Bệnh danh

Suy thận mạn bệnh tình nguy hiểm nghiêm trọng, lâm sàng biểu hiện phức tạp, cho đến nay, Đông y chưa tìm thấy một luận thuật nào mang tính chuyên sâu về suy thận, nên khó tìm thấy một bệnh danh (tên bệnh) hàm chứa đầy đủ được các triệu chứng của suy thận mạn. Từ các triệu chứng đặc trưng trên lâm sàng và quá trình phát sinh, phát triển của bệnh, các nhà Đông y hiện đại nhận thấy Suy thận mạn được các y gia cổ đại mô tả trong phạm vi các chứng “Quan cách”, “Thận lao”, “Thận phong”, “Long bế”, “Niệu độc”.

Thận lao

“Thận lao”, bệnh danh này được đề cập đầu tiên trong “Kim quỹ yếu lược”. Theo nhiều tài liệu cổ như “Kim quỹ yếu lược”, “Nội kinh” đã mô tả triệu chứng của chứng “Thận lao” giống như của suy thận mạn như “thận lao” thuộc một trong ngũ lao; Các y gia hậu thế như Sào Nguyên Phương, Tôn Tư Mạo, Trần Vô Trạch đã quy nạp nguyên nhân gây bệnh của chứng “Thận lao” bao gồm các phương diện “phòng lao thương thận”, “tình chí thương thận”, “tà thực thương thận”.

Quan cách

“Quan cách” bệnh danh được đề cập đầu tiên trong “Hoàng đế Nội kinh”. Quan cách là chứng hậu nguy trọng của âm dương li quyết, chứng này cuối cùng phần lớn dẫn đến tử vong. Y gia Trương Trọng Cảnh đời Hán trên cơ bản, tiến hơn một bước đã chỉ ra được cơ chế bệnh sinh của quan cách là hư thực tương kiêm, âm dương thăng giáng thất điều. Y gia hậu thế luận thuật tương đối nhiều, như Cung Diên Hiền, Lý Trung Tử đã chỉ ra: đã quan ắt cách, tất yếu tiểu tiện bất thông, nôn và buồn nôn, là do trọc tà ung tắc tam tiêu, chính khí mất thăng giáng, nên hạ quan mà tiểu tiện bế, cách thượng mà ẩu thổ, âm dương bế tuyệt.

Long bế

Bệnh nhân suy thận mạn, giai đoạn cuối khi có biểu hiện hội chứng ure huyết cao, đại đa số có chứng trạng thiểu niệu thậm chí vô niệu, hoàn toàn giống với chứng “long bế” của Đông y. Đối với cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng và nguyên tắc điều trị của long bế, trong “Hoàng đế nội kinh” đã luận thuật một cách tỉ mỉ, y gia hậu thế cũng có nhiều phát huy. “Bệnh long bế của nó, tà thương thận”. “Nước tiểu không thông là long bế, đây là chứng nguy nhất, cấp nhất”. Thuỷ đạo bất thông, ắt thượng phạm tỳ vị mà gây chướng, ngoài phạm cơ nhục mà gây thũng, phạm đến trung tiêu ắt gây nôn, lại cấp thượng tiêu ắt gây suyễn.

Thận phong

“Tố vấn- Kỳ bệnh luận” chỉ ra thận phong là chỉ bệnh phù chủ yếu ở mặt, đồng thời kèm theo có đau mỏi lưng, thận nặng đái ít, da phu sắc đen tối, ăn kém thậm chí không muốn ăn nuốt không trôi, sau ăn xuất hiện chứng hồi hộp trống ngực, tâm khí suy bại, cuối cùng dẫn đến chứng bệnh nguy trọng có thể tử vong.

Niệu độc

Hà Liêm Thần trong “Trọng đinh quảng ôn nhiệt luận” đã chỉ ra: “Niệu độc nhập huyết, huyết độc thượng não là chứng hậu, đau đầu mà chóng mặt, thị lực mông lung, ù tai, điếc tai, nôn buồn nôn, hơi thở có mùi nước tiểu, có thể có phát sinh co giật, bất tỉnh nhân sự, tay bắt chuồn chuồn, lưỡi đắng có điểm loét, có điểm đen”.

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh theo Đông y

Nguyên nhân chủ yếu là do tạng Tỳ mất kiện vận, Thận hư tổn. Ngoài ra ngoại tà và sự lao động quá độ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh. Cơ chế gây bệnh then chốt chủ yếu là tỳ thận suy bại, trọc tà ung lấp tam tiêu. Tỳ thận suy bại là bản, trọc tà ung lấp tam tiêu là tiêu. Đây là đặc điểm bệnh cơ chính khí hư, tà khí thực. Chính khí bao gồm hư tổn phần khí, huyết, âm, dương. Tà khí có thấp trọc, thủy độc và ứ huyết. Chính khí hư là bản, tà khí thực là tiêu, giữa hư thực, hàn nhiệt có sự biến hóa lẫn nhau.

