Nhắc tới xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chợ vải – nơi cung cấp mặt hàng vải vóc, quần áo lớn nhất, nhì miền Bắc với giá siêu rẻ, nhưng ít ai biết rằng, Ninh Hiệp còn có một thôn cũng sôi động không kém bởi nghề làm thuốc bắc, thuốc nam “tung hoành” bốn phương – Đó là thôn 8, còn gọi là thôn Ninh Giang.Nhà nhà làm thuốc, người người buôn thuốc:
“Ở Ninh Giang, có đến 60% số hộ chuyên làm nghề chế biến dược liệu. Còn số hộ có thu nhập liên quan đến dược liệu thì 100% các gia đình trong làng. Thuốc nam, thuốc bắc ở phố Lãn Ông trên Hà Nội cũng đều là của người làng tôi cả đấy!”. Ấy là cách mà ông Lâm Văn Thôn, Trưởng thôn Ninh Giang giới thiệu về nghề cổ quê mình. Quả thực, tiếng là làng ngoại thành nhưng thôn Ninh Giang không khác gì các phố trong nội thành bởi nhà cao tầng mọc lên san sát. Duy có điều, khắp trong nhà ngoài ngõ đều thơm mùi dược liệu, mỗi gia đình như một xưởng dược liệu, ngổn ngang các loại thuốc. Theo Trưởng thôn Lâm Văn Thôn, chúng tôi đến thăm một gia đình làm thuốc trong làng. Đó là nhà ông Lê Văn Điện, Chi hội trưởng Hội Làng nghề thuốc của thôn. Trong ngôi nhà bề thế, ông Điện cho hay gia đình ông có truyền thống làm thuốc từ nhiều đời. Nay đại gia đình tất cả các con cháu đều giữ nghề này.
|
Nhiều cửa hàng bốc thuốc bắc trên phố Lãn Ông nhập dược liệu từ thôn Ninh Giang. Ảnh: Phương An |
Bên ấm trà xanh, chúng tôi được người làng kể cho nghe về nghề truyền thống quê mình. Tương truyền, thời Lý, có bà Thái Lão người từ nơi khác đến, giàu lòng nhân ái, giỏi nghề thuốc nam chữa bệnh cứu người. Một hôm khi qua vùng đất Ninh Hiệp, thấy đất đai phì nhiêu, dân làng cần cù, bà đã ở lại dạy dân làm nghề thuốc. Nhờ có công lao truyền nghề, bà được triều đình phong là Lý Nhũ Thái Mẫu Dược sư thần linh. Tại đình làng Ninh Giang còn khắc đôi câu đối: “Y pháp tinh thông, cứu bệnh, cứu nhân danh bất hủ/ Dược phương năng đạt, thọ dân, thọ thế nãi phi thường”.
Ông Nguyễn Bá Hướng, Bí thư Chi bộ thôn Ninh Giang nhớ lại: “Những năm còn bao cấp, cánh đồng thôn Ninh Giang bát ngát bạch chỉ, ngưu tất, sinh địa…”. Người Ninh Giang tự hào rằng người làng có nhiều kinh nghiệm, chỉ cần nhìn cây là biết giá trị để mua. Đầu năm 2010, Ninh Giang đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề thuốc bắc, thuốc nam truyền thống. Làng nghề phát triển mạnh, người sống bằng nghề làm ruộng ở làng đã giảm nhiều, nhưng hầu hết không có ai xa quê. Con gái làng lấy chồng cũng đưa chồng về quê mà truyền dạy nghề làm thuốc.
Giàu có… và những băn khoăn, trăn trở:
Có thể khẳng định rằng Ninh Hiệp là nơi chế biến và trung chuyển thuốc đông y lớn vào hàng nhất nhì miền Bắc. Theo Trưởng thôn Ninh Giang, toàn thôn có 254 hộ chế biến thuốc, tạo doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chiếm gần 80% tổng doanh thu toàn thôn. Giờ thì dân Ninh Giang không trồng cây thuốc nữa, mà toả đi khắp nơi để thu gom dược liệu… Hễ nơi nào có dược liệu làm thuốc đều có người Ninh Giang đến thu mua. Theo ông Hướng, người Ninh Giang chế biến khoảng 3.000 vị thuốc khác nhau, mỗi hộ tập trung vào một vài sản phẩm thế mạnh. Thuốc sau khi sơ chế tại làng được bán cho các công ty dược, các lương y… Có nghề truyền thống, người dân không chỉ có cuộc sống khá, mà còn rèn được tính năng động, nhạy bén, hoạt bát trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, làng nghề Ninh Giang hiện nay cũng đang đứng trước nhiều thử thách mới. Đất đai chật chội, không ít hộ phải phơi thuốc dọc đường… mà mỗi lần xe máy, ô tô chạy qua, cát bụi lại cuốn lên, không bảo đảm vệ sinh môi trường. “Sản xuất giữa khu dân cư quả là chuyện vạn bất đắc dĩ. Được biết ý tưởng xây dựng điểm công nghiệp làng nghề đã được địa phương triển khai nhưng chưa thành, người dân chúng tôi vẫn mong ngóng hằng ngày” – ông Lâm Văn Thôn băn khoăn. Mặt khác, chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống là chưa đủ, với hàng trăm hộ dân làm nghề thì sự quan tâm, giúp đỡ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của ngành y tế cũng như các đơn vị kinh doanh dược trong bảo quản và chế biến, là rất cần thiết, giúp người dân đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất để phát triển, lưu giữ những tinh hoa của làng nghề nghìn năm tuổi.
Theo Hanoimoi