Bạch hoa xà thiệt thảo ( 白花蛇舌草 )
Tên và nguồn gốc
+ Tên thuốc: Bạch hoa xà thiệt thảo (Xuất xứ: Quảng Tây Trung dược chí).
+ Tên khác: Xà thiệt thảo (蛇舌草), Ải cước bạch hoa xà lợi thảo (矮脚白花蛇利草), Xà thiệt hòang (蛇舌癀), Mục mục sinh châu thảo (目目生珠草), Tiết tiết kết nhụy thảo (节节结蕊草), Liêu ca lợi (鹩哥利), Thiên đả trùy (千打捶), Dương tu thảo (羊须草), Xà tổng quản(蛇总管), Hạc thiệt thảo (鹤舌草), Tế diệp liễu tử (细叶柳子).
+ Tên Trung văn: 白花蛇舌草 Bái Huā Shé Shé Cǎo
+ Tên Anh văn: Spreading Hedyotis Herb, Herb of Spreading Hedyotis
+ Tên La tinh:
Hedyotis diffusa Willd. [Olden-landia diffusa (Willd.) Roxb.]
+ Nguồn gốc: Là cây tòan thảo luôn rễ của Bạch hoa xà thiệt thảo thực vật lòai cây thiến thảo (Gamene).
– Hình thái thực vật –
Cây thảo sống 1 năm, cao 15 ~50 cm, thân mỏng manh, hình hơi vuông, hoặc hình trụ tròn, nhẵn không lông. Lá mọc đối, có cuống ngắn hoặc không cuống; phiến lá hình thon dài đến hình ngọn giáo dạng thon dài, dài 1 ~ 3,5 cm, rộng 1 ~ 3mm, chất sừng; lá kèm chất màng, phần gốc lớn lên thành dạng bao, dài 1 ~2mm, đỉnh nhọn có răng nhỏ. Hoa mọc đơn hoặc 2 đóa hoa mọc ở nách lá, không cuống hoặc gần như không cuống; đài hoa hình ống, tách ra 4, ở mép miếng tách có tơ cứng ngắn; vành hoa hình nón, dài độ 3 mm.
Sắc trắng thuần, trước ngay thẳng tách sâu ra làm 4, nhẵn sạch; bộ nhị 4; bầu 2 ô, đầu trụ tách nông ra làm 2 có hình bán cầu. Quả nang (capsule), hình cầu dẹt, đường kính 2 ~3 mm, sau ô tách ra, đài hoa không rụng.
Hạt giống màu vàng nâu, cực nhỏ.
Thời kỳ ra hoa: tháng 7~ tháng 9.
Thời kỳ kết quả: tháng 8 ~ tháng 10.
Bạch hoa xà thiệt thảo khô
Phân bố môi trường sống
Mọc ở khe núi, bờ đường, trong bụi cỏ khe núi, bờ ruộng, ven nước. Phân bố ở các vùng Vân Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tô, An Huy v.v …(Trung Quốc).
Thu hái
Mùa hạ, mùa thu hái, phơi khô hoặc dùng tươi.
Tính vị
– Trung dược đại từ điển: đắng ngọt, lạnh.- Trung Dược học: hơi đắng ngọt, lạnh.
– Trung Tây dược chí: Vị đắng ngọt, tính ấm, không độc.
– Mân Nam dân gian thảo dược: đắng, bình, không độc.
– Tuyền châu bản thảo: ngọc hơi chua, tính lạnh.
– Quảng Đông Trung dược II: Cay sáp, lạnh, không độc.
Qui kinh
– Trung dược học: Vào kinh Vị, Đại trường, Tiểu trường.
– Quảng Tây Trung dược chí: Vào 3 kinh Tâm, Can, Tỳ.
Công dụng và chủ trị
Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc.
Trị phế nhiệt ho suyễn, viêm amidan. viêm họng, viêm ruột thừa, kiết lỵ, nhiễm trùng đường tiểu, hòang đản, viêm gan,viêm xoang chậu, viêm phần phụ, đinh nhọt sưng, u bướu. Cũng có thể dùng trị ung thư đường tiêu hóa.
