Tên khoa học:

Phaseolus angularisWight . Họ Đậu –Fabaceae(Papilionaceae).

Tên khác:

Hồng tiểu đậu, hồng đậu

Mô tả:

Cây đậu đỏ nhỏ hạt sống hàng năm, mọc đứng hay leo, được trồng ở nhiều vùng để lấy hạt. Chùm hoa thường có 6-12 hoa, mọc ở nách lá, màu vàng sáng. Quả hình trụ dài, có nhiều hạt màu đỏ. Quả đậu đỏ nhỏ hạt để ăn và làm thuốc chữa bệnh.

Nguồn gốc:

Đây là hạt đậu đỏ chín, khô, thuộc loài thực vật họ đậu. Sản xuất chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Triết Giang v.v…

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Vị thuốc này có hình tròn, dài mà hơi bẹt. Bề mặt màu đỏ tía, không có ánh quang hoặc hơi có ánh quang, một bên có rốn hạt hình tuyến nổi gồ lên, lệch hẳn về 1 bên, màu trắng, dài khoảng 2/3 tổng chiều dài; giữa lõm xuống thành rãnh dọc. Bên kia có 1 đường sống không rõ lắm, chất cứng, không dễ phá nát. Không có mùi, vị hơi ngọt. Loại nào hạt to, mẩy là tốt.

Bảo quản:

Để nơi khô ráo, thoáng gió, chống mọt.

Thành phần hóa học:

Theo các nghiên cứu thời nay, xích tiểu đậu có hàm chứa  protid 19,9%, lipid 0,5%, glucid 64,4% xơ 7,8%, tro 4,3%.vitamin A1, B1, B2, calcium, phosphor, sắt vv…

Có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm, lợi tiêu, hạ thấp men gan trong máu và có tác dụng chống ung thư.

Tính vị – qui kinh:

Xích tiểu đậu Tính vị: vị ngọt, hơi chua, tính bình. Quy kinh: vào kinh tâm, tiểu trường.

Công năng:

Lợi niệu, hoạt huyết và giải độc trừ mủ.

Chủ trị:

Các bệnh phù nề trướng bụng, cước khí phù thũng, vàng da do gan mật, nước đái đỏ, phong thấp nhiệt tê liệt, các loại ung nhọt độc, đau bụng đường ruột có khối u v.v …

Chữa lỵ ra máu.

Giải độc tiêu mủ: chữa mụn nhọt, sưng đau (kết hợp uống và giã đắp nơi sưng đau)

Liều dùng:

Liều dùng 20-40g dùng cho thuốc sắc. Dùng ngoài giã nhỏ hòa giấm đắp vào chỗ đau.

Cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào miệng khô họng khô, thân thể gầy mòn, thân nhiệt thấp, đổ mồ hôi trộm, không có thấp nhiệt, cấm dùng nhiều, dùng lâu dài.

Đậu đỏ nhỏ hạt tác dụng lợi thủ, tiêu thũng, giải độc bài mủ
Đậu đỏ nhỏ hạt tác dụng lợi thủy, tiêu thũng, giải độc bài mủ

Thuốc ứng dụng từ hạt đậu đỏ nhỏ

Bài 1. Thuốc chữa đái ra máu đau buốt

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 30g

+ Hành tươi 3 củ

+ Rượu trắng 30ml

Hạt đậu sao thơm, tán bột mịn, hành nướng vàng vỏ giã nhỏ cho vào rượu ngâm. Rượu hành và thuốc chia 3 lần uống trong ngày với nước sôi để nguội, uống trước bữa ăn. cần uống liền 5-7 ngày.

Bài 2. Thuốc chữa trẻ chậm biết nói

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 50g

+ Rượu trắng 30ml

Hạt đậu đỏ phơi khô tán bột mịn cho vào rượu ngâm, sau một tuần đem dùng. Hàng ngày dùng bông thấm rượu thuốc bôi vào dưới lưỡi trẻ, ngày bôi 5-7 lần.

