THỰC TRỊ (Thực phẩm trị bệnh) có hai cách:

  1. Trị bệnh bằng thức ăn

Nhiều nhà nghiên cứu dưỡng sinh trước và nay đều thống nhất dùng cốc loài làm thức ăn chính. thức ăn là rau, củ, đậu, trái cây, thịt cá với một số lượng vừa phải, tùy theo thể trạng từng người, từng bệnh, từng môi trường sống, từng dân tộc, tập quán. Thí dụ: chữa bệnh về tim mạch:

– Viện sĩ y khoa A.Prokovski (Liên Xô) khuyên dùng bánh mỳ đen (lúa mỳ Lứt) 150g, bánh mỳ trắng 100g, thịt 55g, cá 120g, trứng 50g, rau quả 100g, cà phê 15g, đường 35g, bánh ngọt 50g cho một ngày.

– Bác sĩ Harley Walker và bác sĩ Howard Posner (Mỹ) dùng thức ăn chính là bột 45%, đường 15% (tối đa), đạm 12% (1/2 là thực vật), dầu 18%, mỡ 10%, nhưng còn kèm theo Vitamin E và Vitamin nhóm B.

– Bác sĩ Morishita Keichi dùng cơm gạo Lứt trộn tạp cốc (gạo Lứt 60%, kiều mạnh 10%, đậu đỏ 10%, đậu đen 10%, kê 10%) kèm theo thức ăn rau củ: rau câu, nấm, mộc nhĩ, cải bắp, hành, cà chua, ớt khoai sọ, xà lách, cá nhỏ, ốc hến. Xào nấu bằng dầu thực vật. Ngoài ra, còn uống dầu lòng đỏ trứng gà.

– G.Ohsawa khuyên dùng chủ yếu là cơm Lứt, muối vừng, nhai thật kỹ và uống nước. Uống thêm dầu lòng đỏ trứng gà để giúp cho tim khỏe lên. Không riêng biệt về tim mạch mà với mọi bệnh, ông điều trị bằng cơm Lứt với muối vừng.

– Bác sĩ Nacagaoa khuyên dùng thức ăn chính cũng là cơm Lứt hoặc bánh mỳ đen kèm với muối vừng. Thức ăn phụ… tùy theo tình trạng, mức độ diễn biến của từng bệnh nhân mà vận dụng theo tỷ lệ 06 phần rau,03 phần thức ăn động vật (cá nhỏ, chim nhỏ), một phần hải thảo (rau câu); gia vị: chút ít đường đỏ hoặc đen; dầu thực vật, không dùng đạm chế biến bằng chất hóa học. Vì huyết dịch, thể dịch của họ có toan tính cao, cân bằng thức ăn có tính kiềm để trung hòa.

Câu lạc bộ THỰC DƯỠNG thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng có chọn lọc những kinh nghiệm về dinh dưỡng cổ truyền và hiện đại và căn cứ vào những kết quả điều trị nhiều loại bệnh, đã hình thành toa căn bản gồm 3 loại Thực đơn (I, II, III) dùng trong 03 giai đoạn: Điều trị, Điều dưỡng và An dưỡng; dựa trên nguyên lý điều hòa cơ thể, cân bằng Âm Dương với 03 quy định sau đây:

  1. Dùng cốc loại tại địa phương làm thức ăn chính.
  2. Đảm bảo thực phẩm tốt, giữ được tính thiên nhiên trong nuôi trồng và chế biến, chú ý điều hòa Âm Dương trong thực đơn.
  3. Đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu ở tỷ lệ cân đối, thích hợp với từng người bệnh.

THỰC ĐƠN CĂN BẢN:

Thành phần: Gồm 03 thực phẩm chủ yếu (còn gọi là thức ăn chính):

GẠO LỨT – MUỐI – VỪNG

Công dụng:

GẠO LỨT: Gạo Lứt là hạt thóc không còn vỏ ngoài bọc gồm có cám bao xung quanh, mầm ở đầu hạt và lõi trong là bột gạo có thành phần chủ yếu là tinh bột. Tinh bột gồm 02 phân tử Amiloza và Amilopectin. Càng có nhiều Amiloza cơm càng nở và khi để nguội chóng khô, đó là gạo tẻ (Oryzasanta), (Đông y gọi là Nghạch mễ). Còn gạo nếp (Oryzasativa var Glutino Samats) hầu như chỉ có Amilopectin nên đồ xôi không nở, để nguội vẫn dẻo, (Đông y gọi là Nhu mễ). Gạo Lứt theo Đông y: khí ôn, vị ngọt, điều hòa 05 tạng, bổ tỳ vị, bổ phế khí, mạnh tâm trí, cứng gân xương, thân thế cường tráng.

