Huyết áp thấp nằm trong chứng huyễn vựng của Y học cổ truyền. Huyễn là hoa mắt, trước mắt hay có cảm giác tối sầm. Vựng là váng đầu, thấy đầu xoay chuyển, có cảm giác chòng chành như ngồi trên thuyền. Hai triệu chứng này thường xuất hiện cùng nhau nên gọi chung là huyễn vựng nhẹ thì hết ngay khi nhắm mắt lại, nặng thì kèm buồn nôn, đổ mồ hôi, đôi khi ngất xỉu…
1. Những nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh dẫn đến Huyết áp thấp theo Y học cổ truyền.
Nguyên nhân gây ra chứng huyễn vựng là do cả nội thương và ngoại cảm. Ngoại cảm là tà khí (lục dâm) lấn vào chỗ các khiếu trống ở đầu và mắt nên chứng huyễn vựng thuộc về chứng trạng của thương hàn và ôn bệnh. Nguyên nhân gây ra huyễn vựng thuộc về nội thương, sách Tố Vấn chí nhân yếu đại luận nói rằng: “Mọi chứng quay cuồng chao đảo đều thuộc can mộc”,ý nối can phong nội động sinh ra. Trong “Hà gian lục thư” của Lưu Hà Gian cho rằng “ Phong và hoả gây nên, dương thuộc hoả, dương chủ động gây nên gây ra choáng váng”. “Đan khê tâm pháp” của Chu Đan Khê cho rằng “ Vô đàm bất năng tác huyễn” có nghĩa là: không có đàm thì không thể tạo thành huyễn, cho nên trước hết cần chữa đàm. Sách “ Cảnh nhạc toàn thư” của Trương Cảnh Nhạc lại nói “ Vô hư bất bất năng tác huyễn” và đề ra phương pháp điều trị phải bổ hư là chính.
Huyết áp thấp theo Y học cổ truyền do khí hư, huyết hư, tỳ hư, nhưng trong đó thể khí huyết lưỡng hư là thường gặp nhất. Khí có thể sinh hoá ra vạn vật, bồi bổ và dinh dưỡng hết thảy các tạng trong cơ thể. Sự tuần hoàn của huyết phải nhờ ở khí làm động lực, huyết không có khí thì huyết ngưng mà chẳng lưu thông. Người xưa nói: “Khí là động lực vận hành của huyết, khí hành thì huyết hành”, còn huyết do khí sinh ra, theo khí mà đi nhưng khí phải dựa vào huyết mới hoạt động được.
Huyết tuần hoàn không ngừng, phân bố tân dịch khắp nơi từ lục phủ , ngũ tạng tới tứ chi, bách cốt. Vì vậy, khí huyết không đủ sẽ làm não thiếu sự nuôi dưỡng, lại có thêm đàm trọc tắc trở nên đầu váng, mắt hoa. Huyết hư không nuôi dưỡng được toàn thân nên sắc mặt nhợt nhạt, mạch vô lực, huyết hư không dưỡng được tâm nên Ít ngủ, hồi hộp, tinh thần không minh mẫn, giảm trí nhớ, ăn uống kém, chất lưỡi nhợt. Khí hư nên mệt mỏi vô lực, đoản khí, đoản hơi, ngại nói, tự hãn, mạch tế sác.
2. Các thể lâm sàng của huyết áp thấp theo Y học cổ truyền.
Theo các tài liệu nội khoa trong Y học cổ truyền của Trung Quốc gần đây như Trung y nội khoa học của Trương Bá Du năm 1985 và “ Trung y trị liệu các bệnh khó” của Trương Kính Nhân năm 1993 cho rằng Huyết áp thấp dù cho bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng đều thuộc hư chứng, có thể chia làm 3 thể là:
2.1. Thể tâm dương bất túc
Với những biểu hiện trên lâm sàng như: tinh thần mệt mỏi, hoa mắt, váng đầu, buồn ngủ, chân tay lạnh, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch trầm vô lực hoặc trầm tế.
Cơ chế bệnh sinh của thể này được lý giải do tâm chủ thần minh, là nơi tàng thần, tâm dương hư tổn không tàng chứa được thần làm cho người bệnh luôn cảm thấy tinh thần mệt mỏi, bất an. Tâm ở thượng tiêu, chủ về hoả là dương ở trong dương, nay tâm dương bất túc thì khí thanh dương không thăng lên được, không nuôi dưỡng được cho não bộ, gây ra hoa mắt. chóng mặt, buồn ngủ. Tâm chủ hoả, tâm dương hư suy thì tâm hoả sẽ thiếu. Dương và hoả đều không đủ nên dẫn đến chân tay lạnh, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.
