Nhận định chung
Nhiễm khuẩn sơ sinh là tình trạng tổn thương viêm của một hay nhiều cơ quan trong cơ thể do nhiễm trùng gây ra ở thời kỳ sơ sinh. Mặc dù có những phương pháp điều trị hiện đại với những kháng sinh mới ra đời nhưng tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn vẫn cao. Tỷ lệ tử vong của nhiễm khuẩn sơ sinh sớm dao động từ 25 – 50% số trẻ bị nhiễm khuẩn.
Phác đồ điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh
Kháng sinh chống nhiễm khuẩn
Lựa chọn kháng sinh
Đối với nhiễm trùng sơ sinh sớm: Dùng 2 loại kháng sinh kết hợp: β lactamine và Aminoside. Khi chưa có kết quả kháng sinh đồ có thể cho Peniciline hoặc Ampiciline phối hợp với Getamycine hoặc Amikacine. Nếu người mẹ được sử dụng kháng sinh trước đó mà trẻ nghi ngờ nhiễm vi khuẩn kháng Ampiciline (E.coli, Enterobacter) chọn: Claforn, Ceftriaxone, Imepenem phối hợp Aminoside.
Trường hợp nhiễm trùng mắc phải ( nhiễm trùng muộn):
+ Nếu nghi ngờ do tụ cầu: kết hợp 3 loại kháng sinh: Cephalosporine thế hệ 3 + Vancomycine + Aminoside.
+ Nếu nghi ngờ trực khuẩn Gram(-):Cephalosporine thế hệ 3 + Imepenem. Đôi khi Quinolon phối hợp Aminoside hoặc Colymixin.
+ Nếu nghi ngờ vi khuẩn kỵ khí chọn Metronidazol phối hợp. Sử dụng kháng sinh Cephalosporine thế hệ 3 rộng rãi, kéo dài là một yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn nấm Candida. Nếu trẻ đang dùng kháng sinh kéo dài mà tình trạng lâm sàng xấu đi thì phối hợp kháng sinh chống nấm nhóm Conazol. Khi có kháng sinh đồ thì phải điều chỉnh lại kháng sinh cho phù hợp.
Liều kháng sinh thường dùng
Ampiciline: 75mg -100mg/kg/ngày.
Cefotaxime: 100mg – 200mg/kg/ngày.
Ceftriaxone: 50-100mg/kg/ngày.
Amikacine: 15mg/kg/ngày.
Gentamycine, Kanamycine: 4-5mg/kg/ngày.
Vancomycine: 10mg/kg/ngày.
Thời gian sử dụng kháng sinh
Nhiễm trùng máu: 10 ngày.
Viêm màng não mủ: 14-21 ngày.
Viêm phổi: 7-10 ngày.
Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn máu nhưng cấy máu (-) thì đề nghị sử dụng kháng sinh kết hợp kéo dài > 5 ngày.
Nếu do tụ cầu vàng: thời gian điều trị từ 3-6 tuần. Khi sử dụng nhóm Aminoside có thể gây điếc nên không dùng quá 7 ngày đối với trẻ sơ sinh, ngừng > 48 giờ có thể sử dụng đợt mới.
Vệ sinh
Rửa tay sạch, sát khuẩn tay nhanh khi chuyển sang tiếp xúc trẻ khác.
Thay quần áo Blue hàng ngày, có mũ, khẩu trang, găng tay khi làm thủ thuật.
Thay chăn, ga, gối vô khuẩn, tiệt khuẩn giường, lồng ấp hàng ngày. Lau sàn nhà bằng thuốc sát khuẩn, không được quét sàn.
Hàng tháng có lịch tổng vệ sinh tiệt khuẩn phòng, phương tiện, trang thiết bị.
Nằm phòng riêng tránh tiếp xúc người nhà, chỉ nên thăm theo giờ.
Loại bỏ vi khuẩn: với nhiễm trùng da, rốn, mụn mủ, áp xe phải cắt lọc hết tổ chức hoại tử, dẫn lưu mủ, rửa sạch bằng nước muối sinh lý. Nếu có khe, hốc nhiều thì rửa sạch bằng oxy già, lau khô và dùng thuốc Betadine 2,5% sát trùng tại chỗ. Chấm xanh Methylen vào nốt mụn phỏng trên da hoặc bôi kem kháng sinh.
Liệu pháp hỗ trợ
Cân bằng thân nhiệt
Nếu trẻ sốt ≥ 38,50 thì dùng Paracetamol: 10-15mg/kg/1 lần, không quá 4 lần / ngày.
Nếu trẻ bị hạ nhiệt độ < 36,50: ủ ấm bằng lồng ấp hoặc Kanguru.
Cân bằng nước, điện giải, toan kiềm
Nuôi dưỡng đường miệng đầy đủ, truyền dịch phối hợp 50-100ml/kg/24 giờ.
Nếu có giảm tưới máu: dùng Dopamin 5-15µg/kg/1 phút để nâng huyết áp.
Chống suy hô hấp cấp
Oxy liệu pháp,thở CPAP, hô hấp hỗ trợ.
Chống rối loạn đông máu
Plasma tươi, truyền yếu tố đông máu, Vitamin K1. Truyền khối tiểu cầu khi tiểu cầu < 50.000/mm3 mà có xuất huyết hoặc tiểu cầu < 30.000/mm3 mặc dù không có xuất huyết.
Thay máu
Thay máu một phần trong trường hợp nhiễm trùng nặng, có tác dụng giảm độc tố và nồng độ vi khuẩn.
Thuốc tăng cường miễn dịch
Truyền Human Immunoglobulin liều 300-500mg/kg/ngày x 3 ngày: có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong trẻ nhiễm trùng.