Loét dạ dày, tá tràng là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới.

    Nội dung

NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ

  • Một số nguyên nhân gây loét:

+ U tuỵ tạng bài tiết gastrin.

+ Do dùng một số thuốc như: corticoid, aspirin, reserpin…

+ Yếu tố di truyền: có liên quan đến nhóm máu O và HLA.

+ Vi khuẩn Helicobacter pylori.

  • Một số yếu tố nguy cơ:

+ Chấn thương tinh thần, tâm lý.

+ Rượu.

+ Thuốc lá.

+ Xơ gan.

+ Suy tuyến giáp.

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng lâm sàng: triệu chứng lâm sàng được chia làm hai thể:

Thể điển hình

  • Đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng quan trọng với những đặc điểm sau:

+ Đau âm ỉ, không đau dữ dội.

+ Đau có thể lan ra sau lưng hoặc lên trên ngực.

+ Đau có tính chất chu kỳ trong ngày và trong năm (thường đau vào mùa hoặc tháng nhất định, ví dụ thường đau vào mùa rét hoặc nóng).

+ Đau có thể liên quan với bữa ăn: đau khi đói trong loét tá tràng, đau sau khi ăn trong loét dạ dày.

+ Đau có thể kéo dài trong vòng 1 – 3 tuần rồi tự nhiên khỏi.

+ Càng về sau tính chất chu kỳ càng mất dần đi, cường độ đau mạnh hơn, thời gian mỗi đợt đau kéo dài hơn.

  • Nôn: khi đau bệnh nhân có thể nôn hoặc buồn nôn.
  • Ợ hơi, ợ chua, cảm giác nóng sau xương ức.
  • Ăn kém hoặc không dám ăn vì sợ đau.
  • Gầy sút cân.
  • Thay đổi tính tình, trở nên khó tính.

Thể không điển hình

Bệnh tiến triển im lặng, không có triệu chứng đau, một số biểu hiện đột ngột bởi một biến chứng nào đó của loét như chảy máu tiêu hoá, thủng ổ loét.

  • Triệu chứng cận lâm sàng
  • Chụp X quang dạ dày, tá tràng với thuốc cản quang Barit có thể gián tiếp phát hiện được ổ loét.
  • Nội soi dạ dày – tá tràng bằng ống soi mềm: là thăm dò tốt nhất, nhìn thấy trực tiếp ổ loét, đánh giá đúng kích thước, vị trí của ổ loét và các tổn thương khác kèm theo. Qua soi có thể tìm vi khuẩn Helicobacter pylori trong mảnh sinh thiết niêm mạc dạ dày.
  • Xét nghiệm dịch vị: độ axit thường tăng trong loét tá tràng.

CÁC BIẾN CHỨNG

Có bốn biến chứng chính:

  • Chảy máu tiêu hoá (hay gặp nhất):

+ Biểu hiện bằng: nôn ra máu và/hoặc đi ngoài phân đen.

+ Tình trạng toàn thân phụ thuộc vào mức độ mất máu nhiều hay ít.

  • Thủng ổ loét:

+ Bệnh nhân đột ngột đau dữ dội vùng thượng vị, cảm giác đau như bị dao đâm.

+ Khám thấy bụng cứng như gỗ, về sau triệu chứng sốc xuất hiện.

  • Hẹp môn vị:

+ Bệnh nhân ăn không tiêu, buồn nôn rồi nôn ra thức ăn của bữa ăn trước hoặc của ngày ăn trước có mùi đặc biệt vì thức ăn đã lên men.

+ Khám thấy sóng nhu động dạ dày và tiếng óc ách lúc đói.

  • Ung thư hoá (chỉ gặp ở loét dạ dày):

+ Bệnh nhân thường đau nhiều, không có tính chất chu kỳ.

+ Kèm theo nôn, người gầy sút nhiều.

CÁCH ĐIỀU TRỊ

  • Chế độ ăn

Mục đích là tránh tăng tiết và hạn chế vận động ống tiêu hoá.

Trong đợt đau nên ăn lỏng, mềm.

Ngoài đợt đau ăn uống bình thường, nên kiêng rượu, cà phê, chè đặc, gia vị, thuốc lá.

  • Thuốc

Thuốc kháng axit dịch vị như: maalox, phosphalugel. Uống nhiều lần trong ngày, uống sau khi ăn 1 giờ.

Thuốc kháng tiết cholin ức chế việc bài tiết axit clohydric trong dạ dày như: atropin sulfat, belladon. Uống hoặc tiêm nửa giờ trước khi ăn.

