Việc thiết lập một môi trường an toàn tại nhà cần được tiến hành thậm chí trước cả khi trẻ chào đời. Khi bé lớn dần lên và bắt đầu di chuyển khắp mọi nơi, bạn cần nhanh chóng tạo cho mình thói quen phát hiện các vật nhỏ có thể có trên sàn nhà, cất những đồ dễ vỡ và cài chốt cửa cẩn thận.
Khi bé đã có thể tự ngồi và sử dụng bàn tay để khám phá và cảm nhận mọi thứ (từ khoảng 6 tháng tuổi), bạn cần đảm bảo rằng toàn bộ ngôi nhà đã được thiết lập “an toàn cho trẻ nhỏ”, và chúng cần được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn phát triển của bé: bé có thể di chuyển xa và nhanh đến đâu, có thể với đến tầm cao nào, và những đồ vật thu hút sự chú ý của bé cũng sẽ dần thay đổi. Dưới đây là một vài chỉ dẫn an toàn cho bạn:
- Trong vài tháng tuổi đầu tiên: Ngay khi trẻ đã thành thục động tác cho các đồ vật vào miệng, các bé sẽ luôn sử dụng cách này để nhận biết mọi thứ. Do đó, bạn cần đảm bảo rằng đồ chơi luôn có kích cỡ đủ lớn để trẻ không thể cho hoàn toàn vào miệng được. Bên cạnh đó, toàn bộ đồ chơi của trẻ phải là loại không chứa chất độc hại và bền, không có những bộ phận nhỏ hoặc nhọn, không có dây hay dải. Các loại dây hoặc dải có thể bị mắc vào chỗ nào đó và làm thít cổ trẻ. Khi mua đồ chơi cho bé, bạn cần kiểm tra nhãn mác trên đồ chơi hoặc hộp đựng đồ chơi để nắm được những khuyến cáo về độ tuổi phù hợp.
- Từ 6-18 tháng. Khả năng phối hợp các bộ phận cơ thể của trẻ sẽ ngày càng phát triển rõ rệt, trẻ đã có thể tự ngồi và ngày càng di chuyển nhiều hơn, do đó đòi hỏi bạn phải để mắt đến con thường xuyên hơn. Việc đều đặn kiểm tra tất cả các phòng nhằm loại trừ những mối nguy tiềm ẩn là vô cùng quan trọng ở độ tuổi này. Sự tò mò của trẻ đối với thế giới xung quanh phát triển nhanh hơn cả chính cơ thể các bé, và khả năng khám phá của trẻ sẽ tăng tiến theo từng ngày. Hãy luôn luôn kiểm tra không gian chơi của bé, để đảm bảo rằng bé không thể cầm những vật mà bạn không hoàn toàn yên tâm về độ an toàn của chúng khi bé chỉ có một mình. Khi bé tóm được những vật không an toàn như ví của bạn, hãy đổi cho bé một vật khác mà bé được phép chơi (như một quyển sách) để đánh lạc hướng sự chú ý của bé.
- Trẻ từ 1-3 tuổi. Các biện pháp phòng ngộ độc là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với trẻ trong độ tuổi này bởi khả năng di chuyển cũng như độ tò mò tăng tiến của trẻ, cùng với nguy cơ trẻ có thể uống hoặc ăn ngay cả những chất có mùi vị tệ hại nhất. Nếu có thể, hãy loại bỏ mọi mối nguy hoặc giữ cho trẻ tránh xa chúng nếu bạn cảm thấy có mối đe dọa rình rập. Với những tình huống nguy hiểm, ví dụ như lò sưởi điện đang bật, hãy nói “không” một cách nghiêm túc và cứng rắn với bé, đồng thời giải thích cho bé hiểu rõ lý do (ví dụ, bạn có thể nói: “Không! Lò sưởi đang RẤT NÓNG”) và ngay lập tức di chuyển vật nguy hiểm ra khỏi chỗ của bé hoặc đưa bé ra xa khỏi chúng để cho bé hiểu rõ sự kiên quyết của bạn, rằng những tình huống hoặc đồ vật như vậy là không thể nhân nhượng được.
- Trẻ từ 3-6 tuổi. Hãy thiết lập những quy tắc an toàn cho trẻ và thường xuyên nhắc nhở bé, cũng như luôn tỏ thái độ kiên quyết. Bạn nên giải thích rõ cho trẻ hiểu lý do và vẫn luôn phải cẩn thận giám sát nhằm tránh cho trẻ gặp phải những tình huống nguy hiểm.
Phòng ngộ độc
Cứ mỗi ngày lại có khoảng 300 trẻ từ 1-19 tuổi phải vào các trung tâm cấp cứu do bị nhiễm độc, và có khoảng 2 ca bị tử vong. Những sản phẩm chăm sóc cá nhân, mĩ phẩm và các chất tẩy rửa gia dụng là những nguyên nhân phổ biến gây ra ngộ độc ở trẻ em, trong đó các loại thuốc không cần kê đơn là nguyên nhân hàng đầu. Mặc dù nhìn chung các sản phẩm này khá an toàn với người lớn, song những loại không cần kê đơn như viên bổ sung vitamin và khoáng chất (đặc biệt là những viên chứa sắt), thuốc aspirin, acetaminophen và các loại thuốc nhuận tràng thường gây ra những phản ứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng ở trẻ em, do kích thước cơ thể của các bé nhỏ hơn so với liều dùng của người lớn, và do nguy cơ trẻ rất dễ uống cả lọ thuốc. Sau đây là những điều bạn cần làm để trẻ được an toàn đối với những sản phẩm có nguy cơ gây hại.