– Triều Châu chí – Vật sản chí: Thân lá ép nước uống, trị viêm ruột thừa, lại còn có thể trị các bệnh về ruột.
– Quảng Tây Trung dược chí: Trị trẻ con cam tích, vết thương rắn độc cắn, ung thư sưng.
Trị ngòai Bạch phao sang, Xà lại sang.
– Mân nam dân gian thảo dược: Thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm giảm đau.
– Tuyền châu bản thảo: Thanh nhiệt tán ứ, tiêu ung giải độc. Trị ung nhọt, bệnh tràng nhạc (loa lịch), lại cón có thể thanh phế hỏa, tả phế nhiệt. Trị phế nhiệt suyễn xúc (thở gặt). ho nghịch, ngực buồn bực.
– Quảng Tây Trung dược chí: Thanh nhiệt giải độc, họat huyết lợi tiểu. Trị viêm amidan, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan, kiết lỵ, nhiễm trùng đường tiểu, tiểu nhi cam tích.
– Ứng dụng –
- Nhọt sưng lở độc, yết hầu sưng đau, vết thương rắn độc cắn: Bổn phẩm đắng lạnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc khá mạnh, dùng trị các chứng do nhiệt độc gây ra, uống trong dùng ngòai đều được. Như đơn dụng thứ tươi giã nát đắp ngòai, điều trị ung sưng lở độc, cũng có thể cùng dùng với Kim ngân hoa, Liên kiều, Dã cúc hoa v.v…; Dùng trị trường ung đau bụng, thường cùng dùng với Hồng đằng, Bạch tương thảo, Mẫu đơn bì v.v…; Nếu trị cổ họng sưng đau phần nhiều cùng dùng với Hòang cầm, Huyền sâm, Bản lam căn v.v…; Nếu dùng trị vết thương rắn độc cắn, có thể đơn dụng thứ tươi giã nát vắt nước trong uống hoặc sắc nước uống, bã đắp vào vết thương, hiệu quả điều trị khá tốt, cũng có thể ứng dụng phối ngũ với Bán chi liên, Tử hoa địa đinh, Tảo hưu v.v…Gần đây lợi dụng bổn phẩm có công hiệu thanh nhiệt giải độc tiêu sưng, đã dùng rộng rãi điều trị các chứng ung thư.
- Nhiệt lâm rít đau: Bổn phẩm cam hàn, có công hiệu thanh nhiệt lợi thấp thông lâm, đơn dụng bổn phẩm điều trị bàng quang thấp nhiệt, tiểu tiện nhỏ giọt sáp đau, cũng thường cùng dùng với Bạch mao căn, Xa tiền thảo, Thạch vi v.v…
Ngoài ra bổn phẩm có thể thanh nhiệt lại kiêm lợi thấp, còn có thể dùng trị thấp nhiệt hòang đản.
Cách dùng và liều dùng
– Uống trong: sắc thang, 1 ~2 lượng; hoặc giã lấy nước. Dùng ngòai : Giã đắp (Trung dược đại từ điển).
– Sắc uống 15 ~ 60g. Dùng ngòai lượng thích hợp (Trung dược học).
Kiêng kỵ
– Quảng Tây Trung dược chí: Đàn bà có thai dùng cẩn thận.
– Trung dược học: Âm thư và Tỳ Vị hư hàn kỵ uống.
Nghiên cứu hiện đại
- Thành phần hóa học:
– Tòan cây phân tách ra Hentriacontane, Stigmasterol, Ursolic acid, Oleanolic acid, β-sitosterol, β-sitosterol -D-glycoside, Coumaric acid v.v… (Trung dược đại từ điển).
– Toàn thảo hàm chứa asperuloside, asperulosidic acid, deacetylasperulosidicacid, genipoSidic acid, scandoside, scandodide methyl ester, 6-O-p-hydroxycinnamoyl scandoside methylester, 6-O-P-methO-xycinnamlyl scandoside methyl ester, 6-O-feruloyl scandoside methyl ester, 2-methyL-3-hvdroxyanthraquinone, 2-methyl-3-methoxyanthraquinone, 2-methyl-3-hvdroxy-4-methoxyanthraquinone v.v…[1-3], cùng với ursolic acid, β-sitosterol, [4], hentriacon-tane, stigmasterol, oleanolic acid, β-sitosterol-β-D-glucoside, p-coumaricacid v.v…[5,6] (Trung Hoa bản thảo).
