Hiện nay, nhiều dược liệu quý hiếm ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang bị khai thác kiểu tận diệt, gây thất thoát lãng phí. Nhiều loại dược liệu quý hiếm đã bị bán ra nước ngoài với số lượng lớn; tình trạng phá rừng bừa bãi cũng đã dẫn đến nguồn dược liệu Đông y quý hiếm bị hủy diệt.
Giá trị chưa được hiểu rõ…
Khai thác dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thường diễn ra rầm rộ vào lúc nông nhàn, giáp hạt. Dược liệu mà bà con khai thác hầu như không sử dụng tại chỗ mà phần lớn bán cho các cơ sở thu mua, rồi họ vận chuyển đi đâu không ai biết.
Vợ chồng chị Nông Thị Niên ở xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, Bắc Kạn từ hai bàn tay trắng, sau mấy năm đứng ra thu mua dược liệu, đến nay đã mua cả ôtô để làm phương tiện vận chuyển dược liệu. Vợ chồng chị Niên tuyển công nhân, xây dựng lò sấy, máy băm để sơ chế. Nếu vào thời điểm mùa vụ (cuối thu, đầu đông), lượng hàng dược liệu của gia đình chị lên tới hàng trăm tấn. Hay ngay tại một đầu mối thu mua dược liệu ở phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn, cửa hàng luôn chất đầy dược liệu, người bán luôn tấp nập.
Điều đặc biệt là hầu hết lực lượng tham gia khai thác dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều không có ai biết về giá trị thực của các loại dược liệu, họ chỉ biết khai thác đến đâu là bán hết ngay đến đấy, kể cả gốc rễ cây dược liệu. Thực tế cho thấy, việc khai thác vô tội vạ, không có giấy phép cũng như không có đơn vị nào quản lý như hiện nay đang dẫn đến nhiều loài dược liệu quý hiếm trước nguy cơ bị tận diệt.
Nguồn dược liệu đang dần cạn
Ông Nông Phúc Chinh – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Các loài cây dược liệu quý như cây đào rừng có tác dụng điều trị các bệnh về xương khớp, cây ban lá điều trị tim mạch, cây bình vôi điều trị các bệnh về dạ dày và đường ruột, cây bàn tay ma điều trị về gan mật, cây hoài sơn đỏ điều trị chứng u xơ… đã bị khai thác quá mức nên ngày càng trở nên hiếm, rất khó tìm”.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn Bùi Văn Định cho biết: “Theo quy định, đối với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì tuyệt đối không được khai thác dược liệu. Đối với rừng thông thường thì khai thác dược liệu phải có giấy phép. Tuy nhiên, việc quản lý khai thác dược liệu hiện nay trên địa bàn tỉnh đang bị bỏ ngỏ”.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi có rừng tự nhiên chiếm tới 56% diện tích tự nhiên, có nguồn dược liệu quý và phong phú, đa dạng với khoảng một nghìn loài, trong đó nhiều loài có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao như thổ phục linh, kê huyết đằng, cát sâm, bình vôi, khúc khắc, bách bộ… Ngoài ra, còn có các loài dược liệu thuộc diện quý hiếm, giá trị lên tới hàng triệu đồng/kg. Tiềm năng dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn dồi dào, nhưng việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn từ trước đến nay vẫn chưa được quan tâm. Tình trạng khai thác vô tội vạ, buôn bán dược liệu bất hợp pháp trên địa bàn
tỉnh diễn ra công khai làm cho nguồn tài nguyên này đang có nguy cơ bị tận diệt.
Thiết nghĩ, tỉnh Bắc Kạn cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác, mua bán dược liệu trái phép hiện nay. Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ, nghiên cứu để đưa chương trình bảo tồn, nuôi trồng cây dược liệu vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần vào chương trình xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Thế Bình