VỪNG (Sesamum Indicum D.C) có nơi gọi là mè, chi ma. Có loại vừng đen (Semen Sesami), mè đen, hắc chi ma. Dùng loại nào cũng được nhưng phải để nguyên vỏ không xát trắng.

Vừng là một thực phẩm quý. Đông y liệt vừng vào loại thuốc bổ. Vừng có vị ngọt tính bình, không độc, vào bốn kinh: phế, tỳ, can, thận có tác dụng ích gan, bổ thận, nhuận tràng, lợi sữa, nuôi huyết, tư dưỡng cường tráng, chủ trị thương phong, hư nhược, ích khí lực, bổ Ngũ tạng, dưỡng não tủy, bền gân cốt, sáng tai, mắt, chống đói sống lâu.

MUỐI (Natrium Chloridum Crudum) còn gọi là thực diêm (muối ăn). Như người ta nói “sinh mạng sinh ra từ biển” (sinh mạng trong đó còn có con người). Triết tự của người xưa thể hiện cũng khá rõ ý đó: chữ hải là biển gồm chữ thủy là nước, chữ nhân  là người và chữ mẫu  là mẹ. cấu tạo thành phần muối trong máu người giống nước biển. Như vậy, có thể nói nguồn gốc của máu là nước biển. thành phần chính trong nước biển gồm Natri, Kali, Canxi, Clo, Magiê, Clorua… trong muối ăn chủ yếu cũng có Natri, Clorua, Kali Clorua, Magie, muối, Canxi, sắt, Sunfat… Tây y đã xác định vai trò quan trọng của muối trong cơ thể và hay dùng muối dưới dạng tinh khiết để chế huyết thanh đẳng trương và ưu trương tiêm hoặc rửa vết thương.

 Gạo Lứt, muối và vừng trong lĩnh vực chữa bệnh thì thuở xa xưa Danh y Tuệ Tĩnh tiếp đến Hải Thượng Lãn Ông và nhiều lương y sau này trong thực đơn của những phương thuốc đã sử dụng khá phổ biến. Y học phương Tây cũng đã xác nhận thức ăn và gạo Lứt dễ tiêu hóa, rất tốt cho người đau dạ dày, những người ăn khó tiêu, những người ốm mới khỏi, nhất là những người bị viêm ruột, tiêu chảy thường dùng dưới dạng cháo hồ. Theo bác sĩ Sallet (ở Pháp) thì gạo Lứt (Rizcomplet) bổ và mát giải nhiệt, giải khát, giảm đau thần kinh và làm dịu mọi phiền não, lo âu. Ông còn thấy gạo tẻ Lứt có tác dụng ngăn sự xuất tiết của dạ dày và ruột cho nên có hiệu quả tốt trong các bệnh tả lỵ. Gạo nếp Lứt bổ lách và phổi, giúp cho dạ dày tiêu hóa vật thực khó tiêu, bài tiết những chất độc đưa vào cơ thể, dùng rất tốt cho những trường hợp động thai bất thường. Gạo nếp Lứt rang vàng dùng chữa bệnh chảy máu cam và rang vàng dùng để bổ dương. Ngày nay, ở Hoa Kỳ, người ta dùng gạo với rau quả trong phép tiết thực để chữa bệnh tim, bệnh thận, huyết áp cao. Ở Liên Xô cho biết trong gạo Lứt cũng như trong lúa mỳ Lứt có nhiều chất bổ dưỡng trong đó có chất Xelen có tác dụng hạn chế tế bào ung thư phát triển đã được thể nghiệm trên súc vật và trên người. Họ nghiệm thấy rằng những bệnh nhân ung thư có rất ít chất Xelen trong người. Theo hai nhà khoa học tại bang Ilinoi ở Mỹ, chất Xelen có thể ngăn không cho các khối u ở vú phát triển (Báo Khoa học kỹ thuật Kinh tế thế giới số 05 trong bài “Vai trò của các nguyên tố kim loại trong cơ thể”).