- Tác dụng dược lý:
1- Tác dụng chống u bướu:
Ở ngòai cơ thể (tương đương thuốc sống 6g/ml) có tác dụng ức chế khá mạnh đối với tế bào lympho cấp, bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân (monocyte) cùng với tế bào u bướu (tumour cell) kiểu bạch cầu hạt mạn tính (phép thử ống nghiệm xanh metylen); dùng máy hô hấp họ Ngõa (warburg’s manometer) xác định, đối với 2 cái trước thì tác dụng ức chế cũng tương đối mạnh.
Từng dùng cao ngâm cho chuột con S – 180 và ung thư bụng nước họ Ngải, cùng với điều trị thực nghiệm bướu thịt (sarcoma) Kichita (Kiết điền) cho chuột lớn, đều không có tác dụng chống ung thư rõ rệt; 0,5 ~ 1g thuốc sống/ ml có ức chế ở ngòai cơ thể đối với bướu thịt Kichita và ung thư bụng nước họ Ngải (phép thử ống nghiệm xanh metylen), nhưng tác giả cho rằng điều này thuốc tính không đặc thù (Trung dược đại từ điển).
2- Tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm: Tác dụng kháng khuẩn ngòai cơ thể không rõ rệt, chỉ tác dụng hơi yếu đối với khuẩn cầu chùm sắc kim vàng và trực khuẩn lỵ.
Quan sát dịch sắc đối với công năng bảo vệ hệ thống nội bì dạng lưới và ảnh hưởng của sức sống bảo vệ bạch cầu ở trong ngòai cơ thể của thỏ viêm ruột thừa nhân tạo và bình thường, cho rằng tác dụng kháng viêm của nó là nhân tố kích thích tăng sinh hệ thống nội bì dạng lưới và tăng cường sức sống bảo vệ gây ra.
Ngòai ra tiêm dịch Bạch hoa xà thiệt thảo vào xoang bung chuột con có thể xuất hiện tác dụng giảm đau, trấn tỉnh, thúc ngủ (Trung dược đại từ điển).
3- Phản ứng không tốt: Bổn phẩm lúc dùng liều 30 ~ 60g, chưa thấy độc tính rõ và tác dụng phụ, cá biệt ca bệnh sau khi liên tục uống thuốc có hiện tượng miệng khô. Dịch tiêm của nó tiêm tĩnh mạch liều lớn, có thể làm số bạch cầu hạ thấp độ nhẹ, sau khi ngừng thuốc có thể khôi phục bình thường. Ngẫu nhiên thấy phản ứng dị ứng mụn chẩn sắc đỏ và hô hấp khó khăn v.v…sau khi ngừng thuốc thì thuyên giảm (Trung dược học).
Bài thuốc cổ kim tham khảo
+ Phương thuốc 1: Trị kiết lỵ, viêm đường tiểu: Bạch hoa xà thiệt thảo 1 lượng. Sắc nước uống.
(Phúc Kiến Trung thảo dược)
+ Phương thuốc 2:
Trị hòang đản: Bạch hoa xà thiệt thảo 1 ~ 2 lượng. Lấy nước dịch hòa mật ong uống.
(Hạ môn)
+ Phương thuốc 3:
Trị trẻ con kinh nhiệt, không ngủ được: Xà thiệt hòang tươi, giã nước, uống 1 thìa canh.
(Mân Nam dân gian thảo dược)
+ Phương thuốc 4:
Trị mụn nhọt nóng sưng đau: Xà thiệt hòang tươi rửa sạch, giã nát đắp vào, khô lại thay.
(Mân Nam dân gian thảo dược)
+ Phương thuốc 5: Trị vết thương rắn độc cắn: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi 1 ~ 2 lượng. Giã nát vắt lấy nước hoặc sắc nước uống, bã đắp vết thương.