- Cất tất cả các loại thuốc và vitamin ở những nơi có khóa, an toàn và ở trên cao và xa khỏi tầm mắt và tầm với của trẻ, đồng thời loại bỏ chúng ngay khi không còn sử dụng. Bạn không nên để thuốc trong ví hoặc túi quần, áo và không cho trẻ nghịch túi xách hay ví của người khác. Trẻ em luôn có khả năng kỳ lạ trong việc tìm ra những đồ tiềm ẩn nguy cơ độc hại, kể cả ở những nơi ít có khả năng xuất hiện nhất.
- Mua và cất các loại thuốc vào chính bao hoặc hộp của chúng với phần nắp được thiết kế để trẻ nhỏ không mở được và luôn cất chúng vào các tủ có khóa an toàn.
- Không nên uống thuốc trước mặt trẻ, vì các bé có thể sẽ bắt chước bạn và không bao giờ gọi thuốc hay các loại vitamin là “kẹo” để cố dỗ trẻ uống. Luôn luôn kiểm tra nhãn mác trước khi cho trẻ uống để đảm bảo rằng bạn cho trẻ uống đúng loại thuốc và đúng theo liều được hướng dẫn.
- Đọc kĩ nhãn mác của tất cả các loại sản phẩm tẩy rửa gia dụng trước khi quyết định mua để chọn được loại an toàn nhất có thể và chỉ nên mua khi bạn thật sự cần sử dụng đến chúng.
- Rất nhiều loại mĩ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân có thể tiềm ẩn nguy cơ độc hại đối với trẻ, vì thế hãy luôn cất chúng trong các hộp được thiết kế để trẻ không mở được và để xa khỏi tầm với của.
- Các loại đồ uống có cồn cần được cất trong những ngăn tủ ở trên cao, còn trong các bữa tiệc có dùng đồ uống có cồn, các loại cốc phải được đổ hết đồ uống thừa và rửa sạch ngay sau khi tan tiệc.
- Không bao giờ được hút thuốc gần trẻ em, bất kể là ở trong nhà, trên xe ô tô, hay ở trong nhà hàng. Việc hít phải khói thuốc bị động sẽ gây hại cho trẻ và làm tăng nguy cơ bị viêm tai, hen suyễn, đau đầu, cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác của trẻ. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ gây bỏng cho trẻ và những người khác. Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng trẻ luôn nhìn vào tấm gương là bạn, nên nếu bé nhìn thấy bạn hút thuốc, bé cũng sẽ muốn thử hút thuốc giống bạn. Nếu bạn thật sự không thể bỏ thuốc được, hãy đảm bảo rằng luôn cất các loại thuốc lá ra xa tám với của bé. Hầu hết các dạng thuốc lá như thuốc lá điếu, xì gà, mẩu thuốc lá đã hút dở, thuốc lá dạng tẩu hoặc dạng nhai, dạng hít, các sản phẩm có chứa nicotine giúp cai thuốc lá như kẹo cao su, miếng dán hay lọ xịt, dù ở bất kì lượng nào đều có thể gây ngộ độc nếu trẻ ăn phải.
- Bạn không bao giờ nên cất các loại hóa chất tẩy rửa hoặc hóa chất làm sạch ở dưới tủ bếp hoặc đặt trong nhà tắm nếu không có các tủ đựng có lắp chốt an toàn tự động khóa khi đóng. Loại chốt này có bán ở rất nhiều cửa hàng. Các loại hóa chất tẩy rửa hoặc bột giặt, nước giặt phải được cất trong những tủ ở trên cao và có khóa cẩn thận thay vì để trên mặt máy giặt hoặc máy sấy, còn gói thuốc tẩy hay bột giặt, nước giặt dùng một lần cần được đặt trong hộp được thiết kế để trẻ không mở được, đặt xa khỏi tầm mắt và tầm với của trẻ. Chốt an toàn rất hữu ích trong việc ngăn không cho trẻ nghịch những đồ dùng tiềm ẩn nguy cơ, song chúng vẫn không thể hoàn toàn đảm bảo rằng không có mối nguy nào và bạn vẫn luôn cần phải giám sát trẻ thật cẩn thận.
Các loại đồ dùng để trong gara như sơn, sơn véc ni, dung môi pha sơn, thuốc trừ sâu, các sản phẩm dầu và phân bón cần phải được cất ở trong tủ có khóa ở trên cao. Ngoài ra, các loại hóa chất này luôn phải được đựng đúng trong hộp chứa gốc của chúng với nhãn mác đầy đủ. Bên cạnh đó, các loại dụng cụ cũng phải được cất ở những khu vực an toàn, ngoài tầm với của trẻ và được khóa cẩn thận, những thiết bị sử dụng điện luôn phải được rút khỏi ổ cắm và cất vào tủ có khóa khi không dùng đến. Bạn cũng nên hạn chế cho trẻ chơi gần gara, và phải cẩn thận khi dùng điều khiển đóng mở cửa gara, đảm bảo rằng cơ chế tự động đảo chiều đã được thiết lập chính xác.
Dán số điện thoại cấp cứu lên chỗ gần điện thoại cố định trong nhà, và lưu vào trong điện thoại di động của bạn, đồng thời hướng dẫn cho người trông trẻ hoặc những người chăm sóc cho bé biết cách sử dụng những số điện thoại này đúng lúc và đúng cách.