Vì vậy phép điều trị của thể bệnh này là: ôn bổ tâm dương và bài thuốc cổ phương thường dùng để điều trị là: “Quế chi cam thảo thang gia vị” .
2.2. Thể tỳ vị hư nhược
Với những biểu hiện trên lâm sàng như: mệt mỏi, hơi thở ngắn, váng đầu, hồi hộp, cơ nhục teo nhẽo, sợ lạnh, dễ ra mồ hôi, ăn kém, đầy bụng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm vô lực.
Cơ chế bệnh sinh của thể này được lý giải do tỳ vị chủ vận hoá, tỳ vị hư làm thức ăn không tiêu hoá được, không có các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể làm cho người bệnh mệt mỏi, hơi thở ngắn, váng đầu, hồi hộp, cơ nhục mềm nhẽo. Tỳ chủ vận hoá thuỷ thấp, tỳ hư làm chức năng vận hoá suy giảm nên thấp ứ lại mà hoá đàm, đàm chọc ngăn trở trungkhí vận hành mà gây ra ăn kém, đầy bụng. Tỳ hư không vận chuyển được chất tinh vi của thuỷ cốc đi nuôi dưỡng phần cơ biểu cơ thể, làm cho vệ khí ngày một kém đi, vệ khí suy thì người bệnh sợ lạnh, dễ ra mồ hôi. Tỳ hư, khí huyết không đủ làm cho chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mạch trầm vô lực.
Vì vậy, pháp điều trị của thể bệnh này là: bổ trung, Ích khí, kiện tỳ và bài thuốc cổ phương thương dùng để điều trị là: “Hương sa lục quân gia vị”.
2.3. Thể khí huyết lưỡng hư.
Với những biểu hiện trên lâm sàng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, sắc mặt nhợt, đoản khí, đoản hơi, tự hãn, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư tế vô lực.
Cơ chế bệnh sinh của thể bệnh này được lý giải do khí huyết thiếu không đủ nuôi dưỡng phần não bộ gây ra chóng mặt, nặng thì ngã ngất. Huyết hư không lưu thông được toàn thân nên sắc mặt nhợt nhạt, huyết thiếu không đủ dưỡng tâm nên hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ. Khí huyết hư không đủ nuôi dưỡng cơ thể gây đoản khí, đoản hơi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư tế vô lực.
Vì vậy, pháp điều trị của thể bệnh này là: bổ dưỡng khí huyết và bài thuốc cổ phương thường dùng để điều trị là: “Quy tỳ thang gia giảm” .
3. Một số bài thuốc cổ truyền thường dùng chữa huyết áp thấp
Trong các y văn cổ từ xưa cho tới những sách chuyên khảo của Y học cổ truyền ngày nay, đã có nhiều tác giả đưa ra các bài thuốc để điều trị chứng bệnh này như:
* Bài “Kỷ cúc địa hoàng hoàn” trong “Y cấp” chuyên chữa các chứng huyễn vựng thể can dương thượng kháng. Đây là bài thuốc thiên về bổ phần âm cho can thận.
* Bài “Quy tỳ thang” trong “Tế sinh phương” có tác dụng kiện tỳ, dưỡng tâm Ích khí, bổ huyết để điều trị chứng huyễn vựng thể tâm tỳ hư.
* Bài “Phù chính tăng áp thang” trong “Thiên gia diệu phương – 1989” gồm có: Nhân sâm 10g, Mạch đông 15g, Sinh địa 20g, Trần bì 15g, A giao 15g, Chỉ sác 10g, Hoàng kỳ 30g, có tác dụng bổ khí thăng dương cũng được dùng để điều trị chứng bệnh này.
* Bài “Chấn khởi nguyên khí hư hạ hãm cao” của Phùng Triệu Trương gồm: Hoàng kỳ 1 kg (tẩm nước Phòng phong), Bạch truật sao 2 kg, Phụ tử chế 0,4 kg, Nhân sâm 0,6kg nấu thành cao, mỗi ngày uống 20g thì có tác dụng trợ dương, Ích khí.
Trong lĩnh vực châm cứu, nhiều tác giả đưa ra các phương huyệt nhưng chung quy lại thì các huyệt chủ yếu được sử dụng để điều trị chứng bệnh này: Tam âm giao, Túc tam lý, huyết hải, nội quan, thần môn với thủ thuật thường dùng là bổ pháp .
Nhìn chung các phương pháp đều tập trung vào cải thiện tình trạng khí huyết hư, tỳ hư, đặc biệt là khí hư giúp cho bồi bổ khí huyết mạnh lên để góp phần giải quyết các triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng của chứng Huyết áp thấp.