Chứng Thận khí hư là tên gọi chung cho nguyên khí trong Thận hư suy nên xuất hiện các chứng trạng về công năng của Thận bị giảm sút; Bệnh phần nhiều do tiên thiên bất túc, lao tổn quá độ, ốm lâu liên lụy đến Thận gây nên.
Lâm sàng biểu hiện chủ yếu là thính lực giảm, tai ù, choáng váng, lưng gối yếu mỏi, ban đêm hay tiểu tiện, hoạt tinh tảo tiết, lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng, mạch Tế Nhược.
Chứng Thận khí hư thường gặp trong các bệnh Nhĩ minh, Nhĩ lung, Hư lao, Yêu thống, Dương nuy, Di tinh, Huyễn vậng.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận dương hư, Thận khí không bền và chứng thận không nạp khí.
Phân tích
Chứng Thận khí hư khi xuất hiện trong bệnh Yêu thống, đặc điểm biểu hiện có chứng trạng lưng đau mỏi dai dẳng không dứt, gặp mệt nhọc thì bệnh tăng, đi nằm thì đỡ đau. Phần nhiều do những nhân tố ốm lâu, tuổi cao và phòng dục hư tổn dẫn đến Thận khí hư suy. Mục Mạch yếu tinh vi luận sách Tố Vấn nói: “lưng là phủ của Thận, nếu xoay chuyển khó khăn là Thận sắp suy bại”. Điều trị nên bổ Thận mạnh lưng, chọn dùng bài Thanh nga hoàn (Cục phương) hợp với Tả qui hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư).
Nếu trong các bệnh Nhĩ minh, Nhĩ lung và Huyễn vậng xuất hiện chứng Thận khí hư, có thể thấy các chứng trạng tai ù, tai điếc, hoa mắt, chóng mặt, tinh thần uỷ mị, lưng yếu mỏi. Thận chủ về tai, Thận hư thì tinh không dâng lên cho nên thính lực giảm. Trương Cảnh Nhạc nói “không hư thì không gây chóng mặt”. Thận hư thì thủy suy mà Mộc chao đảo, cho nên chóng mặt; Điều trị nên bổ Thận bổ hư, chọn dùng bài Nhĩ lung tả từ hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết)hoặc Hữu qui hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư).
Trong bệnh D xuất hiện chứng Thận khí hư, thấy các chứng trạng liệt dương, di tinh tảo tiết, sinh lý giảm sút, tinh thần mệt mỏi, tay chân yếu, choáng váng; Bệnh phần nhiều do buông thả tình dục, phòng lao hại Thận gây nên, chọn dùng các bài Ban long hoàn (Y thống phương) Kim toả cố tinh hoàn (Y phương tập giải).
Trong bệnh Hư lao xuất hiện chứng Thận khí hư, có các chứng trạng choáng đầu, ù tai, giảm thính lực, lưng gối mỏi, hay tiểu tiện về ban đêm; điều trị nên đại bổ nguyên khí, cho uống bài Hà sa đại tạo hoàn (Y phương tập giải).
Những loại tật bệnh nói ở trên tuy đều có thể xuất hiện trong chứng Thận khí hư, nhưng biểu hiện lâm sàng có nặng nhẹ khác nhau, nên phân tích kỹ.
Chẩn đoán phân biệt
Chứng Thận dương hư với chứng Thận khí hư, cả hai đều thuộc Thận hư, nhưng chứng Thận khí hư lệ thuộc vào thận dương hư. Chứng Thận dương hư là do Thận khí hư phát triển thêm một bước mà thành. Nguyên nhân bệnh của hai chứng cơ bản giống nhau, như tiên thiên phú bẩm không đầy dủ, hoặc tuổi cao Thận khí suy dần, hoặc ốm lâu dai dẳng liên lụy đến Thận, hoặc lao thương quá độ, Thận nguyên suy hao, cũng có cả những chứng trạng cộng đồng; như Thận chủ về tai, Thận hư thì ù tai, thính lực giảm; Lưng là phủ của Thận. Thận khí bất túc thì lưng gối mềm yếu. Thận quản lý đại tiểu tiện, Thận hư thì Bàng quang co thắt kém cho nên ban đêm tiểu tiện nhiều lần và di tinh. Hai chứng khác nhau ở chỗ chứng Thận khí hư còn chưa đạt đến mức độ thương dương, cho nên nói chung chưa xuất hiện Thận dương hư hàn như sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch Trì v.v… căn cứ vào đó mà phân biệt.
