Nhận định chung

Viêm cơ nhiễm khuẩn (infectiuos myositis) là tổn thương viêm hoặc áp xe tại cơ vân do vi khuẩn gây nên.

Vi khuẩn gây bệnh:

Nguyên nhân thường gặp nhất là tụ cầu vàng.

Các loại vi khuẩn khác: Liên cầu, lậu cầu, phế cầu, não mô cầu, Burkholderia pseudomallei, vi khuẩn Gram âm, các vi khuẩn yếm khí khác.

Phác đồ điều trị viêm cơ nhiễm khuẩn

Nguyên tắc điều trị

Dùng kháng sinh sớm (ngay sau khi làm các xét nghiệm vi sinh), liều cao, đường tĩnh mạch (sau có thể chuyển đường uống), đủ thời gian (4-6 tuần). Lựa chọn kháng sinh dựa theo kháng sinh đồ.

Khi chưa có kết quả vi sinh, lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm dựa trên bệnh cảnh lâm sàng:

+ Kháng sinh sử dụng đầu tiên nên hướng tới tụ cầu vàng. Nếu nghi ngờ tụ cầu kháng methicilin, xem xét sử dụng vancomycin.

+ Với cơ địa suy giảm miễn dịch, nên sử dụng kháng sinh phổ rộng, trong đó có trực khuẩn gram âm và vi khuẩn yếm khí, chẳng hạn vancomycin và một kháng sinh nhóm carbapenem hoặc piperacillin/tazobactam. Đối với vi khuẩn yếm khí, có thể dùng clindamycin.

Kết hợp chọc hút dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ (giai đoạn 2, 3).

Điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, chống sốc nhiễm khuẩn (nếu có).

Điều trị cụ thể

Khi chưa có kết quả cấy máu, dịch: dùng ngay kháng sinh oxacillin hoặc nafcillin 2g đường tĩnh mạch mỗi 6 giờ một lần (8g/ngày), hoặc clindamycin 2,4g tĩnh mạch/ngày chia 4 lần.

Đối với tụ cầu còn nhạy cảm với methicillin:

+ Cefazolin 1g tĩnh mạch mỗi 8 giờ x 2 tuần hoặc + Levofloxacin 750mg tĩnh mạch mỗi 24 giờ x 2 tuần hoặc

+ Moxifloxacin 400mg tĩnh mạch mỗi 24 giờ x 2 tuần hoặc

+ Ampicillin/sulbactam 3g tĩnh mạch mỗi 6 giờ x 2 tuần hoặc Sau đó chuyển sang:

+ Cephalexin 500mg uống mỗi 6 giờ x 2 tuần hoặc

+ Điều trị phối hợp clindamycin 300mg uống mỗi 6 giờ x 2 tuần với levofloxacin 750mg uống mỗi 24 giờ x 2 tuần hoặc moxifloxacin 400mg uống mỗi 24 giờ x 2 tuần.

Nếu nghi ngờ tụ cầu (Staphylococcus aureus) kháng methicillin:

+ Vancomycin 1g tĩnh mạch mỗi 12 giờ x 2 tuần, hoặc

+ Linezolid 600mg tĩnh mạch mỗi 12 giờ x 2 tuần hoặc + Daptomycine 4mg/kg tĩnh mạch mỗi 24 giờ x 2 tuần Sau đó chuyển sang:

+ Linezolid 600mg uống mỗi 12 giờ x 2 tuần hoặc

+ Minocycline 100mg uống mỗi 12 giờ x 2 tuần.

Nếu nghi ngờ nhiễm Gram (+) khác:

+ Cefazolin tĩnh mạch 3g/ngày chia 3 lần trong 2-3 tuần sau đó dùng cefalexin 4g/ngày chia 4 lần (4-6 tuần). hoặc

+ Clindamycin tĩnh mạch 1800 mg/ngày, chia 3 lần trong 2-3 tuần; sau đó duy trì bằng uống clindamycin 1800 mg/ngày, chia 3 lần trong 4-6 tuần, hoặc

+ Lincomycin tĩnh mạch 1800 mg/ngày, chia 3 lần (2-3 tuần); sau đó duy trì bằng uống lincomycin 1800 mg/ngày, chia 3 lần trong 4-6 tuần.

Nếu nghi ngờ nhiễm liên cầu (Streptococcus group A):

+ Penicillin G tĩnh mạch 2-4 triệu IU mỗi 4-6 giờ, sau chuyển sang penicillin V uống, hoặc

+ Ceftriaxone tĩnh mạch 1-2 g/24 giờ.

Nếu nghi nhiễm trùng trực khuẩn mủ xanh cần phối hợp ceftazidim 2g/lần x 2-3 lần/ngày với kháng sinh nhóm aminoglycosid (như gentamycin 3 mg/kg/ngày – dùng một lần tiêm bắp vào buổi sáng hoặc amikacin 15mg/kg/ngày tiêm bắp hoặc pha truyền tĩnh mạch 1lần /ngày).

Phần lớn các nhiễm vi khuẩn gram âm đường ruột: kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 hoặc 4 đường tĩnh mạch trong 3-4 tuần, hoặc thuốc nhóm fluoroquinolon như levofloxacin 500mg đường tĩnh mạch hoặc uống mỗi 24 giờ.

Dự phòng

Đảm bảo nguyên tắc vô trùng khi làm thủ thuật hoặc tiêm chích.

Điều trị tốt các ổ nhiễm ban đầu ở da như mụn nhọt, vết loét…

Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn.

0/50 ratings
Bình luận đóng