Bài 3. Thuốc chữa lở ngứa, sưng chân do thấp nhiệt

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 20g

+ Ngưu tất 15g

+ Đơn đỏ 12g

+ Bồ công anh 10g

+ Núc nác 12g

+ Kim ngân hoa 12g

Các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi cùng 500ml nước đun kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh uống ngày 3 lần trước bữa ăn. cần uống liền 5-7 ngày.

Bài 4. Thuốc chữa táo bón khát nước

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 30g

+ Cỏ may 30g

+ Cà gai 30g

+ Dây bòng bong 20g

Các vị thuốc cắt nhỏ, sao thơm, cho vào nồi cùng 450ml nước, đun kỹ chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh ngày uống một thang chia 3 lần trước khi ăn, mỗi lần 60ml nước thuốc. Cần uống liền 5 ngày.

Bài 5. Thuốc chữa mụn nhọt chưa có mủ

+ Đậu đỏ nhỏ hạt                  50g

+ Giấm ăn                             30ml

Đậu đỏ nhỏ hạt giã thật mịn trộn với giấm gói vào miếng gạc đắp vào chỗ đau, ngày thay thuốc một lần.

Bài 6. Thuốc chữa nhọt độc

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 15g

+ Hoàng bá 10g

+ Thiên thảo 10g

+ Kim ngân hoa 10g

+ Bồ công anh 10g

+ Ngưu tất 10g

Các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi cùng 500ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc.

Người bệnh uống ngày 3 lần trước khi ăn, mỗi lần 60ml nước thuốc, cần uống liền 3-5 ngày liền.

Bài 7. Thuốc chữa trẻ em bị viêm thận cấp

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 30g

+ Liên kiều 12g

+ Ma hoàng 3g

+ Vỏ gừng tươi 3g

Các vị thuốc cho vào nồi cùng 400ml nước đun kỹ, chắt lấy 90ml nước đặc. Trẻ uống ngày 3 lần trước bữa ăn, mỗi lần 30ml nước thuốc, cần uống 7 ngày một liệu trình, sau đó cho xét nghiệm albumin, tùy kết quả mà cho uống tiếp liệu trình mới.

Bài 8. Thuốc chữa đái dắt

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 30g

+ Rễ cỏ tranh 30g

+ Rau diếp cá 30g

+ Trần bì 6g

+ Thảo quả 6g

+ Râu ngô 30g

Thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ. Khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày trước khi ăn. cần uống liền 5 ngày.

Bài 9. Thuốc chữa bệnh xơ gan cổ chướng

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 30g

+ Thiên hoa phấn 20g

+ Trạch tả 20g

+ Đậu ván trắng 20g

+ Sinh địa 15g

Thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ. Khi còn 300ml nước thuốc, chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày trước khi ăn. cần uống liền 21 ngày.

Bài 10. Thuốc chữa thiếu sữa sau khi sinh

+ Đậu đỏ nhỏ hạt 30g

+ Vừng vàng 30g

+ Hạt kê 30g

+ Gạo tẻ ngon 30g

+ Móng giò lợn 250g

+ Đường đỏ 10g

Các thứ làm sạch, cho vào nồi thêm nước vừa đủ ninh nhừ thành cháo, chia hai lần ăn trong ngày lúc đói, cần ăn liền 5 ngày.

Những bài thuốc bổ dưỡng từ Xích tiểu đậu:

Xích tiểu đậu chúc (cháo đậu đỏ)

Đậu đỏ 50g – Gạo lức 200g

Nấu cháo, cháo chín cho muối mì chính cho vừa. Ăn thường xuyên có thể chữa được phù thũng, cước khí, giảm béo.

Xích đậu hồng tảo hoa sinh thang (thang đậu đỏ, táo tầu, lạc nhân)

Đậu đỏ 30g – Lạc nhân 30g

Táo tầu 50g – Đường đỏ vừa phải,

Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Dùng cho người viêm gan cấp tính, vàng da do gan mật.

