QUY (đương quy)
Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels; Họ hoa tán (Apiaceae)
Bộ phận dùng: Rễ (vẫn gọi là củ).
Thứ có thân và cả rễ gọi là đương quy hay toàn quy.
Thứ không có rễ gọi là độc quy.
Xuyên quy là quy mọc ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) là loại tốt hơn cả.
Lai quy: quy không thật giống.
Toàn quy thường chia ra:
+ Quy đầu (lấy một phần về phía đầu)
+ Quy thân (trừ đầu và đuôi)
+ Quy vĩ (lấy riêng phần rễ nhánh)
Quy có thịt chắc, trắng, hồng, củ to, nhiều dầu thơm không mốc mọt là tốt.
Thành phần hóa học: có tinh dầu (0,2%), chất đường và sinh tố B12.
Tính vị – quy kinh: Vị cay, hơi ngọt, đắng, thơm, tính ấm. Vào ba kinh tâm, can và tỳ.
Tác dụng: Bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường.
Công dụng:
+ Kinh nguyệt không đều, đau bụng, chấn thương, ứ huyết, tê nhức, huyết hư, sinh cơ nhục, đại tiện bí (dùng sống hay tẩm rượu).
+ Tỳ táo, tỷ hàn, ăn ít, băng huyết (tẩm rượu sao):
+ Quy đầu: chỉ huyết, bổ.
+ Quy thân: dưỡng huyết
+ Quỵ vĩ: hành huyết.
Liều dùng: Ngày dùng 4 – 28g.
Kiêng kỵ: tỳ thấp, tiết tả không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Rửa sạch bằng rượu, cắt bỏ đầu, thái mỏng, tẩm rượu một đêm.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
– Rửa qua bằng rượu, nếu không có rượu rửa bằng ít nước cho nhanh, vẩy ráo nước ủ một đêm cho mềm, thường đem bào mỏng một ly (dùng sống), cách này thường dùng.
Nếu rửa bằng nước và muốn để lâu phải sấy nhẹ qua diêm sinh để chống mốc. Nếu bị mốc thì lấy rượu tẩy đi.
Nếu quy bé, đồ qua cho mềm, xếp vào nhau, đập bẹp, ép thành miếng to rồi bào, sẽ được miếng quy to và đẹp.
– Có thể bào mỏng rồi đem tẩm rượu và nếu cần thì sấy nhẹ lửa. Có người pha rượu với mật ong (1/5) để làm dịu tính cay rồi tẩm.
– Có thể sau khi tẩm
rượu thì sao qua (vi sao) để trị băng huyết.
Bảo quản: để nơi khô ráo, đựng trong hòm gỗ, có lót ít vôi sống, khi trời ẩm nên mở hòm cho thoáng gió. Khi sấy, phơi không dùng sức nóng quá là mất tinh dầu.