Chứng Thận khí không bền với chứng Thận khí hư, cả hai đều có cơ chế bệnh Thận khí hư, khác nhau là ở chỗ chứng Thận khí không bền là do nhân tố nội thương hoặc bị ốm lâu khiến cho Thận khí bị hại. Thận chủ khí hoá mà chứa tinh, Thận khí hư tổn thì mất chức năng khí hoá; Thận khí mất sự kín đáo thì âm tinh tiết ra ngoài. Vì Thận khí hư không đầy đủ, cho nên chất lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế nhất là ở bộ Xích có mạch Nhược đột xuất. Sách Nhân trai trực chỉ phương có nói: “Thận với Bàng quang đều hư, khí ở trong không dồi dào cho nên trong Phù có hiện tượng Hoạt, bài tiết nhiều mà sắc mặt nhợt, vì thế mà hiện tượng âm hư xảy ra nhiều về ban đêm”. Lại nói: “Hạ tiêu hư hàn không đủ sức ấm để khống chế thủy dịch, cho nên tiểu tiện không tự chủ” có thể thấy chứng Thận khí không bền lấy chứng trạng ở Hạ tiêu làm chủ yếu, rất ít có chứng trạng thanh dương không thăng ở Thượng tiêu. Nhưng chứng Thận khí hư thì không thế, chẳng những có các chứng trạng Thận khí không bền như đêm đi tiểu tiện nhiều lần, hoạt tinh tảo tiết, mà còn có cả các chứng trạng Thận khí không đủ ấm nuôi dưỡng não tủy như choáng váng, ù tai, tai điếc. Có thể thấy khá rõ ràng chứng Thận khí không bền có các chứng trạng ở Hạ tiêu khá đột xuất và khá nặng.
Chứng Thận không nạp khí với chứng Thận khí hư: Chứng Thận không nạp khí phần nhiều do mệt nhọc tình dục hại Thận, hoặc là sau khi ốm nặng, Thận khí tản mác, hoặc ho suyễn lâu ngày, bệnh Phế liên lụy tới Thận. Thận chủ về nạp khí, nguyên khí của Thận bị tổn thương, khí mất sự nhiếp nạ thì thở vào không về tới gốc, khí nghịch dồn lên mà thành suyễn. Biểu hiện lâm sàng có đặc điểm chứng trạng suyễn thở đoản hơi, hơi thở không tiếp nối, thở ra nhiều, hút vào ít, động làm thì suyễn nặng, thậm chí vã mồ hôi, tay chân lạnh, mặt tái, môi tím tái. Cơ chế bệnh của chứng Thận khí hư giới hạn ở nguyên khí chính tạng Thận hư yếu gây bệnh, không có tình trạng nguyên khí mất sự thu nạp dồn lên Phế gây nên chứng trạng khái suyễn.
Trích dẫn y văn
Thận chứa tinh. Tinh hợp với chí. Thận khí “hư” thì Quyết, “thực” thì trướng (Bản thần – Linh Khu).
Khó đại, tiểu tiện, ăn uống như thường, lưng và chân nặng nề, rốn và bụng đau, xem mạch tay tả và hữu, trong bộ Xích có mạch Phục và sắc, đó là bên dưới “Thực”. Đại, tiểu tiện khó, ăn uống lúc khá lúc kém, lưng và chân nặng nề, như ngồi trong nước, đi lại khó khăn, khí xông lên trên, mộng mị nguy hiểm, khám mạch trong bộ Xích hai tay tả và hữu thấy Hoạt và Sác, đó là bên dưới “Hư” (Trung Tàng Kinh).