(Phúc Kiến Trung thảo dược)
(Chú ý: Trước khi sử dụng phương này, bạn cần tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc.)
+ Phương thuốc 6: – Chủ trị: Ung thư ruột, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư mũi họng.
– Thành phần: Bạch hoa xà thiệt thảo 150g, Bạch mao căn 100g, đường cát đỏ 100g.
– Cách dùng: Đem 2 vị trước sắc nước bỏ bã, thêm đường đỏ hòa tan, làm trà uống, uống liền vài tháng.
+ Phương thuốc 7: – Chủ trị: Nhiễm trùng hệ tiết niệu.
– Thành phần: Bạch hoa xà thiệt thảo, Kim ngân hoa, Dã cúc hoa mỗi vị 30g; Thạch vi 15g, Xa tiền thảo 40g.
– Cách dùng: Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang. Uống liền 5 ~ 7 ngày.
+ Phương thuốc 8: – Chủ trị: Viêm phổi.
– Thành phần: Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, Ngư tinh thảo 20g (bỏ sau), Trần bì 5g.
– Cách dùng: Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang.
+ Phương thuốc 9: – Chủ trị: Chứng uất tích mào tinh sau khi thắt ống dẫn tinh.
– Thành phần: Bạch hoa xà thiệt thảo 50g, Tiểu hồi hương 10g.
– Cách dùng: Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, uống liền 1 tháng.
+ Phương thuốc 10:
– Chủ trị: Hòang đản.
– Thành phần: Bạch hoa xà thiệt thảo 60g, Bạch mao căn 30g.
– Cách dùng: Sắc nước, phân 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO
Tên khác:
Giáp mãnh thảo, Xà thiệt thảo, Nhị Diệp Luật (Trung Dược Học), Xà thiệt thảo, Ải cước bạch hoa xà lợi thảo (Quảng Tây Trung Dược Chí), Mục mục sinh châu dược Tiết tiết kết nhụy thảo, Dương tu thảo (Quảng Đông Trung Dược), Xà tổng quản, Hạc thiệt thảo Tế diệp liễu tử (Phúc Kiến Trung Thảo Dược), Tán thảo, Bòi ngòi bò, Bòi ngòi bò (Việt Nam).
Tên gọi:
Cây có lá như lưỡi rắn nên có tên Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo.
Tên khoa học:
Odenlandia diffusa (Willd) Roxb.
Họ khoa học:
Cà Phê (Rubiaceae).
Mô tả:
Cây thảo sống hàng năm, mọc bò, nhẵn. Thân hình 4 cạnh, màu nâu nhạt tròn ở gốc. Lá hình giải hay hơi thuôn, nhọn ở đầu, màu xám, dai, không cuống, lá kèm khía răng ở đỉnh. Hoa thường mọc đơn độc, hay họp 1-2 chiếc ở nách lá. Hoa màu trắng ít khi hồng, không cuống. Đài 4 hình giáo nhọn, ống dài hình cầu. Tràng 4 tù nhẵn, ống tràng nhẵn cả hai mặt. Nhị 4 dính ở họng ống tràng. Bầu 2 ô, 2 đầu nhụy, nhiều noãn, quả khổ dẹt ở đầu, có đài còn lại ở đỉnh. 2 ô nhiều hạt, có góc cạnh. Có hoa quả hầu như quanh năm.
Địa lý:
Cây có ở cả 3 miền nước ta, ở vườn hai bên lối đi đều hay gặp. Thu hái, sơ chế: Thu hái phơi khô cất dùng.
Phần dùng làm thuốc:
Toàn cây.
Thành phần hóa học:
+ Trong Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo chủ yếu có: Hentriaconotane, Stigmastatrienol, Ursolic acid, Oleanolic acid, b-Sitosterol, p-Coumnic, b-Sitosterol-D-Glucoside (Trung Dược Học).
