Viêm màng ngoài tim có mủ là một trong những bệnh nặng mà trước đây người ta chỉ điều trị bằng chọc hút mủ hay đặt ống dẫn lưu mủ từ trong xoang màng ngoài tim ra với tỷ lệ tử vong khá cao (41% theo Boyle; 75% theo Zucker trong viêm màng ngoài tim có mủ ở trẻ em; 30% theo Ben Ismall, v.v…)
Nguồn gốc của viêm màng ngoài tim có mủ thường là vết thương ở màng ngoài tim (vết thương hỏa khí, vết thương do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, vết mổ, v.v…) hoặc là các ổ mủ từ các vùng lân cận lan tới (như viêm mủ trung thất, viêm phổi, áp xe vỡ vào xoang màng ngoài tim, ung thư phổi, ung thư thực quản đang bị thoái hóa vỡ vào xoang màng ngoài tim, v.v…)
Những triệu chứng chính của viêm màng ngoài tim có mủ là: đau ở sau xương ức, yếu mệt nặng, nhiệt độ cao tới 38 – 39 – 40°c, khó thở, tim đập nhanh, da hơi tím, bệnh nhân phải giữ tư thế nửa ngồi nửa nằm, tựa tay vào thành giường cho đỡ khó thở. Gõ thấy vùng đục của tim rộng, không nhìn thấy mỏm tim đập. Khi nghe, thấy tiếng tim mờ và ở xa xăm. Khi chụp X quang ngực, thấy tim to toàn bộ như hình tam giác hay hình quả cầu, đập rất yếu.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, chúng tôi tiến hành chọc thăm dò xoang màng ngoài tim và trong hầu hết các trường hợp đều hút được mủ từ trong xoang màng ngoài tim ra. Có thể chọc vào xoang màng ngoài tim qua điểm Marfan (chọc từ dưới mỏm ức lên trên và sang trái), hoặc ở liên sườn V, cách bờ trái xương ức khoảng 3cm để tránh đâm kim vào động mạch vú trong, hoặc có thể chọc ở điểm nằm giữa xương sườn thứ VII bên trái và mỏm ức. Chọc xoang màng ngoài tim ở tư thế bệnh nhân nửa ngồi nửa nằm.
Đại đa số các tác giả đều trị viêm màng ngoài tim có mủ bằng phương pháp mở màng ngoài tim tôi thiểu qua một đường rạch ở ngay dưới mỏm xương ức, hút hết mủ từ trong xoang màng ngoài tim ra, rửa màng ngoài tim. Ngoài ra, cho các loại thuốc kháng sinh thích hợp, thuốc trợ tim và các loại thuốc bổ để tăng cường sức chông đỡ của cơ thể.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc đầu chúng tôi (BS. Khánh Dư, BS. Đoàn Hồng, BS. Hồ Hải, BS. Thế Hiệp và ctv.) cũng điều trị viêm màng ngoài tim có mủ bằng mở màng ngoài tim tối thiểu và kháng sinh (dựa vào kết quả thử kháng sinh đồ) như trên (1976). Từ năm 1977 đến nay, thái độ xử trí bệnh viêm màng ngoài tim có mủ có thay đổi đôi chút và được tiến hành như sau:
- Đối với các trường hợp đặc biệt nặng, với các triệu chứng chèn ép tim rõ rệt, chúng tôi mở màng ngoài tim thối thiểu và dùng kháng sinh trong mấy ngày đầu (từ 5 đến 7 ngày) để nâng cao tình trạng chung của bệnh nhân và giảm bớt trạng thái nhiễm trùng, sau đó chỉ định mổ sớm: mở lồng ngực bên trái, cắt bỏ rộng màng ngoài tim trong khi nó chưa kịp dính với màng trên tim (tức là chưa kịp chuyển thành bệnh viêm màng ngoài tim co thắt, dày dính).
- Đối với các trường hợp nặng, nhưng tình trạng chung của bệnh nhân còn tương đối khá, chúng tôi chỉ định mổ sớm: mở lồng ngực bên trái, cắt bỏ rộng màng ngoài tim, không cần qua thì I (thì mở màng ngoài tim tối thiểu hay còn gọi là mở cửa sổ màng ngoài tim).
Qua kinh nghiệm điều trị cho trên 30 bệnh nhân có tràn dịch màng ngoài tim cấp tính, trong đó có trên 20 bệnh nhân có tràn mủ màng ngoài tim (chủ yếu do pseudomonas aeruginosa, enterobacter, micrococcus và trực trùng Gram âm gây ra) và trên 10 bệnh nhân tràn dịch, tràn máu màng ngoài tim do các nguyên nhân khác gây nên (thấp, lao, ung thư, v.v…) bằng thái độ xử trí tích cực như trên, chúng tôi đã thu được nhiều kết quả tốt và hạ được tỷ lệ tử vong chung xuống dưới 20% và hạ tỷ lệ tử vong trong viêm mủ màng ngoài tim xuống dưới 15%.