ thủy, hải sản sang Trung Quốc, chị Soạn chân tình khuyên: “Các chú đi tốn công sức thôi. Ở chỗ tôi nước ngọt nhất tỉnh mà còn không có đỉa thì các nơi khác lấy đâu ra. Với lại, nếu có phong trào rầm rộ thế thì nông dân chúng tôi kiểu gì chẳng biết”.
Trước thông tin nhiều nông dân ở tỉnh Lào Cai cũng phát tài nhờ việc bắt đỉa bán sang Trung Quốc, ông Trần Ngọc Lâm – một người từng sống và học nghề thuốc ở Trung Quốc hơn 10 năm, hiện đang sống ở Lào Cai cho biết: “Dù đã đi qua rất nhiều tỉnh của Trung Quốc để học nghề thuốc nhưng tôi chưa từng chứng kiến người bản địa chế thuốc từ đỉa bao giờ. Ở Lào Cai thỉnh thoảng cũng lác đác thấy có người bảo chỗ này chỗ kia mua đỉa để làm thuốc thôi chứ nếu bảo mua bán với số lượng lớn và hình thành phong trào bắt đỉa trong nông dân thì chắc chắn là không có”.Từ Kinh Môn, qua chuyến phà chiều sang huyện Kim Thành, chúng tôi tiếp tục thất vọng khi không tìm được vùng quê nào có phong trào bắt đỉa. |
Đúng như lời chị Soạn, dù hỏi thăm rất nhiều người dân ở xã Thăng Long, chúng tôi cũng không thể tìm được một ai biết đến công việc lạ lẫm này. Chị Phạm Thị Xuân ở xã Thăng Long cho biết: “Ngày xưa ruộng chúng tôi chỉ làm 2 vụ một năm thì còn thấy có đỉa, chứ giờ ngoài 2 vụ còn trồng 1 vụ màu, thuốc sâu phun suốt như thế thì đỉa nào sống nổi. Lâu lắm rồi tôi chẳng thấy một con đỉa nào ngoài ruộng cả”.
Đang lúc mệt mỏi tràn trề thì một anh bạn đồng nghiệp ở Hà Nội gửi cho một thông tin đủ hâm nóng lại bầu nhiệt huyết vừa nguội lạnh. Trong mục Mua bán ngành chăn nuôi trên website Agriviet.com (Nhànông.com) có một người tên là Bùi Bá Vương ở đội 8, thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương có rao bán đỉa làm thuốc.
Liên hệ qua điện thoại, người đàn ông này cho biết anh ta chỉ rao hộ một người bạn ở Hải Phòng chứ không phải người trực tiếp bắt, thu gom hay chăn nuôi đỉa. Khi chúng tôi xin số điện thoại của người bạn ở Hải Phòng thì Vương bảo đã mất số hơn một tháng nay nên chưa có cách nào liên lạc được.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Xoang – cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết cũng chỉ mới nghe đến việc người dân ở một số huyện trên địa bàn tỉnh đi bắt đỉa để bán chứ cũng chưa nhìn thấy trực tiếp hoạt động này.
Theo Nguyễn Thắng (Dân Việt”)