KIM NGÂN HOA
Flos Lonicerae
Dược liệu là nụ hoa có lẫn một số hoa đã nở của cây kim ngân – Lonicera japonica Thunb. hoặc một số loài khác như L. dasystyla Rehd., L. confusa D.C. họ Kim ngân – Caprifoliaceae.
Đặc điểm thực vật. (loài L. japonica Thunb.)
Kim ngân là loại dây leo, thân to bằng chiếc đũa dài tới 9-10m, có nhiều cành, lúc non màu xanh, khi già màu đỏ nâu. Lá hình trứng, mọc đối, phiến lá rộng 1,5-5cm dài 3-8cm. Lá cây quanh năm xanh tươi, mùa rét không rụng do đó còn có tên là nhẫn đông (chịu đựng mùa đông). Hoa mẫu 5 mọc thành xim 2 hoa ở kẽ lá. Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng. Vì trên cây cùng có hoa trắng và hoa vàng nên mới gọi là kim ngân. Tràng hoa cánh hợp dài 2-3cm chia làm 2 môi dài không đều nhau, một môi rộng lại chia thành 4 thuỳ nhỏ. Năm nhị đính ở họng tràng, mọc thò ra ngoài. Quả mọng hình cầu màu đen.
Cây mọc hoang ở các miền rừng núi như Cao bằng, Hoà bình, Thanh hoá, Lào cai… có thể trồng bằng dâm cành.
Chế biến. Hái hoa khi sắp nở vào mùa hạ, sấy khô hoặc xông sinh rồi phơi khô.
Đặc điểm hoa của 3 loài:
L. japonica có tràng dài 2-3cm, đường kính ống tràng phía trên 3mm, đường kính phía dưới 1,5mm, nhiều lông. Bầu nhẵn.
L. confusa có tràng dài 1,6-3,5cm, đường kính ống tràng 0,5-2mm, có nhiều lông. Bầu có lông.
L. dasystila có tràng dài 2,5-4cm, đường kính ống tràng 1-2,5cm, không lông. Vòi nhuỵ có nhiều lông dài ở phần dưới.
Thành phần hóa học (của L. Japonica)
– Hoa và lá chứa flavonoid, chất chính là luteolin-7-rutinosid (lonicerin= scolymosid).
– Một số chất carotenoid: x-caroten, b-cryptoxanthin, auroxanthin.
– Acid chlorogenic và các đồng phân của nó.
– Lá có loganin và secologanin.
Kiểm nghiệm
Soi bột: màu vàng nâu nhạt, mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy: hạt phấn hình cầu màu vàng, bên ngoài có gai, có 3 lỗ nẩy mầm rõ. Lông tiết gồm 2 loại: một loại đầu hình chuỳ cấu tạo bởi 20-30 tế bào; một loại hình cầu cấu tạo bởi khoảng 10 tế bào. Lông che chở đơn bào, cũng gồm 2 loại: một loại thành dày nhẵn hoặc hơi lồi, một loại thành mỏng, vết lồi rất rõ. Mảnh biểu bì cánh hoa có nhiều lông tiết và lông che chở, rất nhiều lỗ khí. Đầu nhuỵ gồm tế bào biểu bì lồi lên thành lông, tế bào phía dưới chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Tế bào thành trong bao phấn có chỗ dày hình xoắn ốc hoặc hình chấm.
Định tính:
– Lấy 5gam bột dược liệu cho vào bình dung tích 100ml. Thêm 50ml cồn 95o, lắc kỹ rồi đun cách thuỷ 15-20 ph. Lọc, cô cách thuỷ dịch lọc đến khi còn 5ml (dung dịch A).
– Nhỏ 1 giọt dung dịch A lên giấy thấm rồi hơ lên bình đựng ammoniac đậm đặc, sẽ xuất hiện màu vàng đậm hơn.
Lấy 1ml dung dịch A, thêm 3-4 giọt HCl đậm đặc và một ít bột magnesium. Đun cách thuỷ nhẹ và lắc nhẹ, dung dịch chuyển sang da cam.
S.K.L.M. Theo Dược điển Trung quốc, tiến hành S.K.L.M dùng silicagel H có chứa carboxymetylcellulose và phát hiện acid chlorogenic bằng đèn tử ngoại (365nm) có đối chiếu với chất mẫu. Dung môi để chiết acid chlorogenic là methanol, hệ dung môi để khai triển là hỗn hợp butyl acetat-acid formic- nước (7:2,5:2,5, lớp trên)
Tác dụng và công dụng:
Tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn thuộc các chi Staphylococcus, Streptococcus, Shigella, Salmonella và một số virus.
Tác dụng ngăn sự tích tụ mỡ ở bụng.
Được dùng chủ yếu để trị viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm amydan, viêm họng, viêm thanh quản; viêm da, mụn nhọt, sưng vú, viêm ruột thừa; trị lỵ trực trùng, viêm màng kết do siêu vi, cúm.
Liều dùng: 6-15g có thể đến 30g.
Bài thuốc chữa mụn nhọt, dị ứng:
Kim ngân hoa 10g, ké đầu ngựa 4g, nước 200ml, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Trung quốc có bào chế dạng thuốc viên, mỗi viên chứa 100mg cao kim ngân, mỗi lần dùng 2 đến 3 viên uống cách nhau 4-5 giờ và dạng thuốc tiêm đóng ống chứa 50mg cao và thêm 40mg wogonin.
Người ta còn dùng cành và lá kim ngân – Caulis cum Folium Lonicerae. Y học dân tộc cổ truyền gọi là nhẫn đông đằng hoặc kim ngân đằng công dụng như hoa. Có thể thu hái quanh năm. Liều dùng 10-30g..
. Chú thích: Chi Lonicera có rất nhiều loài. Ở Đông Dương, theo “Thực vật chí Đông dương” có 8 loài. Cho đến 1975 ở miền Bắc nước ta đã phát hiện được 6 loài L. japonica Thunb., L. confusa D.C., L. dasystyla Rehd., L.macrantha D.C., L. cambodiana Pierre, L. hildebradiana Coll. và Helms. Còn 2 loại nữa là L. bournei Hemls. và L. siamensis Gamble.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.