ACTISÔ
Folium Cynarae 
            Bộ phận dùng làm thuốc là lá của cây actisôCynara scolymus L., họ Cúc Asteraceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố:
            Cây thuộc thảo lớn. Vào năm thứ nhất cây có một vòng lá, lá to dài có thể hơn 1m rộng có thể hơn 50cm, lá xẻ sâu thành nhiều thuỳ, màu trắng nhạt ở mặt dưới vì có nhiều lông nhung, gân lá nổi rõ. Vào năm thứ 2 từ giữa vòng lá có thân mọc lên cao đến 1,50m, phía trên có phân cành. Thân mang lá không cuống, nhỏ hơn, hơi phân thuỳ hoặc gần nguyên. Cụm hoa hình đầu to có đường kính 6-15cm, được bao bọc bởi một bao chung lá bắc, hình trứng, các lá bắc mẫm ở gốc, nhọn ở đỉnh. Đế hoa nạc mang những những hoa hình ống màu lơ. Lá bắc non dùng làm thực phẩm. Quả đóng màu nâu sẫm, bên trên có mào lông trắng óng. Cây actisô thích hợp ở vùng khí hậu mát, ở nước ta hiện nay được trồng nhiều ở Lâm đồng, cây cũng đã được trồng ở Sapa và thấy mọc cũng rất khoẻ.
Trồng trọt thu hoạch và chế biến
            Người ta trồng bằng cách lấy những chồi nhú lên ở gốc già vào tháng 3-4 rồi trồng vào các mảnh đất đã cày bừa và bón phân kỹ. Các gốc cách nhau 1,75x1m.
            Theo một số tác giả thì lá thu hoạch vào năm thứ nhất trên những cây chưa ra hoa vào mùa hạ là loại tốt. Nhưng thường người ta thu hoạch lá sau khi đã hái cụm hoa làm thực phẩm vào mùa thu.
            Lá chứa rất nhiều nước nên việc làm khô rất khó khăn. Nếu kéo dài việc phơi sấy thì dược liệu bị kém phẩm chất do các hợp chất o-dihydroxyphenol trong cây bị oxy hoá vì trong cây có chứa sẵn các oxydase. Việc ổn định để diệt enzym chỉ thực hiện dễ dàng khi nguyên liệu có ít. Trên qui mô sản xuất lớn tiến hành như sau: th u hoạch vào mùa hạ khi trời nắng ráo, loại bỏ gân chính ở giữa (vì phần này chứa ít hoạt chất mà lại chiếm khối lượng lớn của lá) thái nhỏ rồi làm khô nhanh ở nhiệt độ 40o. Nếu phơi sấy tốt thì dược liệu giữ được màu xanh sáng (ở mặt trên lá). Dược liệu có vị đắng. Loại dược liệu để đống sau khi thu hoạch hoặc sấy ở nhiệt độ quá cao biến thành màu nâu nhạt, hoạt chất bị giảm nhiều thì không nên dùng. Bộ môn Dược liệu Trường đại học Y dược Tp.HCM đã nghiên cứu qui trình chiết sau khi ổn định lá tươi bằng nhiệt và loại tạp để có một loại cao bảo toàn được hoạt chất, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thành phần hóa học.
Cynarin được coi là hoạt chất chính đã được các tác giả Ý phân lập ở dạng tinh khiết (1954). Phân tử cynarin có dây nối depsid, nó là diester cafeic của acid quinic. Trong lá tươi cynarin tồn tại dạng dicafeyl 1,3-quinic, trong quá trình chiết bằng cách sắc với nước sẽ chuyển thành acid dicafeyl 1,5 – quinic; chất sau đã được tổng hợp.
Cynarin= Acid 1,3-dicafeyl quinic
            Cynarin là chất kết tinh không màu, quay trái, hơi tan trong nước lạnh, tan nhiều trong nước nóng, tan trong các loại alcol. Cynarin là một acid yếu, trong dung dịch kiềm có màu vàng và không bền. Cynarin khử bạc nitrat ở môi trường ammoniac và feric fericyanid. Với natri nitrit và natri molybdat, cynarin cho màu đỏ, thuốc thử này cho màu với các dẫn chất o-dihydroxyphenol.

Bên cạnh cynarin còn có những sản phẩm phân huỷ của nó như acid cafeic (= 3,4-dihydroxy cinnamic), acid chlorogenic (= acid 3-O-cafeyl quinic) và neochlorogenic (= acid 5-O-cafeyl quinic). Người ta còn phát hiện thấy acid 4-O-cafeyl quinic và acid 1-O-cafeyl quinic; hai chất sau không có trong dịch chiết lá tươi.
Các flavonoid cũng là những hoạt chất đáng chú ý. Những dẫn chất của luteolin: cynarosid (=luteolin 7-D-glucopyranosid), scolymosid (=luteolin 7-rutinosid) và cynarotriosid. Bằng sắc ký giấy 2 chiều với cặp hệ dung môi: acid acetic 25%, n-butanol-acid acetic-nước 4:1:5, hiện màu bằng các thuốc thử: dung dịch NaOH trong methanol, dung dịch nhôm sulfat 10% trong nước, FeCl3 trong cồn etylic, 1% chì acetat trong methanol có thể phát hiện được 7 vết flavonoid trong lá actisô.
