1. Định nghĩa
Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột từng đoạn, thuộc nhóm bệnh u hạt ruột non đặc trưng bằng những giai đoạn viêm cấp, bán cấp và mạn bao giờ cũng tiến tới hoại tử thành ruột non và thành sẹo. Về sau gây hẹp ruột cố định. Chưa rõ nguyên nhân.
2. Tổ chức học
Có hai đặc điểm:
- Viêm mạn tính ở tất cả các lớp của thành ruột, tập trung nhiều nhất ở lớp dưới niêm mạc.
- Sự có mặt của các hạt tế bào dạng biểu mô và tế bào khổng lồ nhưng không bã đậu hoá như hình ảnh vi thể của lao ruột.
Ngoài ra là hiện tượng phù nề, xơ hoá ở tất cả các lớp và giãn các bạch mạch, niêm mạc bị phá huỷ và có những ổ loét nông hoặc sâu xuống các lớp dưới.
3. Triệu chứng
a. Lâm sàng
– Cơ năng:
+ Đau bụng, đau liên tục hoặc xảy ra sau bữa ăn, đau quặn, sôi bụng, trung tiện được thì đỡ.
+ ỉa chảy phân có mỡ ngay sau bữa ăn vội đi ngoài ngay nhưng chỉ có ít phân (Crohn ruột non)
+ ỉa chảy toàn nước, có thể có nhầy mủ máu, đau quặn, mót rặn (Crohn trực tràng).
– Thực thể:
+ Bụng: đau khi sờ nắn có đám quánh đau hoặc một khối có ranh giới rõ rệt ở hố chậu phải.
+ Bệnh tích hậu môn (75% Crohn đại tràng) 25% ruột non mưng mủ xung quanh bậu môn, lỗ dò ổ loét.
Vết nứt hình cây vợt không đau trước và hai bên hậu môn.
– Toàn thân
+ Suy sụp thể trạng, sút cân, suy nhược dần chán ăn. Sốt cao, tăng bạch cầu, máu lắng tăng (Crohn áp-xe).
+ Hội chứng kém hấp thu (Crohn ruột non): vì bệnh tích rộng hoặc rò ruột non vào đại tràng. Bài tiết quá nhiều huyết tương ở vòng loét. Tăng sinh quần thể vi khuẩn chỗ ruột hẹp hoặc rò. Biểu hiện lâm sàng: thiếu máu suy mòn, phù dinh dưỡng, rối loạn nước điện giải.
– Ngoài ống tiêu hoá:
+ Ban đỏ nút, lở loét niêm mạc lưỡi.
+ Đau khớp viêm khớp
+ Đái buốt đái rắt, đau thắt lưng.
b. Xét nghiệm:
- Máu: thiếu máu nhược sắc, protein giảm, Ca, Mg, K giảm.
- X quang: 3 yếu tố
+ Tổn thương hẹp từng đoạn xen kẽ đoạn bình thường
+ Hẹp ống ruột đoạn bệnh lý, đoạn trên giãn
+ Niêm mạc phù nề với những ổ loét hình giả polyp
- Nội soi và sinh thiết
+ Phù nề, vết xước ổ loét dài hoặc bầu dục từng đoạn xen kẽ bình thường, hình lát đá
+ Hẹp trực tràng, thành trực tràng dày lên mấp mô có ổ loét.
+ Niêm mạc lần sần dễ chảy máu
4. Diễn biến và biến chứng
- Bệnh tiến triển chậm, có những đợt trội lên
- Biến chứng:
+ Tắc ruột
+ Thủng ruột
+ Rò ruột: giữa hai quai ruột với nhau. Ruột non với bàng quang (đái ra hơi – pneumaturia). Rò trực tràng – âm đạo.
+ áp-xe: biểu hiện chứng mưng mủ sâu (sốt, bạch cầu tăng, suy sụp cơ thể). Đồng thời có những biểu hiện tại chỗ tương ứng ổ áp-xe.
+ Chảy máu tiêu hoá: ỉa chảy có máu, hoặc thiếu máu mạn.
+ Giãn đại tràng cấp tính (hiếm)
+ Ung thư hoá (hiếm)
5. Chẩn đoán
– Chẩn đoán xác định:
Hai yếu tố gợi ý chẩn đoán bệnh Crohn:
+ Lâm sàng: ỉa chảy kéo dài có bệnh tích quanh hậu môn.
+ Xét nghiệm: X quang hẹp đoạn hồi tràng, hoặc các ổ loét đại tràng. Hình ảnh nội soi trực tràng.
Yếu tố quyết định: sinh thiết có hình ảnh tế bào dạng biểu mô và tế bào khổng lồ không bã đậu hoá.
– Chẩn đoán phân biệt:
+ Với viêm ruột thừa cấp, đám quánh, apxe ruột thừa (chỉ khi mổ mới biết bệnh Crohn).
+ Các bệnh viêm hồi tràng cấp tính chẩn đoán sau phẫu thuật).
+ Viêm trực tràng, đại tràng chảy máu (xem bảng).
+ Phân biệt với lao ruột (sốt về chiều, đau âm ỉ có khối u ở hố chậu phải, Mantoux dương tính, có thể thấy BK trong phân, nội soi có các hạt lao màu trắng hoặc ổ loét nông bờ mỏng và tím bầm có thể chảy máu ở bờ ổ loét hoặc khối u chắc, mặt không đều xâm nhập hết vùng manh tràng).
Phân chia theo Cockharl Mumery và Morson Maratka, Crismar, Giffroy
Đặc điểm | Viêm đại trực tràng chảy máu | Bệnh Crohn |
Bệnh tích trực tràng | thường có | hơi hiếm |
Bệnh tích hậu môn | hiếm | khá phổ biến |
Cách lan toả | liên tục | có đoạn lành xen kẽ |
Hướng lan toả | ngược lên trên | cả 2 chiều |
Chảy máu | thường có | ít hơn |
Khối sờ thấy | không có | thường có |
Lỗ rò | hiếm | thường có |
Biến đổi niêm mạc | giả polyp | hình đường lát đá |
Hẹp ruột | hiếm, hẹp 2 bên đều không gây tắc | thường có, hẹp 1 bên, hay gây tắc |
Bờ đại tràng trên X quang | cứng, có ổ loét | cứng, có vết nứt, rò |
6. Điều trị
Vì bệnh chưa thật rõ nguyên nhân nên điều trị triệu chứng là chính:
- Nghỉ ngơi, ăn uống chế độ thích hợp (nhiều calo, ít cặn bã, cân đối thành phần protit, lipit, gluxit). Truyền dung dịch dinh dưỡng
- Thuốc: Salazopyrin và các sulfamit khác. Việc dùng corticoid (30 – 40 mg/ 24 giờ) tiến hành thận trọng.
- Có tác giả dùng Metronidazol (Flagyl 0,25g x 3 viên/ 24 giờ) cũng không có tác dụng rõ rệt.