HOA HÒE
Flos Sophorae
Dược liệu là nụ cây hoa hoè – Sophora japonica L., họ Đậu – Fabaceae.
Đặc điểm thực vật
Cây gỗ, to, cao có thể đến 15m, thân thẳng có chỏm lá tròn. Cành cong queo. Lá kép lông chim lẻ, có 9-13 lá chét hình trứng, đỉnh nhọn, nguyên dài 3cm rộng 1,5-2,5cm. Cụm hoa hình chuỳ ở đầu cành. Tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Quả loại đậu không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa các hạt.
Phân bố và trồng trọt
Ở trong nước ta hoè được trồng ở một số tỉnh, nhiều nhất ở Thái Bình. Chúng ta đã xuất khẩu hoa hoè và rutin.Ở các nước khác như Trung Quốc, Triều tiên, Nhật bản cũng có trồng. Ở một số nước Châu âu hoè chỉ trồng làm cảnh.
Trồng hoè có thể bằng cách dâm cành hoặc gieo hạt. Trồng bằng hạt phổ biến hơn. Cần chọn hạt giống của những cây có nhiều cành, nhiều hoa, hoa nở đều mà nhân dân gọi là “hoè nếp” khác với “hoè tẻ” là cây có ít cành, hoa thưa, nở không đều. Gieo hạt vào tháng 1-2 dương lịch . Sau 3-4 năm hoè bắt đầu ra hoa và từ đó hàng năm thu hoạch.
Thu hái và đặc điểm dược liệu
Thu hoạch từ thàng 7-9 dương lịch. Hái hoa vào buổi sáng khi trời khô ráo. Ngắt các chùm hoa đã bắt đầu có hoa mới nở, tuốt lấy hoa rồi phơi nắng hoặc sấy ngay. Dược liệu là hoa chưa nở được gọi là “hoè mễ”. Dược điển Việt nam quy định hoa nở lẫn vào không được quá 10%.
Hoa dài 4-8mm, rộng 2-3mm phần đài chiếm 2/3 toàn bộ chiều dài, đài hình chuông, phía dưới có cuống ngắn. Sau khi khô thì cánh hoa trở nên vàng, vị hơi đắng.
Hoa nở rồi cũng dùng chứ không bỏ đi nhưng phân loại riêng.
Thành phần hóa học.
– Hoa hoè có nhiều thành phần chủ yếu là rutin (rutosid). Hàm lượng trong nụ hoa có thể đạt đến 28%. Dược điển Việt nam quy định ít nhất là 20%. Rutin lần đầu tiên được phân lập từ cây cửu lý hương – Ruta graveolens L. vào năm 1842 nên có tên là rutin. Rutin còn gặp trong nhiều loài thực vật khác. Phần aglycon của rutin là quercetin (=quercetol) thuộc nhóm flavonol; phần đường là rutinose (=6-O-a-L-rhamnopyranosyl-b-D-glucopyranose). Chiết xuất rutin từ hoa hoè rất dễ, chỉ cần chiết bằng nước nóng rồi để lạnh là có rutin tách ra, hoặc chiết bằng nước kiềm carbonat rồi acid hoá. Tinh chế bằng cách hoà tan lại trong nước nóng hoặc cồn nóng.
Ngoài rutin trong hoa hoè còn có betulin là dẫn chất triterpenoid nhóm lupan, sophoradiol là dẫn chất của nhóm olean.
– Lá chứa 6,6% flavonoid toàn phần trong đó có 4,7 % rutin.
– Vỏ quả chứa 10,5% flavonoid toàn phần trong đó có 4,3% là rutin, sophoricosid, sophorabiosid và một số flavonoid khác.
– Các bộ phận khác như gỗ, thân, hạt đều có những flavonoid khác nhau đã được phân lập và đã biết cấu trúc hoá học nhưng không có ý nghĩa thực tế.
Định tính
Lấy 0,5g bột hoa hoè đun sôi với 5ml cồn 95o trong 3 phút, lọc.
– 0,5ml dịch lọc thêm 5ml dung dịch natri hydroxyd 0,1N màu vàng tăng lên.
– 0,5ml dịch lọc, pha loãng với 5ml cồn ethylic, thêm 2 giọt dung dịch FeCl3 1%, có màu lục.
– 0,5ml dịch lọc, pha loãng với 5ml cồn, thêm 5 giọt HCl đậm đặc và một ít bột magnesium, sau vài phút sẽ xuất hiện màu hồng đến đỏ.
