Tên khoa học: Amomum krervanh Pierre.
Họ: Gừng – Zingiberaceae.
1. Mô tả, phân bố
Bạch đậu khấu là cây thảo cao 2-3m. Lá xếp 2 dẫy, hình trái xoan hay ngọn giáo, dài tới 60cm, rộng tới 12cm, nhưng thường chỉ dài 35cm, rộng 7-8 cm, lá có rạch, có điểm tuyến, hơi có mạng; cuống lá rất ngắn, có cánh rộng. Cán hoa 1-2 cái, ở gốc thân, có vẩy lợp, hình tam giác, có lông vàng kim ở ngoài. Cụm hoa hình trụ, hơi hình nón, dài 8-11cm, rộng 4-5cm, lá bắc vàng rơm, lợp khít nhau, có lông ở mặt ngoài, dài 4cm, rộng 15-17mm. Hoa nhỏ, màu vàng vàng, chỉ để lộ cánh môi ra ngoài các lá bắc; ống tràng dài bằng đài có các thuỳ màu trăng trắng chỉ dài bằng nửa cánh môi; cánh môi hình bầu dục, nguyên, vàng ở giữa, hơi vàng ở mép. Quả có lông vàng kim, rồi hoá nhẵn, hình cầu, đường kính 16mm, có 5-6 cạnh hơi rô với 9 rạch. Hạt 5-9, hình cầu, hơi dẹp, đáy lõm. Hoa tháng 5; quả tháng 8.
2. Bộ phận dùng, thu hái
bộ phận dùng la quả, thường gọi là Ðậu khấu. Đây là loài đặc hữu của Campuchia, Thái Lan; cũng gặp ở vùng núi Thất Sơn của An Giang. Thu hái quả ở những cây già (3 năm), khi quả từ màu xanh chuyển sang màu vàng xanh thì hái, đem về phơi hay sấy khô, loại bỏ cuống rồi xông diêm sinh (lưu huỳnh) cho vỏ trắng ra là được. Khi dùng bóc vỏ lấy hạt.
3. Thành phần hóa học
Hạt bạch đậu khấu chứa 2,4% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là d-borneol và d-camphor.
4. Công dụng, cách dùng
Ðậu khấu vị cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng ôn tỳ, chỉ tả, hành khí, tiêu trệ, giải độc rượu. Vị thuốc bạch đậu khấu thường dùng trị bị nhiễm lạnh đau bụng, khí trệ, bụng đầy trướng, nôn oẹ, hoặc sáng ăn tối nôn, ăn không tiêu, đau bụng ỉa chảy, hay ợ hơi, trúng độc rượu.
Ngày dùng 4-8 g, dạng thuốc sắc hoặc bột.
Ðơn thuốc:
1. Lợm giọng, buồn nôn: Nhấm hạt Ðậu khấu, nuốt nước.
2. Trẻ con bú vào, trớ ra: Dùng 14 nhân Ðậu khấu, 14 nhân Sa nhân, 8 g Cam thảo, tán nhỏ, xát vào miệng.