Trong lúc đi tìm nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp, người ta thấy có một số yếu tố có liên quan rất mật thiết đến bệnh này, có thể làm bệnh dễ xuất hiện hơn và làm nặng thêm bệnh. Người ta gọi các yếu tố đó là các yếu tố nguy cơ hay các yếu tố đe doạ (facteur de risque)

Có nhiều yếu tố nguy cơ tăng huyết áp trong đó đáng chú ý

Tuổi: càng nhiều tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp càng cao. Điều tra của Viện Tim mạch 1989-1992 cho thấy tỷ lệ đó là 6% ở lứa tuổi 16-39, đã tăng lên 21,5% ở lứa tuổi 50-59, 30,6% ở lứa tuổi 60-69 và 47,5% ở lứa tuổi 70 trở lên. Các điều tra d các nước cũng cho thấy tình hình tương tự.

Chế độ ăn: đáng lưu ý nhất là muối ăn, thực chất là natri vì muối ăn là natri chlorur. Trên thế giới, người ta đã thấy ở những vùng mà người dân ăn quá nhiều muối thì tần suất bệnh tăng huyết áp tăng cao rõ rệt so với các vùng khác, ở nước ta, nghiên cứu của Lê Viết Định (1992) ở tỉnh Khánh Hoà cho thấy tần suất bệnh tăng rõ ở vùng biển (11,7%) nơi mà người dân ăn nhiều muối hơn so với vùng đồng bằng và vùng núi (8,33%).

Thuốc lá: nicotin có trong thuốc lá kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch ngoại vi gây tăng huyết áp; hút một điếu thuốc lá, huyết áp tâm thu có thể tăng lên tới 11 mmHg, huyết áp tâm trương tăng lên tới 9 mmHg, kéo dài 20-30 phút, hút nhiều có thể có cơn tăng huyết áp kịch phát nguy hiểm ; nicotin còn làm nhịp tim đập nhanh hơn, cơ tim phải co bóp nhiều hơn. Oxyd carbon có trong khói thuốc lá làm máu giảm cung cấp oxy cho các tế hào và cùng với áp lực đã tăng sẵn của dòng máu khi bị tăng huyết áp càng gây tổn thương thêm các tế bào lớp nội mạc của các động mạch và tạo điều kiên cho bệnh xơ vữa dộng mạch phát triển.

Rượu: uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, làm mất hoặc làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh tăng huyết áp.

Tính chỉ số BMI để đánh giá mức độ béo phì của bạn
Tính chỉ số BMI để đánh giá mức độ béo phì của bạn

Thể trạng: có mối liên quan chặt chẽ giữa huyết áp và trọng lượng cơ thể, người béo dễ bị tăng huyết áp, người tăng cân nhiều theo tuổi cũng sẽ tăng nhanh huyết áp. Có một công thức đơn giản để tính trạng thái thừa cân, đó là tính “chỉ số khối lượng cơ thể” (body mass index):

Chỉ số khối lượng cơ thể = cân nặng (kg)/ [(chiều cao(m)]2

Được coi là thừa trọng lượng khi chỉ số đó 25.

Yếu tố di truyền: người ta đã thấy tính chất gia đình của bệnh tăng huyết áp, bố hoặc mẹ bị bệnh này thì trong số con cái cũng có nhiều người mắc bệnh.

Stress: khi bị căng thẳng tâm thần kinh, hệ thần kinh giao cảm tăng cường hoạt động giải phóng ra adrenalin và noradrenalin làm tim tăng co bóp, nhịp tim nhanh hơn, động mạch nhỏ co lại và làm huyết áp tăng. Stress có thường xuyên thì dễ gây nên bệnh tăng huyết áp, trên nền bệnh tăng huyết áp thì gây cơn tăng huyết áp kịch phát nguy hiểm. Môi trường có tiếng ồn cường độ lớn liên tục cũng gây stress và làm huyết áp tăng.

Bệnh vữa xơ động mạch: thể hẹp động mạch thận do vữa xơ động mạch gây tăng huyết áp. Trừ thể tăng huyết áp thứ phát này ra, bệnh vữa xơ động mạch và bệnh tăng huyết áp là hai bệnh khác nhau nhưng nếu cùng có trên một người bệnh (sự phối hợp này lại hay xảy ra) thì lại dễ thúc đẩy sự phát triển của nhau làm cả hai bệnh càng trở nên nặng hơn nhiều, dễ gây những biến chứng phức tạp, nhất là tai biến về mạch máu não dù là chảy máu não hay nhũn não, tai biến mạch vành như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, đột tử do bệnh mạch vành.

Bệnh đái tháo đường : bệnh này hay có cùng với bệnh tăng huyết áp. Người ta thấy 30-50% bệnh nhân đái tháo đường bị tăng huyết áp, những bệnh nhân này thường béo; ngược lại, xét nghiệm đường trong máu thấy tăng cao ở 1/3 số bệnh nhân tăng huyết áp.

0/50 ratings
Bình luận đóng