Mới chỉ ở dạng “nấu cao”:

Trong khi đang sở hữu cả “kho vàng” dược liệu với gần 4.000 cây thuốc có thể dùng trực tiếp làm thuốc hay để tách chiết một số hoạt chất bào chế thuốc thành phẩm, ngành dược Việt Nam lại phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Thống kê mới đây của Cục Quản lý dược Việt Nam cho thấy, năm 2008, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50,18% nhu cầu sử dụng với 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập từ nước ngoài. 

Theo dược sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex: Tình trạng phụ thuộc này là do Việt Nam chưa đầu tư đúng mức vào công nghệ tách chiết tinh khiết để khai thác nguồn dược liệu quý giá sẵn có.

Với những hứa hẹn từ công nghệ chiết xuất tinh khiết dược liệu, ngành dược Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến việc chủ động sản xuất các loại thuốc đặc trị thay vì các loại thuốc thông thường hiện nay. Ảnh: KIM LIÊN
Thực tế cho thấy, công nghiệp chiết xuất dược liệu của Việt Nam chưa phát triển. Gần như chưa có các nhà máy chiết xuất lớn đúng nghĩa. Các cơ sở thường tự xây dựng các phân xưởng chiết xuất nhỏ phục vụ cho nhu cầu của mình. Phương pháp chiết xuất chủ yếu vẫn là nấu cao, cô cao trực tiếp ở áp suất thường trong không khí. Các cơ sở chiết dược liệu ở vùng trồng (nếu có) cũng chủ yếu là cơ sở nhỏ chế biến một loại cao nhất định với các trang thiết bị khá thô sơ.

Trong xu thế chung hiện nay, một vài doanh nghiệp nắm bắt được sự phát triển của thị trường đã bắt đầu đầu tư các nhà máy chiết xuất ở các vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, phần lớn các trang thiết bị của các nhà máy này vẫn chỉ dùng để “nấu cao” ở quy mô lớn có sự hỗ trợ của máy móc. Một số cơ sở nhỏ có thiết bị hiện đại hơn (chiết có gia nhiệt với các dung môi cồn, cồn – nước, cô thu hồi dung môi dưới áp suất giảm…) nhưng lại thiếu những quy trình chiết, các sản phẩm chiết có chất lượng cao đặc trưng cho cơ sở, có sản lượng đủ lớn cạnh tranh với nước ngoài. Việc đầu tư các thiết bị chiết xuất, các dây chuyền chiết xuất hiện đại cùng với các quy trình chiết xuất dược liệu tiên tiến, hiệu quả chỉ mới là ý tưởng hay mơ ước.

Đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007-2015 và tầm nhìn đến năm 2020” đã xác định: Xây dựng cơ sở chiết xuất hoạt chất tinh khiết từ dược liệu để đảm bảo 20% nhu cầu hoạt chất cho sản xuất thuốc vào năm 2015 và 30% vào năm 2020.

Cũng trong năm 2007, Thủ tướng đã có quyết định số 43 và 61 về phát triển công nghiệp dược, trong đó có đề cập đến các vấn đề tăng cường đầu tư phát triển các cơ sở chiết xuất tinh khiết các hoạt chất từ dược liệu. Tuy nhiên cho đến nay, theo DS. Nguyễn Tiến Hùng, các doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được chính sách này.

Chuyện thu tiền tỷ từ lá xoài đến giờ vẫn là những kỷ niệm khó quên với các doanh nghiệp dược. Vào những năm 1980 khi GS-TS khoa học B.Glưzin – Viện phó Viện Nghiên cứu cây thuốc thuộc Bộ Nông nghiệp của Nga (VILLA) – cùng nhóm cộng sự đến Việt Nam công tác đã phát hiện trong lá xoài có chứa hàm lượng lớn hoạt chất mangiferin – loại hợp chất dùng để làm thuốc trị bệnh giời leo. Từ phát hiện này, phía Nga đã có bước đầu chuyển giao công nghệ và đặt hàng Công ty Vimedimex xuất khẩu nguyên liệu thô sang Nga.
Phân tích định tính định lượng hoạt chất 10 DAB III và Taxol từ cây thông đỏ bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC. Ảnh: KIM LIÊN
Túi ba gang” nào cho ngành công nghiệp dược:

Năm 1998, lần đầu tiên, phía Việt Nam đã xuất khẩu được qua Nga nguyên liệu mangiferin đạt độ tinh khiết 75%-78%. Năm 2002, sau khi Công ty Liên doanh Sovipharm – tiền thân của Công ty BV Pharma hiện nay – ra đời và GS Glưzin là Phó tổng giám đốc, công nghệ chế biến nguyên liệu mangiferin đã được chuyển giao hoàn toàn.
Cho đến nay, tại Việt Nam, Công ty BV Pharma đã có thể sản xuất nguyên liệu mangiferin đạt độ tinh khiết 98%-101%; xuất khẩu sang Nga cả nguyên liệu và thuốc thành phẩm đạt trị giá khoảng 1 triệu USD/năm.

Theo các nhà nghiên cứu dược liệu, không chỉ có xoài, trong kho tàng thực vật – dược liệu Việt Nam còn hàng trăm loài dược liệu có chứa hàm lượng lớn những hoạt chất quý giá để dùng sản xuất nguyên liệu bào chế thuốc thành phẩm, đặc biệt là các loại thuốc đặc trị, như Taxol (có trong cây thông đỏ), Rurin, Troxerutin (có trong hoa hòe – dùng để sản xuất thuốc làm bền mạch máu, điều trị chứng dọa xuất huyết não); Curcumin, Quercetin (có trong nghệ – sản xuất thuốc chống khối u, hỗ trợ điều trị ung thư, dạ dày, sốt xuất huyết)…

Theo DS. Trần Hùng, Trưởng bộ môn Dược liệu, Khoa Dược, Trường ĐH Y Dược TPHCM, để phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất các loại biệt dược không có cách nào khác là phải đầu tư cho công nghệ chiết xuất tinh khiết các hoạt chất trong dược liệu.

Nhưng làm thế nào để khai thác kho vàng sẵn có này? Theo TS. Hùng, cần phải có sự đầu tư đồng bộ: chính sách, vùng nguyên liệu, kỹ thuật tiên tiến và con người. Hiện nay, tất cả những yếu tố này hầu hết còn rất yếu và thiếu. Việc để các doanh nghiệp tự thân đầu tư quy trình chiết xuất dược liệu tiên tiến là rất khó khi nguồn vốn đầu tư rất lớn và phải sau một thời gian dài mới có thể thu hồi được. Chính vì vậy, cần phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà nước. Trước nhất là những chính sách tầm vĩ mô về phát triển vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư công nghệ chiết xuất.

KIM LIÊN – ÁI VÂN
Theo báo Sài gòn Giải Phóng
0/50 ratings
Bình luận đóng