CHÈ
Tên khoa học của cây chè: Camellia sinensis(L.) D. Kuntze. (Thea chinensis Seem) họ Chè – Theaceae.
Đặc điểm thực vật
Chè là một cây gỗ, mọc hoang và không xén có thể cao tới 20m, cây có thân to tới một người ôm không xuể. Đôi khi mọc thành rừng trên núi đá cao. Nhưng trong khi trồng người ta thường cắt xén cho tiện hái nên cây chỉ cao 1,5 – 2m. Cây có nhiều cành ngay từ gốc. Lá mọc so le, không rụng. Hoa to và trắng, có mùi thơm, mọc ở kẽ lá, nhiều nhị. Quả là một nang, thường có 3 ngăn. Quả mở bằng lối cắt ngăn, hạt không có phôi nhũ, lá mầm lớn, có chứa dầu.
Cây chè
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây chè có nguồn gốc ở Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc đã biết dùng chè từ 2500 năm trước công nguyên, sau tới Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác. Hiện nay cây chè được trồng ở nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Xrilanca…
Tại nước ta, chè được trồng ở nhiều tỉnh: Thái nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng…
Chè dùng làm thuốc thường hái vào mùa xuân. Lấy búp lá non, vò rồi sao cho khô giống như cách chế chè hương pha nước uống của nhân dân, cho nên có thể dùng chè hương (hay chè xanh) làm thuốc.
Bộ phận dùng
Lá và nụ hoa
Vi phẫu lá
Biểu bì trên không mang lỗ khí và thường không có lông, tế bào nhỏ, nhiều cạnh không đều. Biểu bì dưới nang lông và lỗ khí. Lông đơn tế bào, dài, thành dày, đầu nhọn. Mô giậu có hai hàng tế bào. Tromg mô mềm có rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai, có thể cứng thành dầy. Gân giữa có những thể cứng, nhiều tình thể calci oxalat, bó libe gỗ có một vòng sợi trụ bì bao bọc.
Thành phần hóa học
Người ta thường dùng búp chè (tôm + 3 lá) để sản xuất chè xanh và chè đen. Thành phần hóa học của chè phụ thuộc vào giống, tuổi chè, điều kiện đất đai, địa hình, kỹ thuật canh tác và thu hoạch … Trong búp chè gồm:
– Nước: 75 – 82%
– Tanin: Là hỗn hợp catechin (30 – 35%). Theo kết quả nghiên cứu chè ở nước ta: Ở tôm có 36,75%, lá thứ nhất có 37,77%, lá thứ hai: 34,74%, lá thứ ba: 30,77%, cuộng: 25,56% tanin.
– Alcaloid: Cafein là alcaloid chính (2,5 – 4,5%. Trong lá thứ nhất: 3,39% lá thứ hai: 4,20%, lá thứ ba: 3,40% lá thứ tư: 2,10%, cuộng chè: 0,36%. Ngoài ra còn có lượng rất nhỏ theophyllin (0,02 – 0,04%), theobromin (0,05%) adenin và xanthin.
– Protenin và acid amin: Protein thường kết hợp với tanin. Trong chè người ta đã tìm thấy có 17 acid amin. Các acid amin này kết hợp với đường và tanin tạo ra aldehyd có mùi thơm của chè đen và làm cho chè xanh có dư vị tốt.
– Glucid và pectin.
– Flavonoid: Camferol, quexitrin, mirxetin…
– Dầu thơm: 0, 007% – 0,009% trong lá tươi.
– Vitamin A, B1, B2, PP và nhiều nhất là vitamin C.
– Ngoài ra còn có men (amilase, glucoxidase, protease, perotease, peroxidase và poly-phenoloxidase…) và các muối vô cơ.
Trong nụ chè có cafein (2 – 2,5%), nước (10%), muối vô cơ và các men…
Công dụng
Chè được dùng pha nước uống, làm kích thích thần kinh trung ương, lợi tiểu, cầm ỉa chảy nhẹ, chữa lỵ. Dùng riêng hoặc kết hợp với một số vị khác. Gần đây các nhà khoa học Nhật Bản cho biết chè có tác dụng chống được phóng xạ Stronti (Sr)90.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.