I.   ĐỊNH NGHĨA

Nang thân răng là nang trong xương hàm, liên quan tới thân răng của răng ngầm hoặc răng thừa ngầm, nang bao bọc một phần hay toàn bộ thân răng. Lòng nang chứa dịch màu vàng chanh hoặc trắng đục do nhiễm khuẩn.

II.    NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân có thể do rối loạn trong quá trình phát triển và hình thành răng, có thể có các dạng:

  • Dạng ngoài túi (extrafollicular): Do sự có mặt và phát triển của các dòng tế bào khác trên biểu mô men thoái hóa như biểu mô sừng hóa, liên bào men…Ngoài ra, còn có thể do yếu tố viêm nhiễm: có giả thuyết cho rằng ổ viêm nhiễm ở cuống răng sữa có thể là nguyên nhân kích thích hình thành nang thân răng bao quanh mầm răng vĩnh viễn bên dưới
  • Dạng trong túi (intrafollicular): Do bất thường của bản thân biểu mô men thoái hóa hoặc do bất thường bề mặt men răng gây tích tụ dịch

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

Khi nang có kích thước nhỏ thường không có biểu hiện lâm sàng, được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân được chụp X quang vì thiếu răng vĩnh viễn, răng sữa không rụng, răng kế cận nghiêng, xoay trục hoặc khi tiến hành các nhu cầu điều trị khác như phục hình, chỉnh nha.

Khi nang có kích thước lớn hơn có thể có các biểu hiện dưới đây:

  • Phồng xương gây biến dạng mặt mà không đau nhức
  • Lung lay răng kế cận với vị trí răng chưa mọc
  • Răng sữa tương ứng vẫn còn trên cung răng.
  • Trong trường hợp nang thân răng ở xương hàm dưới có thể gây tê môi dưới do nang to chèn vào ống răng dưới
  • Niêm mạc trên chỗ phồng xương hoàn toàn bình thường, trường hợp nang to gây phồng xương nhiều, niêm mạc có thể bị loét do sang chấn khi ăn
  • Nang to phá hủy xương rộng gây xô lệch và lung lay các răng lân cận
  • Trường hợp nang bội nhiễm thì có biểu hiện sưng đau chỗ phồng xương.

Cận lâm sàng

X quang

  • Có biểu hiện thiếu răng trên cung răng.
  • Có hình ảnh nang trong xương hàm liên quan tới răng ngầm. Thân răng ngầm nằm trong lòng nang.

Chẩn đoán phân biệt

– Nang chân răng: phân biệt dựa vào các dấu hiệu dưới đây:

+ Có răng nguyên nhân tuỷ chết.

+ Nang liên quan tới cuống răng.

+ Không có biểu hiện thiếu răng trên cung răng.

– U men thể nang: phân biệt dựa vào các biểu hiện dưới đây:

+  Có biểu hiện tiêu chân răng các răng liên quan.

+  Kết quả giải phẫu bệnh lý.

IV. ĐIỀU TRỊ

  1. Nguyên tắc

– Phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ nang và răng ngầm.

  1. Điều trị cụ thể

Phẫu thuật lấy bỏ nang và răng ngầm

  • Chỉ định: Nang có kích thước từ nhỏ đến trung bình.
  • Kỹ thuật

+  Vô cảm.

+ Rạch niêm mạc, bóc tách bộc lộ xương.

+ Mở xương, bộc lộ nang.

+  Lấy nang và răng ngầm.

+ Kiểm soát vùng phẫu thuật.

+ Khâu đóng niêm mạc.

Phẫu thuật mở thông nang

  • Chỉ định: Nang kích thước lớn phá hủy xương nhiều
  • Kỹ thuật

+  Vô cảm.

+ Rạch niêm mạc, bóc tách bộc lộ xương.

+ Mở xương, bộc lộ nang.

+  Cắt bỏ một phần vỏ nang.

+ Khâu lộn niêm mạc vỏ nang và mở thông lòng nang ra khoang miệng.

+ Kháng sinh.

+  Sau 1 tuần, làm máng bịt.

V.    TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

  1. Tiên lượng
    • Nếu điều trị đúng, phẫu thuật cắt nang và lấy răng ngầm sẽ có kết quả tốt, không tái phát.
    • Trường hợp phẫu thuật mở thông nang, sau một thời gian nang thu hẹp thì có thể tiến hành phẫu thuật thì hai lấy bỏ nang và răng ngầm
  2. Biến chứng
    • Bội nhiễm
    • Nang to phá hủy xương hàm có thể gây ra gãy xương bệnh lý.

VI.     PHÒNG BỆNH:

Khám răng miệng định kỳ để phát hiện răng ngầm hoặc phát hiện sớm nang thân răng và điều trị kịp thời.

0/50 ratings
Bình luận đóng