BA KÍCH
Radix Morindae
            Ba kích là rễ phơi hoặc sấy khô của cây ba kích còn gọi là cây ruột gà – Morinda officinalis  How. , họ Cà phê – Rubiaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
            Dây leo nhỏ, sống lâu năm, ngọn  dây non có màu tím, cành non có cạnh. Lá mọc đối hình mác, lá kèm bé. Hoa tập trung ở đầu cành thành tán nhỏ, hoa lúc non màu trắng sau hơi vàng. Đài 2 – 10 nhỏ, còn lại ở qủa, ống tràng ngắn. Nhị 4, đính trong họng tràng. Qủa khi chín màu đỏ mang đài còn lại ở đỉnh.
            Cây mọc hoang trong rừng thưa thứ sinh, gặp  nhiều ở Quảng ninh, Vĩnh phú, Hà bắc. Có thể trồng ở dạng bán tự nhiên.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
            Rễ đào quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa đông. Đào về rửa sạch đất cát. phơi hay sấy, khi gần khô người ta đập dẹp rồi phơi lại cho thật khô. Sau khi chế biến, dược liệu là những mẫu cong queo, thịt đứt thành từng đoạn để lộ lõi gỗ nhỏ bên trong. Rễ dài 10 – 20cm, đường kính 0,7 – 1,4cm trở lên. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, trên mặt có nhiều vân dọc. Thịt màu hồng tím, vị hơi ngọt. Loại rễ to, thịt màu tía là loại tốt.
            Trong đông y ba kích được chế biến trước khi dùng, có ba cách :
            – Ba kích thiên: Ba kích nhặt hết tạp chất, đem hấp cho mềm rồi rút lõi gỗ, cắt thành từng đoạn phơi khô.
            – Chích ba kích : Sắc nước cam thảo, bỏ bã, cho ba kích vào đun đến khi xốp mềm và nước cam thảo gần cạn thì lấy ra rút lõi gỗ khi còn nóng, phơi khô là được. Cứ 100kg ba kích thì dùng 6,40kg cam thảo.
            – Diêm Ba Kích : Ba Kích sạch trộn đều với nước muối, cho vào chõ đồ, rút lõi gỗ, phơi khô (100kg ba Kích thì dùng 2kg muối và lượng nước vừa đủ hòa tan).
Vi phẫu
            Lớp bần gồm 2 – 3 hàng tế bào hình chữ nhật dẹt. Mô mềm vỏ dày, phía ngoài gần sát lớp bần có một lớp mô cứng. Trong phần mô mềm rải rác có tinh thể calci oxalat hình kim cụm lại thành từng bó, một số có hình cầu gai, thỉnh thoảng có những đám nhựa màu vàng. Liber cấu tạo thành 1 lớp mỏng bao bọc quanh gỗ. Gỗ chiếm toàn bộ phần giữa rễ, không có ruột.
            Bột màu nâu xám, mùi thơm, vị hơi ngọt. Nhiều tế bào mô cứng có thành dày, mảnh bần gồm các tế bào hình 6 cạnh đều, mảnh mô mềm, tinh thể calci oxalat hình kim hoặc cầu gai, mảnh mạch hình chấm.
Thành phần hóa học
            Trong rễ có dẫn chất anthranoid (chưa thấy có tài liệu nghiên cứu kỹ), có đường, vitamin C.
Tác dụng và công dụng
            Nước sắc ba kích có tác dụng làm tăng nhu động ruột và làm giảm huyết áp,  không độc.
            Theo Phó Đức Thuần và cộng sự (1990) ba kích có tác dụng trên huyết áp tùy thuộc vào liều sử dụng, liều thấp có xu hướng tăng, liều cao có xu hướng giảm, tuy nhiên số liệu không có ý nghĩa thống kê.
            Y học dân tộc cổ truyền coi ba kích là vị thuốc bổ dương dùng cho nam giới khi chức phận sinh dục bị suy yếu, thuốc bổ gân cốt, bổ trí não, ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp. Ngày dùng 4 – 12g.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng