Muốn cho xanh tóc đỏ da, rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô… Câu nói từ ngàn xưa truyền lại nói về Hà Thủ Ô, một vị thuốc quý giúp người ta bổ can thận, ích tinh huyết, kiện dương đạo, cố nguyên khí, cường thân thể mà con cháu mãn đường, diên niên bất lão. Trong cuốn (Thần Nông Bản Thảo Kinh) không có ghi chép vị thuốc này, mà mãi đến thời Đường, nó mới được người ta phát hiện và sử dụng.
Hà thủ ô có tên gọi gốc là Giao Đằng, vì ban đêm dây đằng tương giao nên còn gọi là Dạ Giao Đằng. Nhưng còn cái tên Hà Thủ Ô có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu thêm nhé các bạn!
Trong cuốn (Hà Thủ Ô Truyền) của văn gia, triết gia nổi tiếng đời Đường – Lý Cao (李翱) có chép thế này: Hà Thủ Ô là người huyện Hà Nam, Thuận Châu, có ông nội tên là Năng Tự (能嗣), cha tên là Đình Tú (廷秀). Năng Tự vốn tên là Điền Nhi, sinh ra cơ thể gầy yếu, đã 58 tuổi mà chưa vợ, thường ham thích Tiên gia Đạo thuật, nên theo sư phụ lên núi ở ẩn. Một ngày nọ, sau hơi mèn nồng, rồi ngủ thiếp đi giữa chốn lâm sơn cùng cốc,… trong mơ màng ông bỗng thấy hai thân dây leo, ở cách nhau tới hơn 3 thước, sau dần lại gần tương giao với nhau, một hồi lâu rồi lại phân tách, tách rồi lại giao. Điền Nhi thấy vậy vô cùng kinh ngạc, sáng hôm sau tỉnh dậy, ông đào củ rễ lên, mang đi hỏi khắp nơi mà không hề ai hay biết. Về sau tình cờ gặp được sơn trung lão ông, lão ông nói với Điền Nhi rằng: “子既无嗣, 其藤乃异, 此恐是神仙之药,何不服之?” ~ dịch ra có nghĩa là: “ngươi còn chưa có con, loại dây leo này lại vô cùng kỳ lạ, có lẽ đây chính là thuốc thần tiên, sao không thử uống?”. Nghe vậy, ông đem nghiền củ rễ thành bột, sáng dậy dùng rượu uống 1 tiền lúc bụng đói, 7 ngày sau thấy nhớ gia thất, uống liên tục nhiều tháng thấy người khoẻ mạnh, nên sau uống thường xuyên mà không dám quên. Sau lại uống thành 2 tiền một ngày, một năm sau bệnh cũ trong người đều hết, tóc xanh trở lại, sắc mặt tươi nhuận như trai thanh,… rồi ông cưới vợ, trong mười năm sinh liền mấy con trai, nên đổi tên là Năng Tự. Sau con trai ông là Đình Tú cũng dùng thuốc này, thọ tới hơn 160 tuổi. Đình Tú sinh Thủ Ô; Thủ Ô cũng dùng thuốc, sinh rất nhiều con, thọ hơn 130 tuổi mà dâu tóc vẫn xanh. Về sau người họ hàng cùng quê là Lý An Kỳ trộm biết mật phương của nhà họ Hà, rồi dùng thuốc mà thọ hơn trăm tuổi. Từ đó cái tên Hà Thủ Ô được dùng làm chính tên gọi của thuốc này.
Tên gọi và tác dụng của Hà Thủ Ô tương truyền là như vậy, trong dân gian ngày nay vẫn lưu truyền và sử dụng Hà thủ ô trong những món ăn, bài thuốc quý như:
“Thất bảo mỹ nhiệm đơn”: Hà thủ ô chế 500g, Phục linh 500g, Đương quy, Câu kỷ tử, Thỏ ty tử, Ngưu tất đều 240g, Phá cố chỉ 120g. Tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 12g, chiêu bằng nước muối loãng. Giúp ích thận cố tinh, ô phát tráng cốt; dùng cho người can thận hư, đau lưng mỏi gối, tóc bạc răng lung,…
Trà Hà thủ ô: Hà thủ ô chế tán bột 10-15g, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút, uống thay trà trong ngày. Có thể gia thêm: Tang thầm 5-7 quả, Nữ trinh tử 3-5g, Hạn liên thảo 10g để tăng tác dụng tư âm bổ thận, dưỡng can sinh huyết.
Trà Thục địa Thủ ô: Hà thủ ô 16g, Thục địa hoàng 30g. Hà thủ ô chế, Thục địa hoàng tẩm rượu, thái lát mỏng, cho nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, già yếu, râu tóc bạc sớm trước tuổi, bệnh mạch vành, cao huyết áp.
Bột đậu đen, Hà thủ ô: Đậu đen 250g, Vừng đen 100g, Bạch quả 30 hạt, Hà thủ ô chế 150g, tất cả sao chín, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày ăn 20- 30g; giúp bổ ích can thận, đen tóc, ngừa rụng tóc và bạc tóc.
Canh gà mái tiềm Hà thủ ô: gà mái một con, Hà thủ ô 30g, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, bỏ móng, bỏ mỏ, mổ bụng, bỏ nội tạng, rửa sạch. Hà thủ ô nghiền thành bột đựng trong túi vải buộc chặt rồi cho vào bụng gà. Tất cả đem hầm bằng nồi đất thật nhừ, thêm gia vị, dùng làm canh ăn trong ngày. Dùng cho các trường hợp râu tóc bạc sớm, đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, suy nhược cơ thể.