+ Asperuloside, Asperulosidic acid, Geniposidic acid, Deacetylasperulosidic acid, Scandoside, Scandoside methylester, 5-O-p-Hydroxycinnamoyl scandoside methylester, 5-O-feruoyl scandoside methylester, 2-Methyl-3- Hydroxyanthraquinose, 2-Methyl-3- Methoxyanthraquinose, 2-Methyl-3- Hydroxy-4- Methoxyanthraquinose (Nishihama Y và cộng sự, Planta Med, 1981, 43 (1): 28).
+ Ursolic acid, b-Sitosterol Yakagi S và cộng sự, Shoyakugaku Zasshi 1982, 36 (4): 366).
Tác dụng dược lý:
Tác dụng kháng khuẩn: In vitro, tác dụng này không mạnh. Có tác dụng yếu đối với Tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ. Dịch chích không có tác dụng ức chế vi khuẩn. Thuốc có hiệu quả rõ rệt đối với ruột dư viêm thực nghiệm trên thỏ (Trung Dược Học).
+ Tác dụng trên hệ miễn dịch: những thực nghiệm căn bản trên thỏ, có thể tin rằng sự kháng nhiễm có thể do thuốc có tác động lên hệ miễn dịch của cơ thể như làm tăng sinh hệ tế bào nội bì lưới, làm tăng hoạt lực của tế bào thực bào, tăng chức năng hệ miễn dịch không đặc hiệu (Trung Dược Học).
+Tác dụng chống khối u: thuốc sắc Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo nồng độ cao in vitro thấy có tác dụng ức chế đối với tế bào trong bệnh bạch cầu viêm cấp, bạch cầu hạt tăng cấp (Trung Dược Học).
+Thuốc còn có tác dụng làm tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận, nhờ đó, có tác dụng kháng viêm (Trung Dược Học).
+Tác dụng kháng ung thư: Thuốc ức chế sự phân chia sinh sản của hạch tế bào ung thư làm cho tế bào ung thư hoại tử khác biệt so với lô chứng (Trung Dược Học).
+ Tác dụng ức chế sản sinh tinh dịch: theo dõi 102 cas, kiểm tra tinh dịch sau 3 tuần uống thuốc thấy có 77% bệnh nhân tinh trùng giảm từ 1/3 đến 1/10 so với trước khi uống thuốc (Trung Dược Học).
+ Chích nước sắc chiết cồn của Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo cho bệnh nhân bị nhiều loại rắn độc khác nhau cắn phải, dùng một mình hoặc kết hợp với thuốc chống nọc độc, thấy có tác dụng làm giảm tỉ lệ tử vong của chuột do độc tố của rắn độc. Ở các cas trung bình, chỉ dùng Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo là đủ (Trung Dược Học).
+ Điều trị ruột dư viêm: dùng liều cao (40g tươi hoặc 20g khô) Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo, trong nhiều nghiên cứu thấy có kết quả tốt. Trong 1 lô 30 bệnh nhân, bị ruột dư viêm được điều trị bằng thuốc sắc Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo, trong khi nhóm khác dùng Dã Cúc Hoa và Hải Kim Sa. Có 2 bệnh nhân cần giải phẫu, còn lại tất cả đều hồi phục, không có vấn đề gì. Thời gian nằm viện là 4,2 ngày (Trung Dược Học).
Tính vị:
+Vị ngọt nhạt, tính mát (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (Trung Dược Học).
+Vị đắng, ngọt, tính ôn, không độc (Quảng Tây Trung Dược Chí).
+ Vị hơi ngọt, tính hơi hàn (An Huy Trung Thảo Dược).
Quy Kinh:
+ Vào kinh Can, Vị, Tiểu trường (Trung Dược Học).
+ Vào kinh Vị, Đại trường, Tiểu trường (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
+ Vào kinh Tâm, Can, Tỳ (Quảng Tây Trung Dược Chí).
Tác dụng:
+ Thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, khử ứ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Thanh nhiệt, giải hỏa độc, tiêu ung (Trung Dược Học).
+ Thanh nhiệt, giải độc, tiêu ung, kháng nham, lợi thấp (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
+ Tiêu thủng, giải độc, khu phong, chỉ thống, tiêu viêm (Quảng Đông Trung Dược).