Thuốc kháng thụ thể H2 ức chế sự bài tiết axit trong dạ dày như: cimetidin, ranitidin, famotidin.

Thuốc ức chế bơm proton H+ ức chế rất mạnh sự bài tiết axit trong dạ dày như: omeprazol viên 20mg (lomac, losec…), lanzoprazol viên 30mg (lanzor,…).

Thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày: gastropulgite, sucralfat, uống trước khi ăn.

Kháng sinh diệt Helicobacter pylori: amoxicillin, klion, claritromycin.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

Đau vùng nào.

Cảm giác của bệnh nhân khi đau.

Có ợ hơi, ợ chua, có nôn không.

Có hút thuốc lá, uống rượu, cà phê, thức ăn nhiều gia vị không?

Sống và làm việc có căng thẳng không?

Gia đình có ai bị loét dạ dày, tá tràng không?

Tham khảo các kết quả cận lâm sàng.

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Giảm đau vùng thượng vị.
  • Giảm lo lắng cho bệnh nhân.
  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với bệnh nhân.
  • Theo dõi phát hiện biến chứng.
  • Hướng dẫn bệnh nhân cách phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ.

Thực hiện chăm sóc

  • Giảm đau vùng thượng vị

Chườm ấm vùng thượng vị nếu không có biến chứng xuất huyết tiêu hoá.

Thuyết phục bệnh nhân bỏ thói quen hút thuốc lá^ uống cà phê, rượu, bia. Phải giải thích và kết hợp kiểm tra chặt chẽ vì dù là đang dùng thuốc tốt, đắt tiền mà vẫn hút thuốc lá và uống rượu bia thì cũng không khỏi.

Thực hiện thuốc theo y lệnh đầy đủ và chính xác.

  • Giảm lo lắng cho bệnh nhân

Có chế độ nghỉ ngơi và làm việc thích hợp. Đau nhiều thì nghỉ, khi đỡ đau đi lại nhẹ nhàng, tránh suy nghĩ căng thẳng.

Mất ngủ dùng thuốc an thần: seduxen, tranxene…

Giải thích những câu hỏi của bệnh nhân trong phạm vi nhất định, quan tâm, chăm sóc đến bệnh nhân.

Hướng dẫn bệnh nhân những phương pháp thư giãn, nghỉ ngơi.

  • Chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh

Trong đợt đau cho ăn thức ăn mềm, lỏng (cháo, sữa, súp…). Ngoài đợt đau ăn uống bình thường.

Nên ăn nhẹ, ăn từng ít một, nhai kỹ, không nên ăn quá nhiều, quá nhanh.

Kiêng rượu, cà phê, chè đặc, thuốc lá, các loại gia vị gây kích thích niêm mạc.

Khuyên bệnh nhân uống nhiều nước, tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

  • Theo dõi, phát hiện, phòng ngừa biến chứng

Chảy máu tiêu hoá: theo dõi mạch, huyết áp, chất nôn, phân hằng ngày.

Thủng ổ loét: đau bụng đột ngột, có biểu hiện choáng. Khi phát hiện phải nhanh chóng báo cáo bác sỹ đe chuyển sang xử trí ngoại khoa.

Hẹp môn vị: (nôn ra thức ăn cũ).

+ Cho ăn nhẹ, ăn từng ít một.

+ Đặt ống thông dạ dày khi có trướng bụng.

+ Chuẩn bị bệnh nhân khi có chỉ định rửa dạ dày, nội soi dạ dày.

  • Hướng dẫn bệnh nhân cách phòng bệnh và tự chăm sóc sức khoẻ

Cung cấp cho bệnh nhân một số kiến thức về bệnh, giúp họ tránh được những yếu tố làm bệnh nặng thêm.

Bệnh nhân phải kiêng các chất kích thích như rượu, cà phê, chè đặc, gia vị.

Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ăn chậm, nhai kỹ.

Khi dùng thuốc phải theo sự chỉ dẫn của bác sỹ nhất là các thuốc giảm đau.

Hướng dẫn bệnh nhân cách tự theo dõi đề phòng các biến chứng có thể xảy ra.

Có chế độ nghỉ ngơi, làm việc phù hợp với bệnh.

Đánh giá kết quả chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi người bệnh:

Hết đau.

Hết lo lắng.

Có chế độ ăn uống phù hợp với bệnh.

Phát hiện được sớm và xử trí kịp thời các biến chứng.

Biết cách phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ.

4/52 ratings
Bình luận đóng