Căn nguyên

Các chất gây dị ứng là các kháng nguyên hoàn toàn hoặc không hoàn toàn (hapten). Đôi khi, dị ứng là do chất chuyển hoá của thuốc hoặc do tá dược gây ra. Có miễn dịch chéo giữa các thuốc có gốc hoá học chung (gốc penicilloyl của các penicillin và các cephalosporin) hoặc thuộc cùng một nhóm hoá học (barbituric, sulfamid).

Triệu chứng

MẪN CẢM: (thời gian tiềm tàng sau khi dùng thuốc lần đầu): cần ít nhất 7-10 ngày để bệnh nhân mẫn cảm với một thuốc nhưng trong thực tế, nhiều phản ứng dị ứng xảy ra sau nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau lần dùng thuốc đầu tiên. Nếu các phản ứng xảy ra vài giờ sau khi dùng thuốc thì bệnh nhân đã được mẫn cảm với thuốc đó từ trước.

CÁC LOẠI PHẢN ỨNG KHI DÙNG THUỐC NHIỀU LẦN

– Phản ứng sớm (typ I): sốc phản vệ, nổi mày đay cấp, hen, phù

Quincke. Kiểu phản ứng này có liên quan đến các IgE đặc hiệu và thường gặp khi tiêm penicillin và các dẫn xuất, vitamin Bl, các vaccin, kháng nguyên để giải mẫn cảm (phấn hoa, nọc các loài bọ hai cặp cánh hyménoptère). Aspirin và các chất chống viêm không phải steroid, các chất cản quang có iod có thể gây đáp ứng kiểu phản vệ không phụ thuộc vào IgE đặc hiệu.

  1. Phản ứng gây độc tế bào (typ II): thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Nhờ có bổ thế, kháng nguyên hoặc hapten gắn vào màng tế bào đích và kháng thể tương ứng cũng gắn vào màng; vì thế tế bào bị phá huỷ.
  2. Phản ứng phức hợp bô thể (typ III) bệnh huyết thanh (xem bệnh này).
  3. Phản ứng qua trung gian tế bào (typ IV):hay gặp nhất và đa dạng:

+ Ngoại ban, ban đỏ nút, ban đỏ cố định, chàm.

+ Lupus ban đỏ rải rác: hydralazin, procainamid.

+ Gan ứ mật: chlorpromazin và các dẫn xuất của phenothiazin, estolat erythromycin.

+ Tổn thương tế bào gan: sulfamid, isoniazid, methyldopa v.v…

+ Tổn thương phổi: nitrofurantoin (bệnh kẽ phổi).

+ Viêm thận kẽ: meticillin, cephalosporin, gentamicin.

Chẩn đoán

Dựa vào tiền sử, vào các triệu chứng xuất hiện hoặc giảm đi sau khi dùng một thuốc bị nghi ngờ. Dùng lại thuốc để làm triệu chứng xuất hiện lại là một việc làm rất nguy hiểm. Các test bì thường không có tác dụng trong chẩn đoán dị ứng với thuốc, trừ các test tiếp xúc trong chẩn đoán chàm và test với benzylpenicilloyl-polylysin để chẩn đoán dị ứng với penicillin.

Các phòng xét nghiệm chuyên khoa có khả năng phát hiện các kháng thể đặc hiệu (RAST, phản ứng miễn dịch phóng xạ, test giải phóng nhân dưỡng bào) hoặc các phản ứng tế bào đặc hiệu (kích thích lympho bằng thuốc gây dị ứng, test hoa hồng lympho với hồng cầu được gây mẫn cảm, phân tích chức năng giải phóng các lymphokin).

Test Coombs trực tiếp có thể phát hiện các kháng thể loại IgG trong huyết thanh.

Chẩn đoán phân biệt

Dị ứng với thuốc không phụ thuộc vào liều và chỉ xảy ra ở người có mẫn cảm với thuốc. Người ta phân ra:

  1. Tác dụng phụ có thể thấy trước được:các tác dụng này liên quan chặt chẽ với liều dùng và các tác dụng dược lý của thuốc. Tác dụng phụ có thể xảy ra ở bất kỳ người nào khi dùng thuốc với liều đủ cao (quá liều tuyết đối hoặc quá liều tương đối).
  2. Không dung nạp thuốc: tác dụng phụ xuất hiện ở một người ngay cả khi dùng liều thấp; thường qua khỏi được.
  3. Nguyên nhân không rõ: tác dụng phụ xuất hiện ngay từ lần đầu tiên dùng thuốc ở một người có rối loạn di truyền (ví dụ, bị thiếu enzym hoặc rối loạn chuyển hoá). Dùng thuốc có thể bộc lộ bệnh.
  4. Tác dụng nocebo (xem chất này): các chất không có hoạt tính, được dùng trong thử nghiệm lâm sàng (nghiệm pháp 2 người mù) có thể gây ra các tác dụng khó chịu, nhất là buồn nôn, nhịp tim nhanh, tiêu chảy, khô miệng, nhức đầu, da nổi mẩn.

Điều trị

  1. Ngừng dùng thuốc nghi ngờ.
  2. Chi tiết: xem hen phế quản, sốc phản vệ, bệnh huyết thanh, mày đay.
  3. Bệnh nhân cần được thông báo và trên người có giấy tò cho biết bị dị ứng với thuốc gì để tránh dùng thuốc đó.
0/50 ratings
Bình luận đóng