Chủ trị:
+ Trị các loại sưng đau do ung thư, các loại nhiễu trùng như nhiễm trùng đường tiểu, viêm hạnh nhân, viêm họng, thanh quản, viêm ruột thừa, viêm phế quản cấp mãn tính, viêm gan thể vàng da hoặc không vàng da cấp tính, Rắn độc cắn, sưng nhọt lở đau, tổn thương do té ngã(Quảng Tây Trung Dược Chí).
+ Trị rắn cắn, ung thư manh trường, kiết lỵ (Quảng Đông Trung Dược). Liều dùng Dùng khô từ 20-40g, ngoài dùng tươi gĩa nát đắp lên nơi đau. Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị ung nhọt, u bướu: Bạch hoa xà thiệt thảo 120g, Bán biên liên (tươi) 60g sắc uống, ngoài đâm nát đắp lên nơi đau (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
+ Trị ung thư phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo, Bạch mao căn mỗi thứ 160g (dùng tươi), sắc uống với nước đường (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị ruột dư viêm cấp tính: Bạch hoa xà thiệt thảo 80g, sắc uống, nhẹ ngày 1 thang, nặng ngày 2 thang (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị ho do viêm phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 40g. Trần bì 8g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị amidal viêm cấp : Bạch hoa xà thiệt thảo 12g, Xa tiền thảo 12g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị đường tiểu viêm, tiểu buốt, tiểu gắt: Bạch hoa xà thiệt thảo, Dã cúc hoa, Kim ngân hoa, mỗi thứ 40g, Thạch vi 20g, sắc uống thay nước trà (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Trị chấn thương thời kỳ đầu: Bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 120g, nước, rượu mỗi thứ 1 nửa sắc uống (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
+ Bảo vệ gan, lợi mật: Bạch hoa xà thiệt thảo + Hạ khô thảo + Cam thảo [theo tỉ lệ 2 + 2 + 1] (Tam Thảo Thang – Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
+ Trị ruột dư viêm cấp đơn thuần và phúc mạc viêm nhẹ: Bạch hoa xà thiệt thảo 60g, sắc, chia 3 lần uống. Đã trị hơn 1000 cas kết qủa tốt (Dược Lý Và Ứng Dụng Trung Dược, NXB Vệ Sinh Nhân Dân, 1983).
+ Trị rắn độc cắn: Bạch hoa xà thiệt thảo 20g, sắc với 200ml rượu uống trong ngày. Dùng 2/3 thuốc, chia làm 2-3 lần uống, còn 1/3 đắp vào vết cắn. Trị 19 cas đều khỏi (Quảng Đông Y Học Tạp Chí 1965, 4:14).
+ Trị dịch hoàn ứ nước (biến chứng sau khi thắt ống dẫn tinh): Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, sắc, chia làm 3 lần uống. Trị 38 cas, có kết qủa 34 cas (Vạn Hiếu Tài – Nông Thôn Y Học Tạp Chí 1987, 2:11).
+ Trị gan viêm, vàng da: Bạch hoa xà thiệt thảo 31,25g, Hạ khô thảo 31,25g, Cam thảo 15,625g, chế thành xi rô. Trị 72 cas, có kết quả 100%. Ngày nằm viện bình quân 25,3 ngày (Tam Thảo Thang – Báo Cáo Của Khoa Nhiễm Bệnh Viện Trực Thuộc số 2 Học Viện Y Học Hồ Nam đăng trong Thông Tin Trung Dược Thảo 1987, 2:1).
Tham Khảo:
“Bạch hoa xà thiệt thảo + Bán chi liên mỗi vị 40g, được dùng nhiều trong các bài thuốc trị các loại ung thư (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
Phân biệt:
- Cây trên khác với cây cũng được gọi là Bạch hoa xà thiệt thảo, hoặc có các tên khác như: Đuôi công hoa trắng, Bươm bướm tích lan, Bươm bướm trắ Nhài công, Bạch tuyết hoa. Lài đưa, Chiến (Plumbago zeylanic L.) thuộc họ Plumbaginnaceae, là cây cỏ cao từ 0,50m đến 1m, cành có góc, thân có khía dọc. Lá hình trứng hay thuôn, đầu nhọn mọc so le, cuống lá ôm lấy thân, hoa hình đinh màu trắng, mọc thành bông dày đặc ở ngọn, đài có nhiều lông dính.