Xích đậu trà (trà đậu đỏ)

Đậu đỏ 50 – 100g – Đường đỏ vừa phải.

Đậu đỏ nấu thang, cho đường vào uống thay trà.

Dùng cho người sinh nở xong ác lộ không dứt.

Xích tiểu đậu thang (thang thuốc đậu đỏ)

Đậu đỏ 100g, nấu cho thật nhừ. Uống thang ăn đậu, chia 2 lần sớm, tối.

Chữa phù thũng do mọi nguyên nhân, tiểu tiện bất lợi.

Xích đậu đông qua trà (trà đậu đỏ, bí đao)

Đậu đỏ 100g – Bí đao 500g

Nấu chung thành thang, uống thay trà tuỳ thích- Dùng cho người viêm thận, phù thũng do suy dinh dưỡng và cước khí.

Xích tiểu đậu sơn dược chúc (cháo đậu đỏ, sơn dược)

Đậu đỏ 30g – Sơn dược 30g

Đường trắng 1 ít

Sơn dược bỏ vỏ, rửa sạch, thái miếng; đậu đỏ vo sạch, nấu gần chín thì cho sơn dược thái miếng, sau khi chín cho đường cho vừa.

Dùng cho người tỳ hư hoặc tỳ thấp ỉa chảy, phù nề trướng bụng, đái són mà ít, mệt mỏi bải hoải v.v…

Xích tiểu đậu, đồn lí ngư (đậu đỏ hầm cá chép)

Đậu đỏ 90g – Cá chép 300 – 500g

Đậu đỏ rửa sạch, cá chép đánh vẩy, bỏ mang, lòng ruột,

rửa sạch. Cho cả hai vị vào nồi đất hầm nhừ ăn.

Dùng cho người chửa bị phù nề, đẻ xong thiếu sữa, trướng bụng trên, cước khí v.v…

Xích tiểu đậu bài cốt thang (thang đậu đỏ, xương vè)

Đậu đỏ 100g – Xương sườn lợn 500g

2 vị cho nước hầm chung, pha muối cho vừa mà ăn.

Dùng cho người bị bệnh đái đường ăn vào mùa đông.

Người nào có trọng lượng cơ thể vượt tiêu chuẩn phải kiêng không ăn.

Xích tiểu đậu đông qua đồn hắc ngư (đậu đỏ, bí đao hầm cá quả)

Cá quả 1 con (chừng 250g) – Đậu đỏ 60g

Bí đao (cả vỏ) 500g – Hành tựơi 3 cây

Cá quả đánh vẩy, bỏ mang, bỏ lòng ruột, rửa sạch; bí đao rửa sạch thái miếng, đậu đỏ vo sạch, hành tươi rửa sạch sắt khúc. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vào hầm nhừ mang ra án, đừng cho muối.

Dùng cho người viêm thận mạn phù nề, phù thũng do rối loạn dinh dưỡng, phù nề khi có mang, xơ gan cổ trướng v.v…

Xích đậu mạch nha chúc (cháo đậu đỏ, mầm lúa mạch)

Đậu đỏ 30g – Đại mạch nha 60g

Nấu cháo, ăn 1 ngày 2 lần.

Chữa trẻ em phù nề do tỳ hư, thận hư sinh ra.

Xích tiểu đậu nội kim chúc (cháo đậu đỏ, vỏ mề gà)

Đậu đỏ 30g – Vỏ mề gà 10g

Vỏ mề gà sấy khô nghiền bột mịn, đậu đỏ rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vào đun nhỏ lửa 10 phần chín 8 thì cho món vỏ mề gà vào quấy đều, tiếp tục ninh cho nhừ. Làm món ăn buổi sớm.

Dùng cho người ruột non thấp nhiệt, đái nhiều, đái gấp, đái đau, đầy trướng bụng dưới, ăn không tiêu v.v…

0/50 ratings
Bình luận đóng