S.K.L.M. Dùng bản mỏng silicagel G, hệ dung môi khai triển là ethyl acetat – formic acid- nước (8:1:1); hiện màu bằng dung dịch 1% nhôm chlorid trong ethanol, để bốc hơi dung môi rồi soi tiếp dưới đèn tử ngoại (365nm). Vết huỳnh quang phải tương ứng với rutin chuẩn (Dược điển trung quốc). Dược điển Việt nam II tập 3 dùng bản mỏng silicagel G, hệ dung môi khai triển là n-butanol- acid acetic – nước (4:1:5); hiện màu bằng đèn tử ngoại và bằng hơi ammoniac.
Định lượng. có nhiều phương pháp:
– Đo bằng quang phổ kế: phổ của rutin có lmax ở 362,5 và 258nm; ở l 362,5nm thì có E1%1cm= 325 (ethanol).
– Đo màu: dựa vào màu khi tác dụng với AlCl3 hoặc tiến hành phản ứng cyanidin rồi đo màu.
– Dược điển Trung quốc và Dược điển Việt nam II tập 3 qui định định lượng rutin trong hoa hoè như sau: Dược liệu sau khi được loại tạp chất bằng ether trong dụng cụ Soxhlet, chiết rutin bằng methanol rồi cho tác dụng với thuốc thử gồm dung dịch natri nitrit 5% và nhôm nitrat 10%. Đem đo mật độ quang ở bước sóng 500nm rồi đối chiếu với đường cong rutin chuẩn.
– Phương pháp cân: nguyên tắc của phương pháp là chiết xuất rutin bằng cồn nóng. Sau đó thuỷ phân bằng dung dịch acid sulfuric, quercetin rất ít tan, được lọc và cân rồi tính ra rutin.
Cân chính xác 2g bột dược liệu, ngâm với 20ml acid chlohydric 0,5% trong một chậu kết tinh, thỉnh thoảng khuấy mạnh. Sau 2 giờ, gạn dung dịch qua phễu lọc. Rửa bột trong chậu nhiều lần với nước, nước rửa mỗi lần lại lọc qua phểu cho đến khi dịch lọc trung tính với giấy quỳ. Chuyển hết bột dược liệu lên phểu, dùng nước rửa chậu và cũng lọc qua phểu. Giấy lọc và bột được chiết với 20ml cồn 95o trong một bình đặt trên nồi cách thuỷ và có lắp ống sinh hàn ngược. Sau khi cồn sôi 15 phút, làm nguội bình và gạn qua phễu lọc vào một cốc. Bột lại được chiết với 25ml cồn 95o cũng làm như trên. Tiếp tục chiết với những lượng cồn 10ml cồn 95o cho đến khi dịch chiết không màu và không cho màu vàng với dung dịch natri hydroxyd 0,1N. Rửa bình và phễu với 10ml cồn 95o nóng. Tập trung các dịch chiết và dịch rửa lại, cho vào bình cầu 200ml và làm bốc hơi trên nồi cách thuỷ đến gần khô. Thêm vào bình 100ml dung dịch acid sulfuric 2%, đun sôi với ống sinh hàn ngược trong 1 giờ. Sau khi nguội, để bình vào tủ lạnh ở 0o trong 3 giờ. Thu toàn bộ tủa quercetin vào một phễu thuỷ tinh xốp (số 3 hoặc số 4). Rửa tủa 4 lần, mỗi lần với 5ml nước đã để tủ lạnh. Kiểm tra dịch lọc xem còn thuốc thử Fehling không, sấy khô tủa quercetin ở 125o trong 2 giờ và cân. Khối lượng tủa p thu được nhân với 2,019 sẽ cho lượng rutin có trong 2g dược liệu. Hàm lượng phần trăm rutin = px 2,019 x50.
Tác dụng và công dụng
Rutin có hoạt tính vit. P, có tác dụng làm bền và làm giảm tính thấm của mao mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu,
rutin làm hạ thấp trương lực cơ nhẵn, chống co thắt.
Rutin được dùng chủ yếu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch, điều trị các trường hợp suy yếu tĩnh mạch, các trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, tử cung xuất huyết, phân có máu. Rutin còn là thuốc chữa trĩ, chống dị ứng, thấp khớp. Ngoài ra còn dùng trong các trường hợp tổn thương ngoài da do bức xạ, làm cho vết thương chóng lành sẹo. Rutin rất ít độc, tuy nhiên không được dùng trong trường hợp nghẽn mạch và máu có độ đông cao.
Dùng dưới dạng viên 0,02g. Có thể phối hợp với các thuốc khác như vit. C (ta có sản xuất viên Rutin-C) cholin, khellin, các alcaloid của dừa cạn, papaverin… Người ta còn sản xuất loại rutin hoà tan trong nước (morpholylethyl rutosid, rutosid natripropylsulfonat). Nhu cầu về rutin trên thế giới rất lớn chỉ riêng nước Pháp hàng năm sản xuất hơn 10 tấn rutin mà vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.