Nhân dân thường lấy rễ lá tươi để làm thuốc. Rễ có màu trắng đỏ nhạt, mép ngoài sẫm có rãnh dọc, phấn trong màu nâu, vị hắc gây buồn nôn, có tính chất làm rộp da. Cây này có vị cay tính nóng, có độc, có tác dụng thông kinh. hoạt huyết, sát trùng tiêu viêm. Thường dùng ngoài để chữa đinh nhọt, tràng nhạt, sưng vú, dùng lá rễ tươi đâm nát đắp vào. Khi chữa hắc lào lở ghẻ lấy rễ tươi rửa sạch gĩa nhỏ phơi trong mát ngâm rượu 70 độ bôi vào, chữa chai chân đi không được bằng cách đâm tươi rịt 2 giờ rồi bỏ ra. Ngoài ra có thể sao vàng sắc uống để trừ hàn lãnh, ứ huyết của sản phụ.
- Cũng cần phân biệt với cây Xích hoa xà còn gọi là Bạch hoa xà, Bươm bướm hường, Bươm bướm đỏ đuôi công (Plumbago indica Linn hoặc Plumbago rosea Linn.) là cây thảo thân hóa gỗ rất nhiều, có khía dọc nhỏ nhẵn. Lá nguyên mọc cách hình mũi mác thuôn, mặt trên hơi có lông gần tù ở đầu, cuống lá ngắn.
Hoa họp thành bông dài ở đỉnh, đơn hoặc phân ít nhánh ở phần trên, lá bắc hình trứng, chỉ bằng 1/4 của đài. Đài hình trụ có 5 cạnh phủ lông tuyến khắp mặt ngoài, tận cùng là 5 răng ngắn, nhọn. Tràng màu đỏ, ống nhỏ, dài gấp 4 lần đài, 5 thùy trải ra hình trứng hơi tròn. Nhị 5. Bầu bé, vòi nhụy chĩa thành 5 cánh ở ngọn. Cây có ở cả 3 miền nước ta, thường được dùng làm cảnh. Có tài liệu giới thiệu rễ cây này cũng có công dụng như cây này. Kinh nghiệm nhân dân dùng bột rễ cây này trộn với dầu để xoa bóp nơi tê thấp và bệnh ngoài da như cùi hủi, ung thư. Có nơi chữa đau gân, đau xương, làm thuốc trụy thai, thường hay dùng lá, nếu nhức xương thì dùng rễ, lá xào ăn, ăn nhiều thì có tác dụng xổ.
- Ngoài ra người ta còn dùng cây Bòi Ngòi Trắng (Oldenlandia pinifolia (Wall) Schum) để thay cho Bạch hoa xà thiệt thảo.
- Ở Trung Quốc cũng dùng cây Bòi Ngòi Ngù, còn gọi tên khác là Vỏ Chu (Oldenladia corymbosa Linn.) hoặc Thủy tuyến thảo, là cây cùng họ với cây trên, công dụng giống Người ta thường cho rằng tác dụng trị ung thư thì cây Bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng tốt hơn cây này. Đó là cây thảo sống hàng năm thẳng đứng cao 0,15-0,40m, phân nhánh nhiều, nhẵn. Thân non màu lục, có 4 cạnh, sau tròn và xám ở gốc. Lá hình giải hay hình trái xoan dài, nhọn cả hai đầu và không có cuống, chỉ có gân chính là nổi rõ, lá kèm mềm, chia thùy ở đỉnh. Hoa tập trung thành sim ở nách lá. Quả nang hình bán cầu, hơi lồi ở đỉnh. Cây có hoa và quả quanh năm. Nhân dân dùng toàn cây, thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hè, thu, lúc cây ra hoa. Thu hái về phơi khô hay sao vàng, dùng trong các chứng sốt cao, đau nhức xương cốt, thấp khớp, đau lưng, mệt lả (Danh Từ Dược Vị Đông Y).