QUẢ MƠ
Fuctus Armeniacae 
            Dược liệu là quả cây mơ – Prunus armeniaca L.; họ hoa hồng – Rosaceae, phân họ Mận – Prunoideae.
Đặc điểm thực vật
            Cây nhỡ cao 4 – 5m. Lá đơn mọc so le. Phiến lá hình bầu dục, nhọn ở đầu. Mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa nhỏ 5 cánh màu trắng, mùi thơm, ra hoa cuối đông. Quả hạch có lông tơ, màu vàng xanh. Mọc hoang và trồng nhiều nhất ở vùng chùa Hương huyện Mỹ Đức (Hà Đông), Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh và một số tỉnh khác ở miền Bắc. Quả chín vào tháng 3 – 4.
Bộ phận dùng 
            Quả mơ muối – Fructus Armeniacae preparatus. Thu hoạch vào tháng 3 -4 dương lịch khi mơ đã chín. Hái về tãi mỏng. Tùy theo muốn có mơ trắng (bạch mai, diêm mai) hay mơ đen (ô mai) mà cách chế biến khác nhau (xem phần dưới).
Thành phần hóa học
            Thịt quả chứa:
            – Acid hữu cơ: acid tartric, acid mucic, acid quinic.
            – Flavonoid: quercetin, isoquercitrin (= quercetin – 3- glucosid).
            – Carotenoid.
            Nhân hạt ngoài chất béo còn có chứa glycosid cyanogenic là amygdalin.
Các dạng chế biến bào chế và công dụng
Bạch mai.
            Quả mơ phơi cho héo rồi dùng muối xóc đều, sau đó cho vào vại muối như muối cà, không  đổ nước, muối được ba ngày đêm thì vớt ra phơi khô cho tai tái rồi lại cho vào vại muối lần thứ hai thêm một ngày đêm nữa rồi phơi cho thật khô. Muối thấm vào quả mơ và kết tinh thành một lớp trăng trắng bên ngoài nên gọi là bạch mai (bạch: trắng) hay diêm mai (diêm: muối), ta gọi là ô mai muối (nhưng dùng chử ô không đúng).
 Ô mai
            Quả mơ thật già đem đồ rồi phơi, phơi héo lại đồ, làm như vậy nhiều lần cho đến khi quả mơ có màu đen thì đem phơi khô kiệt (ô = đen).
Ô mai cam thảo
            Chế bằng cách thêm gừng đã giã nhỏ, bột cam thảo vào bạch mai. Ô mai dùng để chữa ho, hen suyễn khó thở.
Nước cất hạt mơ  
            Hạt mơ (nhân) 120g
            Nước lã                        200ml
            Cồn 90oC                     vừa đủ
            Nước cất                      vừa đủ
            Giã nhân hạt mơ, cho vào bình, thêm nước lã, lắc đều, để yên 2 giờ.  Sau đó lắp dụng cụ và cất, đuôi ống sinh hàn dẫn hơi nước ra được nhúng vào bình đã chứa sẵn 30ml cồn 90°. Khi cất được cả cồn và nước chừng 90ml thì thôi. Lấy một ít nước và định lượng HCN. Dùng một hỗn hợp gồm 1 phần cồn và 3 phần nước cất (theo thể tích) để pha chế thêm vào chỗ nước cất được để cứ 100ml có 0,1g HCN, như vậy ta sẽ có được nước cất hạt mơ (thay cho nước cất quế đào cất từ lá cây quế đào – Prunus laurocerasus).
            Định lượng HCN tiến hành như sau:
            Lấy đúng 25ml nước cất hạt mơ, thêm 100ml nước cất, 2ml dung dịch KI 10% và 1ml dung dịch ammoniac.
            Định lượng bằng AgNO3 0,1N cho đến khi có kết tủa màu trắng, đục bền. Mỗi ml AgNO3 0,1N ứng với 5,404mg HCN.
            Giải thích phương pháp định lượng:
            NH4OH  +  HCN  -> NH4CN  +  H2O       
            AgNO3 +  2 NH4CN  ->  Ag(CN)2NH4  +  NH4NO3
AgNO3  thừa tác dụng lên Ag(CN)2NH4:
            AgNO3  +  Ag(CN)2NH4  ->  AgCN  +  NH4NO3 
AgCN tan trong NH4OH nên cho KI để làm chỉ thị 
            KI  +  AgNO3  ->  AgI  +  KNO3
            Nước cất hạt mơ có tác dụng chống co thắt, trị co giật, chữa ho, hen, khó thở, nôn

mửa, đau dạ dày. Mỗi lần dùng 0,5 – 2ml. Cả ngày 2 – 6ml. Liều tối đa mỗi lần 2ml cả ngày 6ml. Nếu qúa liều thì gây ngộ độc: buồn nôn, rối loạn hô hấp, thân nhiệt giảm và gây ngạt thở.

Dầu hạt mơ
            Ép khô hạt mơ, không cho tiếp xúc với nước (tránh sinh ra HCN) sẽ có một thứ dầu tương tự chế từ hạt hạnh nhân ngọt – Prunus amygdalus Stockes. var. dulcis. Dầu dùng để pha chế các loại dầu bôi và  những sản phẩm dùng trong mỹ phẩm. 
 https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

0/50 ratings
Bình luận đóng