Đông y điều trị Suy thận mạn

Tỳ thận khí ( dương) hư

Triệu chứng: cơ thể mệt mỏi không có lực, đoản hơi ngại nói, bụng chướng, ăn kém, lưng gối mỏi yếu, đái đêm trong dài, đại tiện táo, thậm chí có thể thấy sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng lạnh đau, lưỡi đạm có hằn răng, rêu trắng, mạch trầm trì.

Pháp chữa bệnh: kiện tỳ ích khí ôn thận.

Bài thuốc thường dùng: chân vũ thang, bảo nguyên thang.

Vị thuốc thường dùng: phụ tử 10g, quế chi 2g, hoàng kỳ 20g, đẳng sâm 20g, sơn dược 15g, phục linh 15g, bạch truật 10g, bạch thược 10g, tiên mao 15g, ba kích 15g, sơn thù 10g.

Khí âm lưỡng hư

Triệu chứng: sắc mặt ít sáng, khí đoản lực yếu, lưng mỏi gối mềm, da khô táo, miệng khô không thích uống nước, hoặc có lòng bàn chân tay nóng, hoặc chân tay không nóng, đại tiện không đều, đái ít màu vàng, lưỡi đạm có hằn răng, mạch trầm tế.

Phương pháp điều trị: ích khí dưỡng âm.

Bài thuốc thường dùng: sinh mạch tán, lục vị địa hoàng thang.

Các vị thuốc thường dùng: hoàng kỳ 30g, thái tử sâm 20g, thục địa hoàng 15g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 10g, sơn dược 15g, sơn thù du 10g, phục linh 15g, hoàng tinh 10g, biển đậu 15g, kỉ tử 12g, đan bì 10g.

Can thận âm hư

Triệu chứng: chóng mặt đau đầu miệng khô họng táo, ngũ tâm phiền nhiệt, lưng gối đau mỏi, tinh thần mệt mỏi, đại tiện khô kết, đái ít màu vàng, lưỡi đạm đỏ, rêu ít hoặc không có rêu, mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: tư dưỡng can thận.

Bài thuốc thường dùng: kỉ cúc địa hoàng hoàn, nhị chí hoàn

Vị thuốc thường dùng: kỉ tử 15g, cúc hoa 10g, thục địa 15g, sơn dược 10g, sơn thù 10g, phục linh 12g, đan bì 10g, trạch tả 10g, nữ trinh tử 15g, hạ liên thảo 15g, bạch thược 12g, tang ký sinh 15g, ngưu tất 15g.

Âm dương lưỡng hư

Triệu chứng: mệt mỏi không có sức, sợ lạnh chân tay lạnh, lòng bàn chân bàn tay nóng, miệng khô thích uống, lưng mỏi gối mềm, tiểu tiện ngắn vàng, đại tiện táo bí, lưỡi đạm bệu nhuận, rìa lưỡi có hằn răng, mạch trầm tế.

Phương pháp điều trị: âm dương song bổ.

Bài thuốc thường dùng: Kim quỹ thận khí hoàn, hữu quy hoàn.

Vị thuốc thường dùng: phụ tử 10g, nhục quế 3g, thục địa 15g, kỉ tử 15g, sơn thù 10g, sơn dược 10g, phục linh 15g, trạch tả 10g, đan bì 10g, thỏ ty tử 12g, ba kích 15g, lộc giác giao 10g.

Thấp trọc nội uẩn

Triệu chứng: sắc mặt xạm trệ, tinh thần mệt mỏi không có sức, nôn và buồn nôn, ăn kém ngại ăn, bụng đầy chướng khó chịu, miệng dính muốn uống, miệng có mùi nước tiểu, lưỡi đạm rêu trắng dầy bẩn, mạch trầm tế.

Phương pháp điều trị: hòa vị giáng nghịch, thông phủ tiết trọc.

Bài thuốc thường dùng: ôn đởm thang.

Vị thuốc thường dùng: bán hạ 12g, chỉ xác 10g, trúc nhự 15g, tử tô diệp 20g, sinh khương 10g, thổ phục linh 30g, đại hoàng 10g, thạch xương bồ 12g, tằm sa 15g, rau má 30g, hoa hòe 18g.

Thấp trọc nội uẩn là thể bệnh thường gặp nhất trong suy thận mạn vì vậy phương pháp chữa bệnh này cũng là phương pháp điều trị cơ bản của bệnh suy thận mạn. Đây là cơ sở chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá tác dụng điều trị của bài thuốc “Thăng thanh giáng trọc thang” trong điều trị Suy thận mạn.

Bài thuốc điều trị suy thận mạn

Bài thuốc “Thăng thanh giáng trọc thang” gồm các vị thuốc

Bán hạ Nam chế                     10g                              Hoàng kỳ trích          30g

Trần bì                                    10g                               Tàm sa                        15g

Thổ phục linh                        20g                               Rau má                       30g

Trúc nhự                                  10g                              Sinh đại hoàng         10g

Chỉ xác                                      10g                           Cốt khí củ                    20g

Đan sâm                                   30g                              Đỗ trọng                     15g

Xem thêm

Suy thận mạn và điều trị suy thận mạn bằng đông y

0/50 ratings
Bình luận đóng