Nhận định chung
Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng viêm nhiễm trong khoang tai giữa. Bệnh cảnh của viêm tai giữa cấp tính thay đổi tùy theo tuổi tác của bệnh nhân, tùy theo vi trùng gây bệnh, tùy theo thể địa… thời gian kéo dài dưới 3 tháng. Tình trạng viêm nhiễm này có thể lan đến xương chũm, các tế bào quanh mê đạo và đỉnh xương đá.
Nguyên nhân chính của viêm tai giữa cấp tính là viêm vòm mũi họng, quá trình viêm vào tai bằng con đường vòi Eustache là chủ yếu, ít khi viêm nhiễm xâm nhập bằng đường máu hoặc đường bạch huyết. Sự viêm nhiễm này có thể gây ra bởi các bệnh nhiễm trùng toàn thân như cúm, sởi… hoặc những bệnh cục bộ như viêm mũi, viêm xoang, viêm V.A, u vòm mũi họng, hoặc nút mũi sau để quá lâu. Nói chung viêm tai giữa cấp tính thường gặp ở trẻ em có VA hoặc có thể địa bạch huyết.
Rách màng nhĩ do chấn thương cũng là một nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp tính.
Viêm tai giữa cấp tính trẻ em
Nguyên tắc điều trị
Đây là bệnh lý cấp tính ảnh hưởng đến toàn thân và đe dọa nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần phối hợp điều trị kháng sinh, kháng viêm phối hợp dẫn lưu tại chỗ.
Phác đồ điều trị
Màng nhĩ chưa thủng: Chích rạch màng nhĩ.
Màng nhĩ đã thủng: Làm thuốc tai.
Điều trị bệnh lý mũi họng kèm theo.
Điều trị phòng ngừa biến chứng.
Điều trị cụ thể màng nhĩ chưa thủng
Điều trị bằng thuốc tại chỗ
Dùng một số thuốc nhỏ tai có tác dụng giảm sung huyết tại chỗ: Polymycin…
Chích rạch màng nhĩ
Chúng ta phải chích rạch màng nhĩ trong những trường hợp sau đây:
Triệu chứng toàn thân xấu: nhiệt độ cao, mất ngủ, bộ mặt nhiễm trùng.
Ở trẻ nhỏ bị viêm tai, khi có triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy.
Triệu chứng chức năng quá rõ rệt: đau tai, nhức nửa bên đầu và nghe kém.
Triệu chứng thực thể nói lên có mủ trong hòm nhĩ: màng nhĩ căng phồng như mặt kính đồng hồ đeo tay.
Có những phản ứng đáng ngại như triệu chứng màng não, triệu chứng mê nhĩ, triệu chứng viêm xương chũm.
Viêm tai giữa cấp tính đã kéo dài trên bốn ngày và không tự vỡ.
Nói chung trong trường hợp nghi ngờ có mủ cũng nên chích rạch màng nhĩ, thà chích rạch không có mủ còn hơn là để cho viêm mủ tiến vào xương chũm.
Điều trị cụ thể màng nhĩ đã thủng
Sau khi màng nhĩ đã thủng tự nhiên hoặc thủng do chích rạch cần phải làm thuốc tai hàng ngày. Thầy thuốc hút rửa tai và nhỏ tai các loại thuốc có kháng sinh, kháng viêm như Hydrocortisol và Chloramphenicol.
Nhiệm vụ của thầy thuốc là phải theo dõi tình hình của lỗ thủng và các triệu chứng toàn thân. Nếu thấy lỗ thủng đóng lại nhưng bệnh nhân sốt và đau tai thì phải chích rạch lại để dẫn lưu.
Nếu sau bốn tuần mà mủ vẫn tiếp tục chảy, phải nghĩ đến các nguyên nhân sau đây và tìm cách giải quyết: viêm mũi xoang, viêm vòm mũi họng (V.A), viêm xương chũm, thể trạng suy nhược.
Điều trị toàn thân
Kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm Beta lactam, Cephalosporin, Macrolid… tốt nhất vẫn theo kháng sinh đồ. Trong khi dùng kháng sinh, nên chụp X quang xương chũm để phát hiện viêm xương chũm tiềm tàng.
Thuốc kháng viêm Corticoid, kháng viêm dạng men.
Hạ sốt, giảm đau.