Như vậy, về nguyên lý cũng như về kinh nghiệm sử dụng với kết quả thực tế về tác dụng dược lý, gạo Lứt, muối và vừng được chọn làm thức ăn chính để thành thức ăn cơ bản hoặc gọi là thực đơn cơ bản để trị bệnh có đầy đủ tính khoa học và đại chúng.

LIỀU DÙNG

THỰC ĐƠN I: Dùng trong giai đoạn “điều trị”, được coi là Thực đơn căn bản.

Thức ăn chính: gạo tẻ Lứt 100%. Số lượng tùy mức ăn của từng người, với người Việt Nam không quá 400g mỗi ngày. Nấu cháo, cơm hoặc làm bánh… tùy khẩu vị, tuyệt đối không pha hóa chất và dầu mỡ.

– Muối và vừng: chế biến thành món muối vừng. Tỷ lệ muối và vừng tùy trạng thái của từng người bệnh, dựa theo phân lỏng hay bón mà điều chỉnh. Tỷ lệ giữa muối và vừng:

Phân bón: 01g muối trộn với 10-12g vừng.

Phân lỏng: 01g muối trộn với 05g vừng.

Phân bình thường: 01g muối trộn với 06-07g vừng.

Mỗi ngày không dùng quá 50g muối vừng.

Thức uống: gạo Lứt rang sẫm đun sôi khoảng 30-60 phút, ủ vào giỏ nước để uống ấm.

Thời gian ăn theo Thực đơn 1: cho đến khi bệnh bắt đầu ổn định.

THỰC ĐƠN II: dùng trong giai đoạn “Điều dưỡng”, là Thực đơn I có gia thêm những thức ăn đặc hiệu đối với từng loại bệnh, nhằm tăng thêm hiệu lực chữa bệnh.

Thức ăn chính: gạo tẻ Lứt 60% trộn tạp cốc (đậu đỏ, đậu đen, đậu nành, kê, ngô… mỗi thứ từ 05-10%).

– Muối vừng: liều lượng và cách sử dụng như Thực đơn I.

Thức ăn phụ: các loại rau (rau câu, cà rốt, bí đỏ, củ cải, khoai sọ, cải bắp, cải soong, hành, tỏi, nấm, mộc nhĩ…); các loại cá nhỏ, ốc, sò, hến, tạng phủ (tim, gan, phổi, thận…) một số gia cầm.

Xào nấu bằng dầu thực vật, mỗi ngày từ 50-200g thức ăn phụ, với chỉ định thích hợp với từng bệnh (xem phần II “Thực trị một số bệnh thường gặp “).

Thức uống: như Thực đơn I hoặc một số thức uống chế biến dưới dạng trà.

Thời gian ăn theo Thực đơn II: Đến khi bệnh hoàn toàn ổn định.

THỰC ĐƠN III: Dùng trong giai đoạn “An dưỡng”, để chuyển từ chế độ ăn “Thực trị” sang chế độ “Thực dưỡng” nhằm củng cố và tăng cường sức khỏe. Người bệnh tự chăm sóc, nuôi dưỡng mình bằng cách lựa chọn thức ăn hằng ngày và tự theo dõi phân, nước tiểu. từ đó mà điều chỉnh thức ăn, thức uống cho hợp lý và chế biến cho đúng cách.

Thức ăn chính, thức ăn phụ và thức uống: giống như Thực đơn II, có mở rộng thêm một số món ăn cho hợp khẩu vị. số lượng tùy theo nhu cầu của cơ thể từng người, với điều kiện thức ăn không vượt quá 1/3 thức ăn chính (người Việt Nam gọi “bữa cơm” có nghĩa là ăn cơm là chính) và chỉ ăn vừa đủ, không bao giờ ăn quá no.

Thời gian ăn Thực đơn III: Là thực đơn mở rộng nhằm đáp ứng với khẩu vị, nên thời gian không quy định. Nhưng nếu có hiện tượng khác thường, người cảm thấy uể oải, ăn uống kém ngon thì ngừng lại, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà chuyển sang Thực đơn I hoặc Thực đơn II

0/50 ratings
Bình luận đóng