Luteolin            R=R’=H
Cynarosid         R= glucose,       R’ = H
Scolymosid        R=rutinose        R’ =H
Cynarotriosid     R= rutinose       R’= glucose
Các thành phần khác: chất nhầy, pectin, acid malic, các sterol (b-sitosterol, stigmasterol), alcol triterpenic (taxasterol), một sapogenin (=cynarogenin) và một hoặc chất đắng là cynaropicrin; cynaropicrin là ester của acid a-hydroxymethyl-acrylic với một hydroxylacton sesquiterpenoid thuộc nhóm guanolid.
Sắc ký.
            – Để xác định các chất polyphenol, Paris tiến hành sắc ký giấy, theo phương pháp khai triển đi xuống trong 10 giờ với dung môi là HCl 0,1N. Dùng thuốc thử Barton (hỗn hợp mới pha sắt chlorid 1% và kali fericyanid 1%), các polyphenol khử cho các vết màu xanh. Rf của cynarin nằm trong khoảng 0,30-0,35.
            Có thể tiến hành sắc ký lớp mỏng với chất hấp phụ là silicagel G. Dung môi khai triển là cồn isoamylic- MeOH- nước- acid acetic (4:1:1:1). Thuốc thử phát hiện là dung dịch natri acetat 30% trong acid acetic 10% (a); dung dịch natri nitrit 40% (b); natri hydroxyd 10% (c). Phun lần lượt các dung dịch theo thứ tự trên. Các vết cho màu hồng.
Định lượng: Sau đây là phương pháp định lượng các dẫn chất orthodihydroxyphenol trong cao khô (theo hãng Rosa Phytopharma): cân chính xác khoảng 0,80g cao, cho vào ống ly tâm. Thêm 10ml nước cất, lắc đều. Thêm tiếp 20ml dung dịch chì acetat 10%, lắc đều rồi ly tâm với vận tốc 3000 vòng trong 15 phút. Gạn bỏ lớp nước, thêm vào cắn 5ml dung dịch acid acetic 10% và 25ml dung dịch H2SO4 1N. Chuyển toàn bộ vào bình định mức 100ml, đặt trên máy lắc và lắc trong 1 giờ. Thêm nước đến ngấn. Trích 20ml dung treo rồi ly tâm với vận tốc 3000 vòng/phút trong 15 phút. Lấy chính xác 2ml dịch trong phía trên, cho vào bình định mức 50ml, thêm methanol cho đến ngấn. Đo mật độ quang với máy quang phổ ở bước sóng 325nm. E1%1cm của dung dịch cynarin ở bước sóng 325nm là 616. Hiện nay trong giao dịch với hãng Rosa, cao xuất khẩu không được dưới 3,5% cynarin trong cao khô.
            Trong giao dịch thương mại người ta còn khống chế hàm lượng chlorid. Định lượng theo phương pháp kết tủa chlorid ở môi trường acid nitric bởi 1 dung dịch bạc nitrat 0,1N thừa, rồi chuẩn độ bạc nitrat thừa bằng dung dịch ammonium thiocyanat 0,1N sau khi thêm dung dịch phèn sắt ammoni 10%.
            – Có thể định lượng các hợp chất phenol bằng mật độ kế trên các vết sau khi đã tách bằng sắc ký giấy như đã nói ở trên có so sánh với các hoạt chất đối chứng hoặc có thể cắt các vết ra hoà tan hoạt chất rồi định lượng bằng so màu với các thuốc thử nói ở phần sắc ký.
            Lá là bộ phận chứa nhiều hoạt chất polyphenol, phiến lá có tỉ lệ hoạt chất cao hơn cuống (hơn 10 lần) nên cần bỏ cuống đi; lá non chứa gấp đôi lá già, đỉnh lá nhiều hơn gốc lá và lá của cây chưa ra hoa nhiều hơn cây đã ra hoa. Nếu sấy dược liệu cao quá 40o thì cynarin có thể mất đi gần 80%.
            Nếu phơi sấy tốt thì có thể đạt được như sau: cynarin 0,4-0,52%, acid chlorogenic 0,82-0,95%, acid cafeic 0,20-0,50% (theo dược liệu khô).
Tác dụng và công dụng.
            Cây actisô đã được nhân dân châu Au sử dụng từ lâu để chữa các bệnh sỏi bàng quang, phù thủng, các bệnh về gan.
            Tác dụng tăng tiết mật cũng đã được chứng minh từ năm 1931 (lượng mật có thể tăng gấp 4 lần)
            Nhiều công trình đã làm sáng tỏ các tác dụng của actisô: phục hồi tế bào gan, tăng chức năng chống chất độc của gan, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch, làm hạ cholesterol, thông tiểu.
            Cynarin là hoạt chất quan trọng nhưng các chất khác như flavonoid, các acid cafeic, chlorogenic cũng có tác dụng hiệp đồng.Ở Pháp hàng năm tiêu thụ hơn 1000 tấn lá tươi và hàng trăm tấn lá khô. Xí nghiệp Dược Lâm đồng tiếp thu qui trình chiết xuất của Đại học Dược Tp.HCM. đã bào chế dạng thuốc viên bao “Cynaphytol” có hoạt chất như Chophytol của Pháp.
            Dạng dùng khác đơn giản là cao mềm (nước) với liều 0,20-2g. Có thể dùng dưới dạng thuốc hãm, dùng riêng hoặc phối hợp với các thuốc thông mật và lợi mật khác. Hiện nay trên thị trường có dạng trà hoà tan hoặc trà túi lọc do nhiều đơn vị sản xuất.

            Hoa tươi actisô dùng làm thực phẩm hoặc thái thành lát phơi khô sắc uống thay trà. Rễ cũng được thái lát phơi khô và dùng như hoa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng